Tương lai của Iraq sau khi đánh bại IS ở thành phố chiến lược Tikrit
VOV.VN - Bị đánh bại tại Tikrit nhưng tổ chức IS vẫn tỏ ra dẻo dai, có sức phục hồi mạnh mẽ.
Vừa qua, việc kiểm soát thành phố Tikrit đã giúp chính quyền Iraq và liên quân do Mỹ dẫn đầu có thêm nhiều lợi thế, chuẩn bị cho khả năng giành lại các khu vực quan trọng khác từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Hồi tháng 6/2014, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đánh chiếm thành phố Tikrit và sau đó mở rộng, kiểm soát hơn 1/3 lãnh thổ Iraq. Tikrit nằm ở vị trí chiến lược vì nó chỉ cách thủ đô Baghdad 130 km và trên đường bộ đến thành phố lớn thứ hai của Iraq, Mosul. Chính vì vậy, Tikrit được xem là mục tiêu quan trọng trong các cuộc giao tranh tại Iraq.
Xung lực mới cho cuộc chiến chống IS
Thành công tại Tikrit hồi đầu tháng này đã tạo đà lớn, giúp chính quyền Iraq và liên quân có thể tấn công tổng lực nhằm giành lại các khu vực quan trọng khác đang do tổ chức IS kiểm soát như Mosul, Anbar.
Theo các chuyên gia khu vực, chiến thắng tại Tikrit vừa qua là do thành phố này nằm trong chiến dịch quy mô lớn nhất từ trước tới nay của chính phủ Iraq nhằm vào tổ chức IS, với sự tham gia của khoảng 30.000 binh sỹ Iraq, cùng hàng nghìn dân quân dòng Hồi giáo Shiite và Sunni cũng như lực lượng các bộ lạc tham gia hỗ trợ. Bên cạnh đó, giành được Tikrit cũng là do hầu hết người dân, khoảng 200.000 người, trước đó đã sớm rời khỏi thành phố này.
Vai trò của Iran
Khi tổ chức IS đẩy mạnh cuộc chiến tại Iraq hồi tháng 6/2014, Iran đã sớm hiện diện và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên bảo vệ các phần lãnh thổ của Iraq, bao gồm cả cộng đồng người Kurd. Trong khi đó, quân đội Iraq do Mỹ hậu thuẫn, được cho là đã phản ứng khá yếu trước các cuộc tấn công của IS.
Tình hình Iraq trở nên tồi tệ hơn khi Chính phủ Iraq chấp nhận sự can thiệp quân sự của Iran. Các lực lượng dân quân dòng Hồi giáo Shiite đã chiến đấu dưới sự chỉ huy của Vệ binh cách mạng Iran, nhưng không có sự gắn kết với quân đội chính phủ. Lực lượng này ngày càng làm mờ nhạt vai trò của quân đội và Thủ tướng Haider Al-Abadi, vốn là tổng chỉ huy quân đội Iraq.
Trong khi đó, các bộ tộc Sunni địa phương cũng không ủng hộ chính quyền tại Baghdad do bất mãn trước tình trạng tham nhũng tràn lan khiến các cuộc tranh giành quyền lực, chia rẽ giáo phái ngày càng quyết liệt, khó kiểm soát. Mặt khác, trước đây, các bộ tộc này từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Mỹ chống lại tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Iraq. Tuy nhiên, cho đến nay, vai trò của lực lượng này không còn được coi trọng, khi việc tiếp quản các khu vực giải phóng, như thành phố Tikrit, đều do lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite thực hiện.
Hiện đang có xu hướng đánh đồng giữa lực lượng dân quân Shiite với quân đội chính phủ ở Baghdad và ở miền Nam Iraq. Có thông tin, lực lượng dân quân Shiite đang muốn trở thành Lực lượng vệ binh quốc gia, một tổ chức như hiến binh được công nhận nhằm thay thế quân đội Iraq trong lĩnh vực an ninh nội chính.
Các thách thức ngổn ngang của Iraq
Tái chiếm thành phố Tikrit đã giúp chính quyền Iraq và liên quân do Mỹ dẫn đầu đạt được mục tiêu kiềm chế và đẩy lùi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đồng thời mở ra khả năng đánh chiếm các vị trí quan trọng khác, tiến tới giải phóng phần lãnh thổ còn lại của Iraq.
Mặc dù vậy, số lượng chiến binh Hồi giáo nước ngoài gia nhập IS ngày càng tăng, cùng với sự mở rộng và phát triển hoạt động của tổ chức này ở nhiều quốc gia đang có những bất ổn chính trị tương tự Iraq như Libya, Nigeria, và gần đây là Yemen, sẽ tạo điều kiện để IS tiếp tục duy trì sự tồn tại của chúng tại Iraq trong thời gian tới.
Theo nguồn tin của Liên Hợp Quốc, hiện có khoảng 25.000 tay súng nước ngoài từ hơn 100 quốc gia, chủ yếu qua Thổ Nhĩ Kỳ, Syria để đầu quân cho IS ở Iraq. Ngoài ra, các khu vực do tổ chức IS chiếm đóng như Mosul hiện vẫn còn rất đông dân lưu trú, khiến chiến dịch sắp tới của chính phủ Iraq và liên quân sẽ trở nên khó khăn hơn.
Các cuộc phản công gần đây của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại thành phố Ramadi, thủ phủ phía tây của tỉnh Anbar, cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của tổ chức này.
Hòa giải dân tộc tiếp tục là chìa khóa quan trọng giúp chính quyền Iraq thống nhất các đảng phái chính trị, thành lập lực lượng liên kết đủ mạnh chống lại các tổ chức khủng bố, cực đoan.
Tuy nhiên, mâu thuẫn giáo phái, sắc tộc kéo dài đang là vấn đề rất khó giải quyết cho Chính phủ của Thủ tướng Abadi khi sự can thiệp của Iran đối với nhóm Hồi giáo Shiite và sự tan rã của các bộ lạc Sunni do vai trò của Mỹ đang ngày càng trở nên mờ nhạt hơn.
Điều này sẽ tiếp tục là rào cản lớn đối với ổn định tại Iraq, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy thành lập một nhà nước liên bang tại Iraq như một giải pháp lâu dài, qua đó đảm bảo các lợi ích của Mỹ và đồng minh tại khu vực./.
>> Xem thêm: Quái thú Hồi giáo IS thách thức cả thế giới