Trọng tâm ngoại giao của Trung Quốc năm 2018 là gì?
VOV.VN - Ngoại trưởng Trung Quốc đã khẳng định mục tiêu “ngoại giao nước lớn” trong thời kỳ mới, muốn cùng các nước xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới.
Hôm qua (8/3) tại Trung tâm Thông tin về Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 13 ở thủ đô Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Vương Nghị đã trả lời phỏng vấn về chủ đề “Chính sách ngoại giao và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: NationalObserver.
Trong tuyên bố mới nhất về chính sách ngoại giao và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, Ngoại trưởng nước này Vương Nghị khẳng định mục tiêu “ngoại giao nước lớn” của Trung Quốc trong thời kỳ mới, đó là Bắc Kinh muốn cùng các nước xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới.
Những nét nổi bật trong chính sách đối ngoại
Năm 2018 là năm đầu tiên Trung Quốc triển khai chính sách đối ngoại kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 được tổ chức vào tháng 10/2017, do đó đường lối đối ngoại của Trung Quốc năm nay có nhiều điểm mới so với các năm trước.
Có thể kể tới một số điểm nổi bật như sau:
Một là, Trung Quốc đề ra chính sách ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới. Đây chính là nội dung đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trình bày tại Đại hội 19 vừa qua với hai nội hàm chính đó là xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới và xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại.
Hai là, Ngoại giao nguyên thủ. Năm nay chúng ta có thể thấy, Trung Quốc dành một phần nội dung để nói về vai trò quan trọng của Ngoại giao nguyên thủ với hạt nhân là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 đến nay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đi thăm 57 quốc gia và đón tiếp hơn 110 nguyên thủ các nước đến thăm Trung Quốc, đây thực sự là một con số đáng nể thể hiện lịch trình ngoại giao dày đặc của người đứng đầu Trung Quốc.
Thông qua những chuyến thăm và các diễn đàn quốc tế, Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ thiết lập được quan hệ cá nhân với các nguyên thủ khác mà còn góp phần gia tăng hình ảnh và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Ví dụ điển hình nhất của ngoại giao nguyên thủ thể hiện qua chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donal Trump tới Trung Quốc trong tháng 11 năm ngoái, hay mối quan hệ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel ...
Ba là, quan hệ Trung- Mỹ. Đây là điểm đáng chú ý so với mọi năm. Năm nay chúng ta không thấy Trung Quốc nhắc đến cụm từ quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ mà thay vào đó là quan hệ ngang hàng giữa hai nước. Với tư cách là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới và quốc gia phát triển lớn nhất thế giới, có thể nói quan hệ Trung – Mỹ là mối quan hệ có tầm ảnh hưởng mạnh nhất lên thế giới hiện nay. Trung Quốc khẳng định, mặc dù có bất đồng, có cọ xát giữa hai bên thì đối thoại và hợp tác vẫn là dòng chính trong quan hệ hai nước vì đây là lựa chọn tất yếu và hiện thực nhất.
Bốn là, tính chủ động trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Có thể thấy với hai đề xuất xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới và cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, Trung Quốc sẽ gia tăng tính chủ động của nước này trong việc tham dự vào các vấn đề sự vụ quốc tế. Mọi năm chúng ta chỉ thấy Trung Quốc là một bên tham gia tích cực nhưng bắt đầu từ năm nay có thể sẽ có sự thay đổi lớn khi Trung Quốc sẽ là bên đề xuất chủ động các phương án nhằm tháo gỡ các điểm nóng như cục diện tình hình trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Trung Đông, căng thẳng Bangladesh-Myanmar... Đây có thể được coi là động thái rõ nét nhằm gia tăng ảnh hưởng cũng như mở rộng không gian quốc tế cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Ngân sách quốc phòng cao
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2018 theo như nước này công bố là hơn 1.100 tỷ NDT, tương đương khoảng 175 tỷ USD, tăng 8,1%. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Ông Trương Nghiệp Toại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc và là Người phát ngôn của kỳ họp Quốc hội lần này cho biết “dù tỷ lệ chi phí quốc phòng so với GDP, tỷ trọng trong tổng ngân sách hay tính theo bình quân đầu người, chi phí quốc phòng của Trung Quốc đều thấp hơn các quốc gia chủ yếu trên thế giới”, rồi "Trung Quốc tăng chi cho quốc phòng thích hợp, trong đó một phần bù đắp cho việc chi không đủ những năm trước đây, chủ yếu dùng cho đổi mới vũ khí trang bị, cải thiện đãi ngộ sinh hoạt cho quân nhân và điều kiện huấn luyện của bộ đội ở cơ sở”.
Tham vọng quốc phòng của Trung Quốc khiến Mỹ và đồng minh dè chừng
Ông Trương Nghiệp Toại còn nhấn mạnh, Trung Quốc theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, sự phát triển về quốc phòng của Trung Quốc không gây đe dọa với các quốc gia khác. Có ý kiến của giới quân sự Trung Quốc còn cho rằng, với việc tăng ngân sách quốc phòng thì Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều nghĩa vụ quốc tế hơn nữa, các nước nên coi là tin vui...
Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng, thì đồng hành với đó nhiều khả năng là tham vọng của nước này cũng tăng. Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các thiết bị quân sự mới, hiện đại như máy bay chiến đấu tàng hình, tàu sân bay, tên lửa chống vệ tinh...
Trung Quốc can dự vào các điểm nóng trên thế giới với tần suất ngày càng nhiều hơn. Nước này cũng đã tiến hành xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài với những toan tính dài hơi. Tại phiên khai mạc kỳ họp quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phát biểu rằng Trung Quốc sẽ phát triển toàn diện việc huấn luyện quân sự và sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia".
Hiện chưa thể khẳng định việc tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có kéo theo cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực hay không nhưng một số nước vẫn phàn nàn rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc như tuyên bố là còn thấp, chưa phản ánh đúng mức chi tiêu quân sự thật sự của Trung Quốc. Và sự thiếu minh bạch đó đã làm tăng thêm căng thẳng khu vực.
Mặt khác trong khi Trung Quốc điều chỉnh mức tăng trưởng GDP giảm và tăng chi phí quốc phòng cũng khiến các nước không khỏi nghi ngại./.