Ấn Độ - Pakistan:

Triển vọng giải quyết bất đồng từ bóng chày

Dư luận quan tâm đến việc Thủ tướng hai nước đã “say sưa nói chuyện riêng” hơn là kết quả trận đấu

Một trận bán kết bóng chày (cricket) giữa hai đội tuyển của hai quốc gia thù địch đang mang lại triển vọng có thể giải quyết mối quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan. Đó là những gì vừa diễn ra tại đất nước Ấn Độ trong tuần thu hút sự chú ý của dư luận.

Ngay khi Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani cho biết ông đã nhận lời mời của người đồng cấp Manmohan Singh đến Ấn Độ theo dõi trận bán kết giải vô địch bóng chày thế giới giữa Ấn Độ và Pakistan diễn ra ngày 30/3, đã khiến dư luận hai nước và cả dư luận quốc tế rất hoan nghênh. Lý do thật dễ hiểu, hai quốc gia láng giềng trong khu vực Nam Á này vốn có những mâu thuẫn từ rất lâu trong lịch sử và kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Mumbai, Ấn Độ năm 2008 mà nghi phạm là những kẻ khủng bố Pakistan thì mâu thuẫn đã khiến hai quốc gia trở thành thù địch.

Có lẽ bởi vậy mà kết quả của trận đấu ra sao, và đội nào sẽ đi tiếp vào trận chung kết đã không được nói đến nhiều bằng việc khi đang xem trận đấu đầy quyết liệt ấy, Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Pakistan đã “say sưa nói chuyện riêng”. Đặc biệt, những nội dung mà hai bên trao đổi nhân có cuộc gặp bên lề trận đấu đã trở thành tâm điểm chú ý. Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Pakistan đã cam kết giải quyết các bất đồng giữa hai nước.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Pakistan Yousaf Raza Gillani đến gặp các đội bóng trước khi bắt đầu trận đấu Cricket (Ảnh: VOA)

Thật là thuyết phục khi sau cuộc thảo luận ấy, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã vui vẻ thông báo với báo chí rằng họ đã cam kết “nỗ lực hết sức” để khắc phục các khó khăn, cùng nhau tìm ra giải pháp phối hợp hành động để “hòa giải lâu dài và chung sống hòa bình”.

Quả thực, theo dõi những căng thẳng tưởng chừng khó có thể vượt qua giữa hai nước từ trong lịch sử hàng chục năm tới nay có thể thấy rằng, đây là một thông điệp tốt lành mà nhân dân hai nước đều mong đợi. Những xung đột triền miên ở quanh khu vực tranh chấp Giamu và Kashmia, dẫn tới 3 cuộc chiến tranh lớn giữa hai quốc gia láng giềng kể từ khi giành độc lập từ thực dân Anh năm 1947, là những tổn thất đã quá đủ để giờ đây người dân hai nước chỉ mong mỏi có điều kiện xây dựng hòa bình và hữu nghị. Chính vì vậy việc chính phủ hai nước cam kết hành động theo hướng đó đã thực sự là một thông tin tốt.

Một điều nữa khiến dư luận đánh giá khá cao cuộc gặp “không chính thức” này là không dừng ở những lời nói xã giao, các nhà lãnh đạo hai nước đã đề cập đến cả dự định thúc đẩy tiến trình đối thoại bị gián đoạn kể từ sau vụ tấn công khủng bố ở thành phố Mumbai hồi tháng 11/2008, làm hơn 170 người thiệt mạng, và còn nhất trí lập đường dây nóng chống khủng bố giữa hai nước; đồng thời cho phép một ủy ban của Ấn Độ tiến hành điều tra tại Pakistan về vụ khủng bố ở Mumbai, một mấu chốt để tháo gỡ căng thẳng. Các nhà lãnh đạo cũng đã bàn thảo mở đường cho các cuộc đàm phán về nới lỏng các quy định visa cho các thương gia và những người trên 65 tuổi.

Nhìn vào cách Ấn Độ siết chặt an ninh chưa từng có khi tuyên bố vùng trời bên trên sân vận động là “vùng cấm bay”; một vòng tròn an ninh bán quân sự quanh sân vận động và một máy bay do thám không người lái hoạt động tại khu vực để giám sát… cũng đủ thấy nước chủ nhà coi trọng như thế nào một cuộc gặp giữa hai người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ - Pakistan cả trong và bên lề trận đấu bóng chày.

An toàn tuyệt đối đã diễn ra với trận đấu hết sức gay cấn, cùng với đó là những câu chuyện “bên lề” của hai nhà lãnh đạo. Tất cả những cái đó đã không thể ngăn cản người ta lạc quan nhìn tới triển vọng tốt đẹp của quan hệ hai quốc gia láng giềng Ấn Độ - Pakistan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên