Tranh luận Trump-Clinton: Đôi bên ngả dần “từng quân bài” chiến lược
VOV.VN - Cả tỷ phú Trump và bà Clinton đã lần lượt tung ra những “quân bài chiến lược” trong cuộc tranh luận lần đầu tiên trên truyền hình.
Sự kiện được truyền thông quốc tế quan tâm đặc biệt trong 24 giờ qua là cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên giữa hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Trump và bà Clinton đã có một cuộc tranh luận được cho là rất gay cấn nhưng vẫn giữ lại những "quân bài" quan trọng nhất cho những lần tranh luận tiếp theo. Ảnh: Reuters
Bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ và đối thủ bên phía đảng Cộng hòa Donald Trump có 90 phút tranh cãi nảy lửa tại hội trường Đại học Hofstra, thành phố New York.
Cuộc tranh luận giữa ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ và ông Donald Trump đại diện cho đảng Cộng hòa là một trong những sự kiện quan trọng trong tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ và là tâm điểm của đời sống chính trị nước này trong năm bầu cử 2016.
Hàng trăm triệu khán giả truyền hình trên khắp nước Mỹ theo dõi 90 phút gay cấn vừa qua và dĩ nhiên sự lựa chọn của các cử tri sẽ có thể thay đổi sau sự kiện này.
Hai phong cách đối lập
Cuộc tranh luận ngày 27/9 (theo giờ Việt Nam) đã cho thấy hết những điểm mạnh, điểm yếu của cả bà Hillary Clinton lẫn ông Donald Trump. Vậy những gì đã thể hiện trong 90 phút vừa qua được công chúng Mỹ đánh giá như thế nào? Liệu nó sẽ có tác động gì tới kết quả bỏ phiếu vào tháng 11 tới.
Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa và Dân chủ tối 26/9 đã diễn ra đầy kịch tính và có nhiều điểm khác biệt so với các cuộc tranh luận truyền thống.
Đây là cuộc đối đầu giữa một chính trị gia kỳ cựu với một tỷ phú chưa hề tham gia chính trường, giữa một phụ nữ khá kín tiếng trước giới truyền thông và một người đàn ông vốn là một ngôi sao truyền hình thực tế.
Cuộc đối đầu này đã thu hút được sự chú ý của đông đảo không chỉ người dân Mỹ mà còn cả người dân nhiều nước khác trên toàn thế giới. Theo ước tính của 4 kênh truyền thông lớn nhất nước Mỹ, số người theo dõi trực tiếp qua truyền hình đã vượt qua con số kỷ lục 80 triệu người xem, có thể lên tới 100 triệu người.
“So găng” Trump-Clinton: Thật giả lẫn lộn (Phần 1)
Cử tri nghiêng về Clinton, truyền thông ủng hộ Trump
Sau tranh luận, đa số ý kiến của truyền thông Mỹ và dư luận người dân nước này đều bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng cử viên Hillary Clinton. Thậm chí, theo thăm dò của hãng tin CNN, có tới 62% số cử tri được hỏi cho biết bà Clinton là người chiến thắng trong cuộc đấu tay đôi nói trên trong khi chỉ có 27% ủng hộ tỷ phú Trump.
Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò của một số tờ báo và hãng truyền thông khác thì tỷ lệ ủng hộ sau tranh luận giữa hai ứng cử viên lại nghiêng về phía ông Trump.
Theo hãng tin Fox News, kết quả bình chọn trên mạng cho thấy ông Trump đã giành chiến thắng với 50%, trong khi nữ cựu ngoại trưởng chỉ giành được 35%. Trang Time thì cho biết ứng cử viên của đảng Cộng hòa đang dẫn trước đảng Dân chủ với tỷ lệ 52%/48%.
Theo đánh giá của các chuyên gia bầu cử, sự chênh lệch khá sít sao giữa hai ứng viên rất có thể sẽ thay đổi nếu bà Clinton không tận dụng được ưu thế kinh nghiệm chính trường, trong khi ông Trump có thể tiếp tục gây bất ngờ bởi sự khó lường.
Trong động thái mới nhất, nhà tỷ phú này đã tuyên bố sẽ cứng rắn hơn trong các cuộc tranh luận sắp tới. Được cho là giành thắng lợi 1-0 trước tỷ phú Trump, thách thức sắp tới đối với ứng cử viên Clinton trong nỗ lực thuyết phục các cử tri, đặc biệt là cử tri trung dung sẽ là cách trả lời những câu hỏi của người chủ trì buổi tranh luận và quan trọng hơn là việc đưa ra luận điệu mạnh mẽ đáp trả những cáo buộc của ông Trump.
Đổi lại, đối thủ của bà Clinton phải diễn tả được quan điểm phù hợp với nguyện vọng của số cử tri bất mãn với cả hai đảng và các cử tri trung dung. Nếu không thể hiện được phong cách riêng, rất có thể ông Trump chỉ còn cách phụ thuộc vào chiến thuật chỉ trích đối thủ của mình cũng như sử dụng những lời lẽ kích động mạnh mẽ.
Điểm khác biệt giữa bà Clinton và ông Trump ảnh hưởng tới tương lai Mỹ
Gay cấn nhưng chưa “lộ hết bài”
Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đã phản ánh rõ hai phong cách hoàn toàn trái ngược, giữa một bên là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton với một chương trình tranh cử được lên kế hoạch cẩn thận và đối thủ là tỷ phú Donald Trump, một người được cho là bốc đồng và khó kiềm chế.
Bỏ qua nhiều yếu tố bất ngờ trong vòng bầu cử sơ bộ, các cuộc tranh luận trực tiếp này đang đưa chiến dịch tranh cử quay trở lại đúng hướng, để dư luận có thể tập trung đánh giá những vấn đề thiết thực đối với cử tri Mỹ hiện nay.
Trong các cuộc tranh luận này, ứng cử viên buộc phải đưa ra những định hướng chính sách cụ thể và tỷ mỉ chứ không chỉ là những cam kết hời hợt bên ngoài.
Theo phân tích của các chuyên gia bầu cử, đối lập với đại hội các đảng, thì tranh luận tổng tuyển cử gần như không có tác động quá lớn đến các cử tri. Cho đến thời điểm này, hầu hết các cử tri đều đã quyết định sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào.
“So găng” Hillary-Trump: Ứng cử viên Dân chủ chiếm ưu thế
Các cuộc tranh luận có thể cung cấp thêm một số thông tin cho những người đang do dự, song đa số các cử tri thường chỉ ủng hộ cho ứng cử viên mà họ đã chọn. Trong khi giới truyền thông hay tập trung tìm kiếm kẻ thắng người bại thì các cử tri theo dõi tranh luận lại đánh giá theo cách thức khác. Họ thường xem xét theo hai khía cạnh, ai là người đủ mạnh để trở thành tổng thống và ứng cử viên nào là lựa chọn tốt hơn đối với nhu cầu của họ.
Kết quả thăm dò bầu cử của báo New York Times cập nhật mới nhất hôm 27/9 cho thấy bà Clinton vẫn đang dẫn trước đối thủ của mình với tỷ lệ ủng hộ 45/42. Theo báo USA Today thì tỷ lệ ủng hộ bà Clinton cũng không tăng nhiều khi đang ở mức 43/41, trong khi xu thế ủng hộ ông Donald Trump lại có xu hướng tăng lên.
Như vậy, mặc dù được đánh giá là cuộc tranh luận vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bầu cử Mỹ nhưng những gì mà hai ứng cử viên vừa thể hiện trong cuộc tranh luận đầu tiên dường như vẫn chưa đủ để gây tác động mạnh đến các cử tri, đặc biệt là cử tri trung dung./.