Thị trường năng lượng thế giới có thể sụp đổ nếu phương Tây trừng phạt Nga
VOV.VN - Thị trường năng lượng thế giới có thể sụp đổ nếu phương Tây trừng phạt ngành năng lượng Nga, ông Dmitry Marichenko, giám đốc cấp cao tại Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch tại Mỹ cảnh báo.
Đức cho biết nước này dừng phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sau khi Nga công nhận độc lập của 2 nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine ngày 21/2.
“Liên quan tới các diễn biến mới nhất, chúng tôi cần phải đánh giá lại tình hình dự án Dòng chảy phương Bắc 2”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo tại Berlin.
“Dòng chảy phương Bắc 2 là một phần của các lệnh trừng phạt”
Trước đó, Thủ tướng Áo Karl Nehammer ngày 21/2 cũng khẳng định việc thông qua Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không diễn ra nếu Nga tấn công Ukraine.
“Không có gì nghi ngờ về việc này. Điều đó tức là Dòng chảy phương Bắc 2 là một phần của các lệnh trừng phạt”, Thủ tướng Áo phát biểu với báo giới.
Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thành từ tháng 9/2021 những vẫn chưa được các nhà quản lý Đức phê duyệt. Hệ thống ddường ống dẫn khí đốt dài 1.200 km này có thể vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Con số này cao hơn 50% lượng tiêu thụ hàng năm của Đức và có thể mang lại khoảng 1,5 tỷ USD cho Gazzprom – công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước Nga.
Là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga, Đức đã cố tìm cách để Dòng chảy phương Bắc 2 nằm ngoài các vấn đề chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, Berlin khó có thể bảo vệ dự án khi các đồng minh tranh cãi về cách thức trừng phạt Nga nếu nước này tấn công Ukraine.
Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa binh sỹ tới các khu vực thuộc 2 nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine đặt chính phủ Đức vào thế khó. Giới chức Mỹ đã tuyên bố rất rõ ràng rằng Washington sẽ tìm cách đình chỉ dự án nếu Nga tấn công Ukraine, dù không nêu cụ thể sẽ làm như thế nào.
Giá khí đốt tăng cao, chính châu Âu sẽ phải hứng chịu?
Năng lượng là vấn đề chính trị quan trọng ở Đông và Trung Âu. Tại đây, nguồn cung cấp khí đốt từ Nga đóng vai trò thiết yếu trong hệ thống điện và sưởi ấm. Giá khí đốt đã lập nhiều kỷ lục mới trong mùa đông năm nay ở châu Âu và cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến người tiêu dùng “lục địa già” phải chịu giá khí đốt cao hơn.
Theo CNN, ngày 22/2, giá khí đốt tự nhiên giao cho châu Âu trong tháng 3 đã tăng lên mức 79 euro (89,54 USD)/megawatt giờ, so với mức 71.50 euro (81,40) trong phiên kết thúc ngày 21/2.
Dù mức giá này thấp hơn mức giá kỷ lục ngay trước thềm Giáng sinh, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với 1 năm trước, khi đó khí đốt được giao dịch ở mức 16,30 euro (18.57 USD)/megawatt giờ.
Các nhà phân tích cho rằng việc nhắm vào Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không làm thay đổi đáng kể dự báo giá khí đốt cho mùa đông năm nay, bởi hệ thống đường ống này sẽ không thể đi vào vận hành trước nửa cuối năm 2022.
Dù vậy, ông Dmitry medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh liên bang Nga cảnh báo, sau tuyên bố của Đức, giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng chóng mặt.
“Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ban hành lệnh dừng phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Giờ thì chào mừng tới thế giới mới, nơi châu Âu sẽ sớm phải trả 2.000 euro cho 1.000 mét khối khí đốt tự nhiên”, ông Medvedev đăng tải trên Twitter.
Ông Marzec-Manser, nhà phân tích về khí đốt tại ICIS nói rằng giá khí đốt cả có thể sẽ lên mức 215 euro/megawatt giờ, cao hơn 20% so với mức cao kỷ lục tháng 12/2021.
Theo ông Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và nguồn tài nguyên tại Eurasia Group, tình hình hiện nay đã cải thiện so với cách đây vài tháng sau khi châu Âu tăng cường nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) trong tháng 1 và đầu tháng 2. Thời tiết cũng không quá giá lạnh. Dù vậy vẫn khó dự đoán những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
LNG từ Mỹ và Qatar có thể giúp châu Âu ứng phó với sự ngắt quãng dòng khí đốt vận chuyển qua Ukraine (chiếm 10% tổng nguồn cung cho châu Âu), nếu các đường ống dẫn qua Ukraine bị hư hỏng do giao tranh.
Tuy nhiên, nếu Nga quyết định dừng cung cấp khí đốt để đáp trả trừng phạt của phương Tây, điều này sẽ khiến tình hình trở nên tệ hơn.
“Nếu Nga dừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu, châu Âu sẽ không có đủ LNG để đối phó với trường hợp như vậy”, ông Gloystein nói.
Ông Gloystein cho rằng Nga sẽ không làm thế, vì điều đó sẽ gây tổn hại cho Gazprom.
Thị trường năng lượng có nguy cơ sụp đổ
Nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây dẫn tới việc xuất khẩu dầu mỏ của Nga bị cắt hoàn toàn, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với viễn cảnh thị trường năng lượng quốc tế sụp đổ, ông Dmitry Marichenko, giám đốc cấp cao tại Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch của Mỹ cho biết ngày 22/2.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS của Nga, ông Marichenko giải thích rằng, tình trạng giá dầu tăng cao hiện nay có thể khắc phục nếu không có sự leo thang xung quanh Ukraine. Tuy nhiên, việc khuấy động căng thẳng sẽ là một thảm họa.
“Thặng dư địa chính trị của giá dầu hiện nay là khoảng 15USD/thùng. Nếu mọi thứ diễn ra theo kịch bản lắng dịu nhất, tức là không có leo thang căng thẳng, các biện pháp trừng phạt nhỏ không ảnh hưởng tới lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, xung đột bị đóng băng, thặng dư địa chính trị này sẽ mất đi”, ông Marichenko nói
Trong kịch bản bi quan hơn, nếu căng thẳng xung quanh Ukraine gia tăng, các nước phương Tây giáng đòn trừng phạt nặng nề vào lĩnh vực năng lượng Nga, ông Marichenko cho rằng giá dầu có thể vượt mốc 100 USD/thùng. Điều này sẽ dẫn tới khủng hoảng năng lượng.
Nhà phân tích từ Fitch cũng dự báo kịch bản xấu nhất bằng cách giải thích rằng không nước nào có thể thay thế Nga về thị phần xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên.
“Thị phần của Nga trên thị trường dầu mỏ thế giới là hơn 10%. Không nước nào có thể thay thế, đặc biệt là khi nhu cầu đang dần phục hồi”, ông Medvedev nói./.