Trump cắt ngân sách cho WHO giữa đại dịch Covid-19: Giọt nước tràn ly?

VOV.VN - Cắt ngân sách của WHO giữa đại dịch Covid-19 - động thái "chưa từng có tiền lệ" của chính quyền Trump đã gây nên những phản ứng trái chiều như thế nào?

Cắt ngân sách WHO giữa đại dịch – Động thái chưa từng có tiền lệ

Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chính quyền của ông sẽ tạm dừng cấp kinh phí cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cho rằng tổ chức này đã tin tưởng những khẳng định của Trung Quốc về virus SARS-CoV-2 một cách vô căn cứ và đã không chia sẻ thông tin đầy đủ về dịch Covid-19 khi dịch bệnh này lan rộng.

trump3.jpg
Tổng thống Trump phát biểu tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ở Wasshington, Mỹ ngày 14/4/2020. Ảnh: Reuters

"WHO không thể làm tròn nghĩa vụ cơ bản của mình và tổ chức này phải chịu trách nhiệm. Dịch bệnh lẽ ra phải được ngăn chặn từ nguồn khởi phát của nó nếu tổ chức này sớm có phản ứng hợp lý", Tổng thống Trump khẳng định.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào việc dừng cấp kinh phí cho WHO sẽ có hiệu lực và Tổng thống Trump có quyền hạn đến đâu trong vấn đề cần Quốc hội thông qua này. Mỹ đã đóng góp 893 triệu USD cho các chiến dịch của WHO trong 2 năm gần đây. Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump cho hay việc tạm dừng cấp kinh phí cho WHO sẽ thực hiện trong 60 ngày.

Động thái cắt giảm hỗ trợ với WHO giữa một đại dịch toàn cầu là điều chưa từng có tiền lệ. Trong khi chính quyền Tổng thống Trump cũng đối diện với những chỉ trích trong nước về cách phản ứng với dịch Covid-19 giữa bối cảnh Mỹ là tâm chấn của đại dịch thì nhiều người ủng hộ Tổng thống đã chỉ ra rằng WHO phạm phải những sai lầm từ ban đầu, khiến cho tình hình dịch bệnh tại nước Mỹ cũng như trên thế giới ngày càng tồi tệ hơn.

Tổng thống Trump ngày 14/4 đã dẫn ra tuyên bố của WHO hồi cuối tháng 1/2020 khi phản đối lệnh cấm đi lại như một biện pháp phản ứng với sự bùng phát của dịch bệnh. Tổng thống Trump khi đó đã ban hành các quy định hạn chế đi lại với Trung Quốc hồi cuối tháng 1 và sau đó mở rộng sang cả Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh.

"Một trong những quyết định nguy hiểm nhất và phải trá giá lớn nhất từ WHO là quyết định thảm họa của tổ chức này khi phản đối lệnh cấm đi lại từ Trung Quốc và các quốc gia khác. Nếu các quốc gia khác tạm dừng việc đi lại từ Trung Quốc thì có lẽ đã có nhiều người hơn được cứu", ông Trump nhận định.

Tổng thống Trump từng tìm cách cắt giảm đóng góp của Mỹ cho WHO thậm chí trước cả khi dịch bệnh bùng phát. Trong dự thảo ngân sách đề xuất cho năm 2021, chính quyền ông Trump đã đề nghị cắt giảm khoản đóng góp tự nguyện cho WHO giảm hơn 1 nửa, xuống còn khoảng 58 triệu USD.

Mặc dù Tổng thống Trump chỉ trích WHO "dựa dẫm" vào nguồn thông tin từ Trung Quốc vào giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát song ông cũng nhiều lần khen ngợi Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình về khả năng đối phó với dịch bệnh vào tháng 1 và tháng 2/2020. Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn cho rằng WHO "thiên vị" Trung Quốc.

“Vì lý do nào đó, WHO – tổ chức có được tài trợ phần lớn từ Mỹ nhưng lại đang hướng về Trung Quốc. Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này", Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 7/4.

"Vấn đề không phải là tiền"

Khi được hỏi tại sao lại chọn thời điểm hiện tại để cắt ngân sách dành cho WHO, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ đã có các vấn đề với WHO "trong nhiều năm" và lẽ ra nên làm điều đó "từ cách đây rất lâu".

Ông Trump cũng cho biết chính quyền của ông sẽ tiến hành một cuộc điều tra "kỹ lưỡng" kéo dài từ 60 - 90 ngày.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói rằng vấn đề không phải là tiền mà là tổ chức này đã có những quyết định "không đúng và chúng ta sẽ xem xét về điều đó".

"Đây là giai đoạn đánh giá nhưng trong thời gian đó, chúng tôi sẽ dừng tất cả các khoản đóng góp cho WHO. Chúng tôi sẽ dành khoản tiền đó và chuyển nó cho những khu vực cần nhất", ông Trump khẳng định.

Phản ứng của các bên

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, thông qua đặc phái viên Mỹ tại Liên Hợp Quốc thừa nhận WHO đã phạm phải những sai lầm trong đối phó với đại dịch, nhưng cũng khẳng định rằng hiện tại không phải thời điểm để các bên đổ lỗi cho nhau.

Trong một tuyên bố hôm 14/4, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định việc điều tra dịch Covid-19 đã lây lan như thế nào trên thế giới sẽ tiến hành sau này và đây "không phải là thời điểm để làm phân tán nguồn lực của WHO cũng như các tổ chức cứu trợ nhân đạo khác trong cuộc chiến với virus SARS-CoV-2”.

"Như tôi đã nói trước đó, bây giờ là lúc để cộng đồng thế giới đoàn kết cũng như hợp tác với nhau nhằm ngăn chặn virus này và các hậu quả chấn động của nó".

Ashish Jha - Giám đốc Viện Y tế toàn cầu của Đại học Harvard đã gọi động thái của Tổng thống Trump với WHO là "một quyết định vô cùng tồi tệ".

"Đúng là WHO không hoàn hảo và tổ chức này phải chịu trách nhiệm cho những bước đi sai lầm trong cách giải quyết với Trung Quốc. Nhưng bây giờ không phải là lúc làm vậy. Động thái này sẽ khiến tình hình trên thế giới và nước Mỹ tệ hơn. Đây là một quyết định vô cùng tồi tệ".

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ Patrice Harris cũng gọi động thái của Tổng thống Trump là "một bước đi nguy hiểm sai hướng" và việc này sẽ không khiến cuộc chiến nhằm đánh bại dịch Covid-19 trở nên dễ dàng hơn, đồng thời hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ nên cân nhắc lại quyết định này.

Amesh Adalja - một học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Đại học Johns Hopkins thì cho rằng WHO đã phạm phải sai lầm và cần cải cách nhưng công việc đó sẽ diễn ra sau khi cuộc khủng hoảng hiện nay trôi qua.

"Ngay giữa đại dịch không phải là thời điểm để làm những điều như vậy", chuyên gia này cho biết.

Một số cố vấn trong chính quyền Tổng thống Trump cũng nhận định việc cắt giảm hỗ trợ WHO vào thời điểm này có thể sẽ phản tác dụng bởi đây là một trong số ít các cơ quan có thể tiếp cận tới một số bộ phận dân cư dễ tổn thương nhất trên thế giới như tại Yemen, Libya và Syria.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump có thể nhận được toàn bộ sự ủng hộ của các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội về động thái trên. Một số nghị sĩ Cộng hòa đã cáo buộc WHO hợp tác với Trung Quốc để che đậy về quy mô của dịch bệnh. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thì khẳng định việc cắt ngân sách Mỹ đóng góp cho WHO sẽ được thực hiện trong dự thảo phân bổ ngân sách tiếp theo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

New Zealand hạ lương lãnh đạo để giảm chi ngân sách
New Zealand hạ lương lãnh đạo để giảm chi ngân sách

VOV.VN - New Zealand là một trong ít quốc gia không có nhiều ca mắc Covid-19 do nước này sớm thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

New Zealand hạ lương lãnh đạo để giảm chi ngân sách

New Zealand hạ lương lãnh đạo để giảm chi ngân sách

VOV.VN - New Zealand là một trong ít quốc gia không có nhiều ca mắc Covid-19 do nước này sớm thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

Số ca tử vong vì Covid-19 ở Moscow (Nga) đã vượt mốc 100
Số ca tử vong vì Covid-19 ở Moscow (Nga) đã vượt mốc 100

VOV.VN - Tính đến ngày 14/4, thủ đô Moscow đã có 106 bệnh nhân tử vong trên tổng số 170 trường hợp tử vong vì Covid-19 ở Nga.

Số ca tử vong vì Covid-19 ở Moscow (Nga) đã vượt mốc 100

Số ca tử vong vì Covid-19 ở Moscow (Nga) đã vượt mốc 100

VOV.VN - Tính đến ngày 14/4, thủ đô Moscow đã có 106 bệnh nhân tử vong trên tổng số 170 trường hợp tử vong vì Covid-19 ở Nga.

Indonesia tối ưu hoá ngành sản xuất thiết bị y tế đối phó Covid-19
Indonesia tối ưu hoá ngành sản xuất thiết bị y tế đối phó Covid-19

VOV.VN - Indonesia ngày 15/4 đưa ra các bước đi để tối ưu hoá ngành công nghiệp trong nước, chú trọng tới việc sản xuất các thiết bị y tế số lượng lớn.

Indonesia tối ưu hoá ngành sản xuất thiết bị y tế đối phó Covid-19

Indonesia tối ưu hoá ngành sản xuất thiết bị y tế đối phó Covid-19

VOV.VN - Indonesia ngày 15/4 đưa ra các bước đi để tối ưu hoá ngành công nghiệp trong nước, chú trọng tới việc sản xuất các thiết bị y tế số lượng lớn.