Vụ điệp viên Skripal: Căng thẳng Anh-Nga hay đối đầu Đông-Tây?
VOV.VN - Căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Nga có thể leo thang trong những ngày tới và trở thành một cuộc đối đầu Đông-Tây.
Vụ cựu điệp viên "hai mang" Sergei Skripal của Nga bị đầu độc tại Anh đã bắt đầu mang dáng dấp một cuộc đối đầu Đông-Tây khi các nước đồng minh phương Tây đồng loạt lên tiếng chỉ trích Nga. Chính phủ Mỹ thậm chí còn gia tăng các lệnh trừng phạt đối với nước này, với lý do can dự vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Cựu điệp viên "hai mang" Sergei Skripal của Nga và con gái bị đầu độc tại thành phố miền Nam nước Anh. Ảnh: Sky News. |
Trong chuyến thăm đầu tiên tới Salisbury kể từ sau vụ cựu điệp viên "hai mang" Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại thành phố miền Nam nước Anh này hôm 4/3, Thủ tướng Anh Theresa May đã kêu gọi sự đoàn kết của các nước đồng minh trước Nga. Theo bà, vụ việc xảy ra tại Anh song cũng có thể xảy ra tại bất kỳ nơi nào khác và các nước đồng minh cần đoàn kết chống lại điều này.
“Trước tiên tôi xin hoan nghênh sự ủng hộ của Mỹ, Pháp và Đức, của những nước đồng minh đối với nước Anh. Chính phủ Anh phản đối mạnh mẽ những gì xảy ra tại Salisbury và đó chính xác là những gì chúng tôi đã làm.
Tôi đã thông báo sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga là những nhân viên tình báo, mà tên của họ sẽ không được công bố nhằm tránh gây ảnh hưởng tới mạng lưới tình báo của họ. Chúng tôi đã đưa vấn đề ra NATO, ra Liên Hợp Quốc và Liên minh Châu Âu. Điều này đã xảy ra tại Anh, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào khác và chúng ta phải đoàn kết chống lại nó”, bà Theresa May nói.
Anh, Đức, Pháp và Mỹ cùng ngày ra thông cáo chung tuyên bố, trách nhiệm của Nga là “giải thích hợp lý duy nhất” cho vụ việc, đồng thời yêu cầu Nga cung cấp mọi thông tin về chương trình hóa học Novitchok, mà phương Tây cho là được các nhà khoa học thuộc Liên bang Xô viết trước đây tiến hành từ những năm 1980.
Bầu không khí đối đầu trở nên tồi tệ hơn khi Mỹ cùng ngày thông báo các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, với lý do “nghi ngờ” sự can dự của nước này vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và nhiều vụ tấn công mạng khác. Tổng cộng, 19 cá nhân và 5 thực thể, trong đó có cơ quan tình báo nội địa và cơ quan tình bao quân sự Nga liên quan tới lệnh trừng phạt mới này. Mỹ trừng phạt Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016
Trước sức ép của phương Tây, chính phủ Nga hôm qua (15/3) một lần nữa bác bỏ mạnh mẽ mọi cáo buộc liên quan vụ đầu độc điệp viên Sergei Skripal tại Anh, đồng thời tuyên bố chuẩn bị thông qua những biện pháp đáp trả.
Theo Ngoại trưởng Nga Lavrop, Nga bắt buộc sẽ phải trục xuất các nhà ngoại giao Anh, song câu trả lời sẽ được gửi cho Anh trước khi được công bố:“Hành xử của Anh cho thấy sự tuyệt vọng của chính phủ nước này khi không thể thực hiện đuộc những lời hứa với người dân của mình khi quyết định rời Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, Nga sẽ sớm có câu trả lời cho quyết định của Anh. Và theo phép lịch sự, chúng tôi sẽ gửi câu trả lời tới Anh trước khi công bố chính thức”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Riabkov phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ chương trình phát triển vũ khí hóa học nào mang tên “Novitchok” như cáo buộc của các nước phương Tây, dù là dưới thời Liên bang Soviet trước đây hay nước Nga ngày nay. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng an ninh quốc gia.
Mưu đồ của phương Tây đối với Nga qua vụ gián điệp hai mang bị đầu độc
Các nhà phân tích cảnh báo, căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Nga có thể leo thang trong những ngày tới và trở thành một cuộc đối đầu Đông-Tây thực sự khi các nước đồng minh phương Tây của Anh cũng cho thấy sự sẵn sàng thông qua những bước đi tương tự. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 15/3 cho biết sẽ thông báo các biện pháp phù hợp trong những ngày tới, đồng thời hủy kế hoạch thăm gian hàng chính thức của Nga tại Triển lãm sách khai mạc tối nay tại thủ đô Paris.
Đối đầu Đông-Tây hay cụ thể là giữa Nga và phương Tây không phải là hiếm gặp trong đời sống chính trị thế giới hiện nay, song diễn ra vào thời điểm hiện nay lại đặt ra nhiều câu hỏi.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cái chết của cựu điệp viên Nga tại Anh chỉ là một cái cớ để phương Tây gia tăng sức ép với Nga, trong bối cảnh bất đồng giữa hai bên trong nhiều vấn đề quốc tế nóng hiện nay vẫn chưa được giải quyết và hơn hết là giữa lúc cuộc bầu cử Tổng thống Nga đang đến gần, với kết quả các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy chiến thắng đang nghiêng về phía đương kim Tổng thống Vladimir Putin.
Tuy nhiên, nếu điều này là đúng thì đây có thể sẽ là một ván bài nguy hiểm, bởi nó không những đào sâu hơn mối bất hòa Đông-Tây, mà thậm chí còn “gậy ông đập lưng ông”, làm suy giảm vai trò của phương Tây trong giải quyết nhiều vấn đề quốc tế nóng hiện nay./. Nga công bố biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ