Thế giới 7 ngày: Trung- Nhật căng thẳng, biển Hoa Đông dậy sóng
VOV.VN -Nhật Bản ra Sách Trắng Quốc phòng, trong đó có nội dung chỉ trích Trung Quốc. Trung Quốc lại điều nhiều tàu hải cảnh đến vùng đảo tranh chấp.
Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản (Ảnh: Bùi Hùng). |
Sách Trắng Quốc phòng 2016 có 484 trang chia làm 3 phần: Môi trường an ninh thế giới bao gồm Nhật Bản; Chính sách an ninh quốc phòng của Nhật Bản và đồng minh Nhật-Mỹ; Nỗ lực để bảo vệ sinh mệnh, tài sản nhân dân và lãnh thổ, lãnh hải, không phận Nhật Bản.
Liên quan tới việc Trung Quốc không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài liên quan tới việc Philippines kiện Trung Quốc về “đường chín đoạn”, Sách Trắng viết: “Dựa trên quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, phán quyết do Tòa [trọng tài thường trực ở La Hay (PCA)] đưa ra là quyết định cuối cùng, phân xử các nước đương sự có tranh chấp theo pháp luật, do vậy, bên đương sự nhất thiết phải thực hiện theo phán quyết của Tòa án”.
Tiết lộ hình ảnh điều trần Philippines kiện Trung Quốc ở PCA đợt 2
Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản phê phán Trung Quốc về Biển Đông
2. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) xác nhận ngày 6/8 đã phát hiện khoảng 230 tàu cá cùng 6 tàu hải cảnh Trung Quốc tại vùng tiếp giáp gần quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư |
Theo hãng Kyodo, JCG cho biết thêm trong số tàu hải cảnh trên có một số tàu dường như được trang bị súng. Tàu Trung Quốc thường đi lại xung quanh quần đảo này, nhưng số tàu lần này nhiều hơn một cách bất thường.
Phản ứng trước sự việc trên, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu quan chức Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản để phản đối. Trong một tuyên bố, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại dương Kenji Kanasugi nhấn mạnh “đây là hành vi đơn phương làm gia tăng căng thẳng” và không thể chấp nhận được.
3. Sáng 4/8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành họp khẩn về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên theo đề nghị của Mỹ, Nhật Bản. Tại cuộc họp kín này, Mỹ kỳ vọng có thể ra tuyên bố lên án Triều Tiên nhưng Trung Quốc không đồng ý.
Ông Liu Jieyi, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. (ảnh: Tân Hoa xã). |
Ông Liu Jieyi, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, cho rằng: "Không nên có hành động khiến căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên… Nguy cơ này đang thực sự hiện hữu. Tôi nghĩ chúng ta phải có trách nhiệm về việc này".
Trước đó, Triều Tiên phóng 2 quả tên lửa đạn đạo tầm trung liên tiếp vào sáng 3/8. Theo nguồn tin từ Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ, quả tên lửa thứ nhất đã phát nổ ngay sau khi được phóng, quả thứ hai rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi vụ phóng tên lửa là sự “đe dọa nghiêm trọng”. Nhật Bản thông báo lực lượng phòng vệ vẫn đặt ở tình trạng báo động, đề phòng các vụ phóng tiếp theo của Triều Tiên.
Trong khi đó, Mỹ, Hàn Quốc đều lên tiếng lên án vụ phóng tên lửa này. Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee cho rằng, vụ phóng tên lửa này là một hành động khiêu khích nghiêm trọng không chỉ đối với Hàn Quốc mà còn cả với cộng đồng quốc tế.
Phóng tên lửa, Triều Tiên muốn phô diễn “sức mạnh cơ bắp”?
4. Hôm 5/8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) bỏ phiếu kín lần hai lấy tín nhiệm đối với 11 trên tổng số 12 ứng cử viên cho vị trí Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ tới.
Ứng viên Guterres của Bồ Đào Nha. Ảnh: Wordpress. |
Theo kết quả bỏ phiếu vòng 2, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Guterres tiếp tục dẫn đầu cuộc đua với 11 phiếu tín nhiệm, 2 phiếu không tín nhiệm và 2 không có ý kiến. Về vị trí thứ hai và cùng được 8 phiếu tín nhiệm là cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic và cựu Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra.
Ông Guterres, 67 tuổi, từng là Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 tới năm 2002, và sau đó trở thành Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn. Dưới sự lãnh đạo của ông Guterres, cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc đã ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng tị nạn và di dân lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2.
5. Ngày 4/8, tòa án tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt giữ chính thức giáo sĩ đang sống lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen, bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính đêm 15/7 khiến hơn 270 người thiệt mạng.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Gulen đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7. Ảnh: Giáo sỹ Fethullah Gulen (FT) |
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ chưa có yêu cầu dẫn độ chính thức giáo sĩ Gulen về nước xét xử. Trong khi, phía Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra bằng chứng cho thấy sự liên quan của giáo sĩ này với cuộc đảo chính bất thành. Giáo sỹ Gullen, 75 tuổi, hiện sống tại Pensylvania, Mỹ, đã bác bỏ mọi cáo buộc, và chỉ trích lệnh bắt giữ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - phương Tây rạn nứt nghiêm trọng sau đảo chính
6. Kết quả của thăm dù dư luận vừa được FOX News công bố hôm 4/8 (giờ địa phương) cho thấy, trong số 1.022 người được hỏi có 49% ủng hộ cặp liên danh tranh cử Hillary Clinton-Tim Kaine, trong khi chỉ 39% ủng hộ cặp Donald Trump-Mike Pence.
Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump. (Ảnh: BBC) |
Tuy vậy, điểm đáng chú ý là cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Clinton và Trump đều không nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của cử tri. 62% cho rằng ông Trump không trung thực, còn đối với bà Clinton là 61%.
Trong một diễn biến liên quan, sau khi thẳng thừng tuyên bố Donald Trump không phù hợp để làm Tổng tư lệnh nước Mỹ, Tổng thống Obama vào hôm 4/8 lại cảnh báo ứng viên đảng Cộng hòa này rằng ông ấy nên phát ngôn cẩn trọng sau khi được cung cấp các thông tin mật trước khi bước vào bầu cử chính thức.
Hiện chưa rõ khi nào hai ứng viên Tổng thống sẽ được nhận các thông tin mật. Đây là một truyền thống khởi nguồn từ Tổng thống Harry Truman vào năm 1952.
Ông Obama: Trump “không phù hợp” để trở thành Tổng thống Mỹ
7. Rạng sáng 6/8, Olympic Rio đã chính thức mở màn với lễ khai mạc ấn tượng. Buổi lễ bao gồm: Phát biểu chào mừng, lễ thượng cờ, diễu hành. Sau đó là các màn biểu diễn nghệ thuật để giới thiệu nền văn hóa của nước chủ nhà.
Năm nay là kì Olympic có sự tham gia của nhiều quốc gia nhất trong lịch sử, với 206 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. (Ảnh: Getty). |
Olympic đã chính thức khởi tranh và năm nay là năm đạt đến kỷ lục về số quốc gia tham dự: 206 nước. Đây là lần đầu tiên Olympic diễn ra tại Nam Mỹ. Theo thống kê từ BTC, có khoảng 3 tỷ người theo dõi lễ khai mạc trên truyền hình.
Trong ngày thi đấu đầu tiên của Olympic Rio 2016, sẽ có tổng cộng 21 môn thi đấu được diễn ra, trong đó có 12 nội dung chung kết trao huy chương sẽ được tiến hành. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic năm nay với 23 vận động viên, tranh tài ở 10 môn thi đấu./.
Những màn pháo hoa tuyệt đẹp tại lễ khai mạc Olympic Rio 2016