Triều Tiên chịu đối thoại: Các lệnh trừng phạt bắt đầu có tác dụng?
VOV.VN - Những động thái đầy thiện chí gần đây của Triều Tiên với Hàn Quốc cho thấy các lệnh trừng phạt cứng rắn của quốc tế đã bắt đầu có hiệu lực.
Theo Sputnik, nhận định trên được các chuyên gia quốc tế đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng bất ngờ đề xuất cử một phái đoàn tham gia Thế Vận hội mùa Đông tại Pyeongchang, Hàn Quốc và cả hai bên đã thảo luận về đề xuất này tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) trong ngày 9/1.
Quan chức Triều-Hàn bắt tay trước cuộc đối thoại ở Bàn Môn Điếm. Ảnh: Reuters
Phát biểu trong cuộc đối thoại, ông Ri Son Gwon- trưởng phái đoàn đàm phán của Triều Tiên- nhấn mạnh: “Chúng tôi tham gia cuộc họp với suy nghĩ rằng sẽ trao tặng người anh em Hàn Quốc- những người đặt rất nhiều kỳ vọng vào cuộc đối thoại- những thành quả nhất định như một món quà vô giá trong năm 2018”. Ông Ri Son Gwon cũng khẳng định, Triều Tiên tham gia cuộc đối thoại với “tâm thế chân thành và thẳng thắn”.
Bước ngoặt bất ngờ
Sau gần một năm liên tục có những hành động bị phương Tây cáo buộc là “khiêu khích và gây hấn”, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gây bất ngờ cho cộng đồng quốc tế ngay trong ngày đầu năm mới 2018 khi tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Hàn Quốc.
Ngay sau đó, phía Triều Tiên đã liên tục có những động thái nhằm “hiện thực hóa” tuyên bố của ông Kim Jong-un, bao gồm việc nối lại đường dây nóng giữa 2 bên tại khu vực biên giới sau 2 năm bị đình lại và cử đại diện tham gia cuộc đàm phán liên Triều như đã đề cập ở trên.
Các học giả Hàn Quốc cho rằng, động thái “chìa cành olive” của Triều Tiên có thể xuất phát từ việc các lệnh trừng phạt cứng rắn của cộng đồng quốc tế đã bắt đầu có tác động đến nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Hơn thế, trước sức ép rất lớn của cộng đồng quốc tế, nhiều quốc gia có thái độ thân thiện với Triều Tiên như Philippines, Uganda hay Sudan đã quyết định cắt đứt quan hệ kinh tế hoặc quân sự với Bình Nhưỡng.
Ngay cả Trung Quốc, đối tác gần gũi nhất của Triều Tiên cũng đã dừng việc nhập khẩu một số lượng than đá, quặng sắt và chì- nguồn thu ngoại tệ chính của Triều Tiên- từ quốc gia Đông Bắc Á này. Thế cô lập trên bình diện quốc tế này đã khiến Triều Tiên “khó càng thêm khó”.
Giáo sư Kim Jae-chun tại Đại học Sogan, Hàn Quốc, nhận định, việc lãnh đạo Triều Tiên “bắn tín hiệu” sẵn sàng đối thoại với Hàn Quốc cho thấy Triều Tiên muốn khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng họ vẫn là một thành viên có trách nhiệm.
Ngoài ra, điều này cũng khiến cộng đồng quốc tế có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên và giúp cải thiện hình ảnh của Triều Tiên trên trường quốc tế.
Bán đảo Triều Tiên từ nóng rực chuyển mát, vì sao?
Hòa bình chỉ là tạm thời?
Tuy nhiên, chính Giáo sư Kim Jae-chun cũng cho rằng, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ kéo dài đến sau Thế Vận hội mùa Đông khoảng 1-2 tháng: “Tôi nghĩ, tình trạng hòa hoãn sẽ chỉ duy trì được đến thời điểm đó. Cả hai bên đều không muốn gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần phi chiến tranh của Thế Vận hội và sẽ đảm bảo rằng, kỳ Thế Vận hội này sẽ thành công tốt đẹp”.
Giáo sư Kim Jae-chun cảnh báo, ngay cả việc Triều Tiên có thể tham gia Thế Vận hội mùa Đông cũng đòi hỏi quyết tâm của cả hai phía trong việc gạt bỏ những rào cản hiện tại.
“Thời điểm này, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ tạm được duy trì bởi cuộc đối thoại liên Triều ngày 9/1 là để chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc Triều Tiên tham dự Thế Vận hội. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản mà 2 bên phải vượt qua như công tác hậu cần liên quan đến việc đoàn Triều Tiên di chuyển đến Pyeongchang bằng đường bộ hay đường biển”, Giáo sư Kim Jae-chun nói.
Cũng theo Giáo sư Kim Jae-chun, ngay khi thời kỳ tạm hòa hoãn chấm dứt, hai miền Triều Tiên sẽ phải đối mặt với những vấn đề khó khăn hơn gấp bội như phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
“Triều Tiên từng nói rõ rằng họ không có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, chính vì thế, Hàn Quốc sẽ phải tìm mọi cách để thuyết phục Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán một lần nữa. Đây sẽ là giai đoạn hết sức khó khăn đối với cả hai bên”, Giáo sư Kim Jae-chun nói.
Đàm phán liên Triều: Triều Tiên nhìn gần, Hàn Quốc muốn đi xa
Triều Tiên phải tiếp tục nhượng bộ?
Theo Giáo sư Kim Jae-chun, để có thể đạt được hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, phía Triều Tiên sẽ phải chấp nhận nhượng bộ thêm: “Nếu cuộc đối thoại ngày 9/1 có được kết quả tốt, Chính phủ Hàn Quốc dù muốn hay không cũng sẽ phải đề cập đến vấn đề hạt nhân và tên lửa với Triều Tiên dù họ hiểu rằng Triều Tiên rất không muốn nhắc đến vấn đề này.
Việc buộc Triều Tiên ngay lập tức từ bỏ chương trình hạt nhân của mình là phi thực tế nhưng ít nhất họ cũng đã thể hiện thiện chí ban đầu. Vào thời điểm này, họ vẫn tuyên bố sẽ không đề cập vấn đề phi hạt nhân hóa nhưng rất có thể họ sẽ nhượng bộ trong tương lai”, Giáo sư Kim Jae-chun nói.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Kim Jae-chun, Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn sẽ phải tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Triều Tiên trong suốt thời gian đó.
“Hàn Quốc không còn cách nào khác là duy trì các lệnh trừng phạt cứng rắn với Triều Tiên ngay cả trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán liên Triều. Nếu Chính phủ Hàn Quốc nới lỏng các lệnh trừng phạt với hy vọng Triều Tiên chấp thuận phi hạt nhân hóa thì họ sẽ tự đặt mình vào tình thế khó khăn.
Ông Moon Jae-in phải hết sức thận trọng và không thể quá vội vã trong lúc này. Nếu không, chính Hàn Quốc sẽ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.
Giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên: Chờ đợi “đèn xanh” từ Mỹ
Đẩy Mỹ vào thế khó
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích chính trị nhận định, những động thái bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã “thay đổi hoàn toàn cục diện” trên bán đảo Triều Tiên và đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thế khó.
“Thông qua những hành động bất ngờ của mình, Triều Tiên vừa đạt được mục đích hạ nhiệt căng thẳng vừa khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định chính trị quan trọng”, Giáo sư Trương Bạc Hối thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Lingnan, Hong Kong, Trung Quốc nhận định.
Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ nguyên quan điểm cứng rắn trong việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, việc Bình Nhưỡng bày tỏ mong muốn tham dự Thế Vận hội mùa Đông sẽ khiến cộng đồng quốc tế tin rằng, Triều Tiên thực sự muốn đối thoại bất chấp phản ứng tiêu cực từ phía Mỹ.
Theo Giáo sư Trương Bạc Hối, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có một “nước cờ sắc sảo” bởi chỉ bằng tuyên bố của mình, ông đã cải thiện cơ bản tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Giáo sư Trương Bạc Hối nhấn mạnh, không giống như Mỹ, hầu hết các quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc và Triều Tiên không coi chương trình hạt nhân của Triều Tiên là “mối đe dọa hàng đầu” và không đáng lo ngại bằng một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên.
“Hàn Quốc chưa bao giờ tuyên bố họ muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa ngay lập tức. Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rất quan tâm đến việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên và điều này hoàn toàn phù hợp với lợi ích hiện nay của Triều Tiên. Hàn Quốc không coi mối đe dọa về hạt nhân của Triều Tiên đáng lo ngại như Mỹ”, Giáo sư Trương Bạc Hối nhận định.
Cũng theo Giáo sư Trương Bạc Hối, một loạt các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc coi việc tránh một cuộc chiến nổ ra trên bán đảo Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu: “Rất nhiều quốc gia cho rằng, điều quan trọng nhất là tránh một cuộc chiến tranh nổ ra. Đó chính là mối quan tâm lớn nhất của họ trong thời điểm này”./.
“Khủng hoảng Triều Tiên không thể giải quyết bằng chiến tranh”