Vì sao Nhà Trắng ngừng công bố nội dung điện đàm của Tổng thống Trump?
VOV.VN - Nhà Trắng đã ngừng công bố nội dung tóm lược các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump với các lãnh đạo nước ngoài mà không công bố lý do.
Việc ngừng công bố nội dung điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump với các nhà lãnh đạo nước ngoài đi ngược với thông lệ đã có từ lâu trong cả chính quyền Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ.
Nhà Trắng đã ngừng công bố nội dung các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump với các lãnh đạo nước ngoài. Ảnh: Crikey |
Hiện chưa rõ liệu việc ngừng bố nội dung điện đàm này là tạm thời hay lâu dài. Người phát ngôn Nha Trắng từ chối bình luận.
Các bản ghi chính thức về cuộc điện đàm của Tổng thống Trump với các lãnh đạo nước ngoài – còn gọi là “bản ghi dữ liệu” – là nhằm thông báo công khai về các hoạt động ngoại giao được tiến hành ở cấp cao nhất giữa Mỹ với các nước.
Các nội dung được công bố thường không có nhiều chi tiết mà chỉ là tóm lược một số thông tin cơ bản, chủ yếu là xác nhận cuộc điện đàm đã diễn ra, còn thông tin cụ thể chỉ được công bố nội bộ.
Tổng thống Trump đã có ít nhất 2 cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo khác nhau trong 2 tuần qua, trong đó có Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Nhà Trắng chỉ xác nhận các cuộc điện đàm đã diễn ra sau khi chúng được báo chí nước ngoài đưa tin, nhưng lại từ chối tiết lộ nội dung các nhà lãnh đạo đã trao đổi.
Nhà Trắng đã ngừng công bố các bản ghi về điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump với lãnh đạo nước ngoài từ giữa tháng 6/2018, khi ông Trump gọi điện chúc mừng Thủ tướng Hungary tái đắc cử. Bản ghi lúc đó chỉ ngắn gọn: “Hai nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ Mỹ-Hungary vững mạnh”.
Michael Allen, một thành viên Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói rằng: dừng công bố nội dung điện đàm tức là Nhà Trắng đã dừng một sư kiện mang tính bắt buộc. “Họ đã để mất khía cảnh ngoại giao công chúng khi ngừng công bố về các cuộc điện đàm của Tổng thống”.
Hoạt động mang tính thông lệ
Các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới là đòi hỏi nhóm an ninh quốc gia của Tổng thống phải lên kế hoạch cẩn thận. Các nhà lãnh đạo thường thực hiện cuộc điện đàm trong phòng làm việc và có cả các trợ lý cùng nghe điện đàm. Khi cuộc điện đàm kết thúc, cả 2 bên sẽ công bố bản ghi về những gì 2 nhà lãnh đạo thảo luận. Tuy nhiên, các bản ghi giữa 2 bên vẫn có sự khác nhau.
Tổng thống Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm giữa lúc căng thẳng về Syria
Sau khi Tổng thống Donald Trump điện đàm với Thủ tướng Canada tháng 4/2017, hai bên đã đưa ra những bản ghi có chi tiết khác nhau về nội dung thảo luận.
Bản ghi của Nhà Trắng cho biết: “Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Justin Trudeau hôm nay đã có cuộc điện đàm. Hai bên đã thảo luận về thương mại liên quan đến mặt hàng sữa ở bang Wisconsin, New York và nhiều nơi khác. Cuộc điện đàm diễn ra thân mật”.
Bản ghi của phía Canada lại chi tiết hơn: “Thủ tướng Justin Trudeau và Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại Canada-Mỹ có lợi cho cả 2 bên. Về vấn đề gỗ mềm, Thủ tướng bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ của Bộ Thương mại Mỹ cũng như quyết định áp thuế không công bằng”.
Ông Tony Blinken, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ trong chính quyền Barack Obama từ 2015-2017 nói rằng có 2 lý do chính vì sao việc công bố các bản ghi lại quan trọng. “Thứ nhất là tính minh bạch. Công chúng quan tâm muốn biết Tổng thống đã điện đàm với ai và trao đổi những gì. Thứ 2, những bản ghi này sẽ cũng giống như bản tường thuật và đối chiếu. Nếu ta không làm các bản ghi, trong khi nước kia có làm, thì bản tường thuật của họ sẽ chiếm ưu thế hơn”, ông Blinken nói với CNN.
Vai trò của các bản ghi và sự rò rỉ thông tin
Quyết định dừng các bản ghi diễn ra trong bối cảnh có nhiều câu hỏi về những gì ông Trump đã trao đổi trong cuộc gặp một-một với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Helsinki, Phần Lan.
Hồi tháng 8/2017, Tổng thống Trump đã nổi giận khi Washington Post công bố nội dung cuộc điện đàm của ông với Nhà lãnh đạo Australia và Mexico. Ông đã chỉ trích các trợ lý của mình suốt nhiều tuần về vụ rò rỉ thông tin này, thậm chí còn nói rằng, nên rút bớt số người có mặt khi ông tiến hành các cuộc điện đàm.
Một vụ việc rò rỉ thông tin tương tự là việc Tổng thống Trump đã chúc mừng ông Putin tái đắc cử Tổng thống Nga trong cuộc điện đàm hồi mùa xuân 2018, dù ông được các cố vấn an ninh khuyên không nên làm như vậy
Các nguồn tin thân cận với Tổng thống Trump tiết lộ với CNN ở thời điểm đó rằng, những vụ rò rỉ thông tin điện đàm khiến ông Trump càng tin vào điều mà lâu nay ông vẫn nghĩ: có một vài cá nhân trong chính quyền của ông – đặc biệt trong bộ máy an ninh quốc gia – đang “ngấm ngầm phá hoại” ông.
Hồi tháng 5/2018, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang cố thuyết phục Mỹ duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, đã có cuộc điện đàm với ông Donald Trump. Nhà Trắng chỉ công bố một bản ghi ngắn gọn 2 dòng sau cuộc điện đàm này, nói rằng, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Pháp “chia sẻ cam kết với hòa bình và ổn định ở Trung Đông”, đồng thời từ chối đưa ra thông tin chi tiết./.