Thế giới 7 ngày: Biểu tình thành bạo động ở Thái Lan

VOV.VN -Biểu tình ở Thái Lan, dư luận quốc tế phản đối Trung Quốc về ADIZ, tai nạn máy bay thảm khốc ở Mozambique...

Trong ảnh: Cảnh sát dùng lựu đạn hơi cay để trấn áp những người biểu tình (AP)

Tình hình chính trị Thái Lan tiếp tục gia tăng bất ổn. Trưa 30/11, cuộc biểu tình chống Chính phủ do ông Suthep, cựu Phó Thủ tướng Thái Lan thuộc đảng Dân chủ đối lập đứng đầu, đã tiến hành chiếm giữ trụ sở của Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan (DSI) và hai doanh nghiệp nhà nước về bưu chính - viễn thông tại Bangkok. 

Đến ngày 1/12, trong các cuộc đụng độ dữ dội, lực lượng biểu tình đã phá nhiều hàng rào dây thép gai và di dời hàng rào bê tông trước khi tràn vào nhiều cơ quan nhà nước, giành quyền kiểm soát hãng truyền hình PBS và buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải chạy khỏi trụ sở, nơi bà đang chuẩn bị trả lời phỏng vấn báo chí. Trên website của mình, Cơ quan Y tế Khẩn cấp Bangkok phản ánh rằng ít nhất 1 người chết và 35 người bị thương.

Tiến sỹ Anusorn, Trưởng khoa Kinh tế Đại học Dusit của Thái Lan ngày 30/11 đã đưa ra đánh giá sơ bộ cho biết, tình hình bất ổn chính trị đang gia tăng ở Thái Lan làm cho kinh tế nước này bị thiệt hại ít nhất là 300 tỷ baht (khoảng 10 tỷ USD), do những tác động tiêu cực tới ngành du lịch, tiêu dùng và mất cơ hội về đầu tư.

Bản đồ Khu vực Nhận diện phòng không do Trung Quốc tuyên bố thiết lập, thể hiện rõ vùng chồng lấn với ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc (Ảnh AFP)


Ngày 23/11, Trung Quốc chính thức tuyên bố thiết lập “Khu vực nhận diện phòng không” (ADIZ) ở biển Hoa Đông. Nước này yêu cầu tất cả máy bay hoặc vật bay nếu muốn đi vào ADIZ phải thông báo trước lịch trình bay, cung cấp nhận dạng cho cơ quan chức năng của Trung Quốc. Điều đáng nói là, vùng ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố chồng lấn với vùng ADIZ được thiết lập trước đó của Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ bùng nổ các tình huống căng thẳng trong khu vực.

Ngay sau khi tuyên bố được đưa ra, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước đã lên tiếng phản đối tuyên bố phi lý này của Trung Quốc. 


Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai lên án vụ ném bom Mỹ vào một ngôi nhà ở Helmand, giết chết một đứa trẻ nhỏ và làm bị thương hai người phụ nữ (Ảnh Wochit)

Cuối tuần trước, Hội đồng Trưởng lão Afghanistan đã thông qua Hiệp ước An ninh song phương với Mỹ và mong muốn văn bản này được ký trước thời điểm cuối năm nay, theo đó Mỹ có thể duy trì từ 8.000 đến 12.000 binh lính tại Afghanistan sau năm 2014. Tuy nhiên, Tổng thống Afghanistan Karzai tuyên bố sẽ không ký văn kiện cho đến khi diễn ra các cuộc bầu cử tại nước này vào tháng 4 năm tới.

Ngày 26/11, Mỹ một lần nữa lại thúc giục Afghanistan nhanh chóng ký Hiệp định An ninh song phương, và cho rằng, việc Afghanistan trì hoãn ký Hiệp định sẽ gây ảnh hưởng tới các cam kết tài chính của NATO và các quốc gia khác, và đặc biệt khiến người dân Afghanistan mất đi một sự đảm bảo về an ninh mà họ cần cho mùa bầu cử sắp tới.

Căng thẳng có nguy cơ leo thang một lần nữa khi vào cuối ngày 28/11, một cuộc không kích của lực lượng NATO ở tỉnh tây nam Helmand khiến 1 trẻ em thiệt mạng và 2 phụ nữ bị thương.


Hàng trăm người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi của Ai Cập biểu tình chống lại việc điều chỉnh luật mới về biểu tình tại Cairo, Ai Cập ngày 29/11/2013 (Ảnh: AP)

Bất chấp Luật biểu tình có hiệu lực từ cuối tuần trước, từ hôm 26/11 đến nay, hàng trăm người dân đã tập trung ở trung tâm thủ đô Cairo phản đối luật biểu tình vừa được ban hành. Những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi cũng biểu tình và tuần hành tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước Ai Cập.

Cảnh sát đã bắt giữ nhiều người biểu tình quá khích, khi họ sử dụng gạch, đá để tấn công lại cảnh sát. Những vụ bắt giữ này đều nằm trong khuôn khổ luật biểu tình mới.


Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) cho biết hôm 26/11, cơn bão Haiyan gây thiệt hại cho Philippines khoảng 110 triệu USD (Wochit)

Cơ quan Giảm thiểu rủi ro thiên tai Quốc gia Philippines sáng 29/11 công bố những số liệu thiệt hại về người và của do siêu bão Haiyan gây ra hôm 8/11 ở khu vực miền Trung nước này. Theo đó, 5.598 người chết, 26.136 người bị thương và 1.759 hiện còn mất tích.

Theo Hãng Reuters, công cuộc tái thiết sau bão Haiyan ở Philippines có thể mất 10 năm, lâu hơn và tốn kém hơn so với việc tái thiết tỉnh Ache của Indonesia sau trận sóng thần năm 2004. 


Trong ảnh: Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trước Hội đồng Bộ trưởng ECO tại Tehran, Iran vào ngày 26/11/2013 (AP)

Hơn 30 năm căng thẳng triền miên và 8 năm đàm phán bế tắc đã bước đầu được khép lại khi Iran và nhóm P5+1 ngày 24/11 đã đạt được thỏa thuận bước đầu về chương trình hạt nhân để đổi lấy việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Tehran. 

Phát biểu trên kênh truyền hình IRIB (Iran), Tổng thống Hassan Rowhani bày tỏ lạc quan rằng Iran sẽ từng bước đạt được một thỏa thuận cuối cùng với nhóm P5+1. Theo ông Rowhani, việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt sẽ mang đến bộ mặt mới cho nền kinh tế của Iran, tạo nhiều chuyển biến tích cực đối với hệ thống ngân hàng và các mối quan hệ tài chính.

Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm 28/11 cho biết, Iran vừa gửi thư mời các thanh sát viên quốc tế đến thăm nhà máy hạt nhân nước nặng Arak vào ngày 8/12 tới. Đây là bước tiến cụ thể đầu tiên trong cam kết minh bạch trước những quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.


Trong ảnh: Phần còn lại của chiếc máy bay hãng hàng không Mozambique gặp nạn, rơi trong công viên quốc gia Bwabwata, Namibia (AP)

Cảnh sát Namibia ngày 30/11 xác nhận, một máy bay của hãng hàng không Mozambique đã gặp nạn tại vùng biên giới hẻo lánh của Namibia, làm toàn bộ 33 người trên máy bay thiệt mạng

Trước đó, chuyến bay TM470 cất cánh từ Thủ đô Maputo tại vào lúc 9h26 giờ GMT ngày 29/11 và theo lịch trình sẽ hạ cánh xuống thủ đô Luanda của Angola lúc 13h10, giờ GMT. Liên lạc cuối cùng với đội bay vào khoảng 11h30 giờ GMT và mất tín hiệu khi nó ở phía bắc Namibia.


Trong ảnh: Chuyên gia UN về vũ khí hóa học giữ một túi nilon chứa mẫu vật lấy từ một điểm bị tấn công ở Syria (Reuters- ảnh chụp ngày 29/8/2013)

Mỹ đã đề xuất phá hủy số vũ khí hóa học của Syria trên một tàu của Mỹ ngoài khơi Địa Trung Hải. Đây là tuyên bố do Tổ chức cấm vũ khí hóa học Liên Hợp Quốc (OPCW) đưa ra ngày 30/11. Người đứng đầu sứ mệnh của OPCW tại Syria, bà Sigrid Kaag cho rằng, tất cả số vũ khí hóa học được đóng gói và niêm phong từ các địa điểm khác nhau sẽ được tập trung về cảng Latakia của Syria. Sau đó, số vũ khí này sẽ được vận chuyển tới các tàu của nhiều quốc gia và từ đó được chuyển lên tàu của Mỹ. Những vũ khí hóa học này sẽ không được tiêu hủy trong lãnh hải của Syria.

Theo lộ trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, hầu hết các loại vũ khí hóa học nguy hiểm nhất phải được tháo dỡ vào cuối năm nay và sẽ được tiêu hủy trong giai đoạn từ giữa tháng 12/2013 đến giữa tháng 6/2014.

Thắp nến trong một hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Ấn Độ (Ảnh Reuters)

Ngày 1/12/2013, thế giới tiếp tục kỷ niệm Ngày Thế giới Phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề “Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. 

Mặc dù thế giới đã đạt được những bước tiến quan trọng trong hoạt động ngăn ngừa và điều trị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, song Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cảnh báo tình trạng gia tăng các ca lây nhiễm HIV/AIDS ở người trưởng thành. Theo đó, từ năm 2005 đến năm 2012, số người trưởng thành chết liên quan đến AIDS đã tăng 50% từ 71.000 người lên 110.000 người./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trì hoãn thỏa thuận an ninh Afghanistan- Mỹ:Lợi bất cập hại
Trì hoãn thỏa thuận an ninh Afghanistan- Mỹ:Lợi bất cập hại

VOV.VN - Tướng Mỹ cảnh báo việc Tổng thống Karzai trì hoãn thỏa thuận an ninh sẽ gây ra bất lợi cho người dân và nền kinh tế nước này.

Trì hoãn thỏa thuận an ninh Afghanistan- Mỹ:Lợi bất cập hại

Trì hoãn thỏa thuận an ninh Afghanistan- Mỹ:Lợi bất cập hại

VOV.VN - Tướng Mỹ cảnh báo việc Tổng thống Karzai trì hoãn thỏa thuận an ninh sẽ gây ra bất lợi cho người dân và nền kinh tế nước này.

Không ai sống sót trong vụ máy bay Mozambique gặp nạn
Không ai sống sót trong vụ máy bay Mozambique gặp nạn

VOV.VN -Toàn bộ 27 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn trên máy bay đã thiệt mạng.

Không ai sống sót trong vụ máy bay Mozambique gặp nạn

Không ai sống sót trong vụ máy bay Mozambique gặp nạn

VOV.VN -Toàn bộ 27 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn trên máy bay đã thiệt mạng.

Tuyên bố lập ADIZ- phép thử của Trung Quốc với Mỹ-Nhật?
Tuyên bố lập ADIZ- phép thử của Trung Quốc với Mỹ-Nhật?

VOV.VN -Báo New York Times ngày 26/11 gọi tuyên bố về ADIZ của Trung Quốc là một phép thử với sự kiểm soát của Nhật

Tuyên bố lập ADIZ- phép thử của Trung Quốc với Mỹ-Nhật?

Tuyên bố lập ADIZ- phép thử của Trung Quốc với Mỹ-Nhật?

VOV.VN -Báo New York Times ngày 26/11 gọi tuyên bố về ADIZ của Trung Quốc là một phép thử với sự kiểm soát của Nhật

 Bangkok căng thẳng, Thủ tướng Thái Lan phải rời trụ sở
Bangkok căng thẳng, Thủ tướng Thái Lan phải rời trụ sở

VOV.VN - Tình hình tại thủ đô của Thái Lan đang có nhiều diễn biến nguy hiểm.

 Bangkok căng thẳng, Thủ tướng Thái Lan phải rời trụ sở

Bangkok căng thẳng, Thủ tướng Thái Lan phải rời trụ sở

VOV.VN - Tình hình tại thủ đô của Thái Lan đang có nhiều diễn biến nguy hiểm.