Quốc phòng, Ngoại giao Mỹ cùng lo cắt giảm ngân sách
(VOV) - Việc cắt giảm ngân sách sẽ khiến hàng nghìn quân nhân, nhân viên của Mỹ rơi vào cảnh nghỉ phép không lương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta vừa chính thức thông báo với Quốc hội Mỹ rằng, Bộ này có kế hoạch để các nhân viên dân sự nghỉ không lương trong năm 2013, nếu chương trình cắt giảm ngân sách toàn diện 46 tỷ USD có hiệu lực vào ngày 1/3 tới. Trong khi đó, tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cũng nhấn mạnh với các nghị sỹ Quốc hội Mỹ "cần tránh những cắt giảm không mang tính tích cực".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Tuyên bố của ông Panetta đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ bắt đầu tiến trình xét duyệt và có thể cắt giảm ngân sách quốc phòng toàn diện. Quá trình xét duyệt này sẽ kéo dài trong 45 ngày tới, đe dọa dẫn tới tình trạng buộc phải nghỉ phép không lương của đa số trong hơn 800.000 nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ trên phạm vi toàn liên bang.
Ông Panetta nói: “Chúng ta sẽ làm mọi thứ có thể để tiếp tục các hoạt động cơ bản, nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng của nước Mỹ. Nhưng không có gì sai lầm khi nói rằng bản chất của việc cắt giảm ngân sách toàn diện, mang tính bắt buộc đối với cơ quan này, với quy mô này sẽ gây ra kết quả là những gián đoạn nghiêm trọng, trong việc sẵn sàng đảm bảo chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể, để bảo vệ an sinh cho những người phục vụ trong quân đội và gia đình họ”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo về tác động tiêu cực của nguy cơ cắt giảm ngân sách dành cho đối ngoại đối với ngành ngoại giao Mỹ và thôi thúc quốc hội nước này nhanh chóng đạt thỏa thuận về ngân sách quốc gia.
Phát biểu tại trường Đại học Virginia, ông Kerry nói: “Sứ mệnh ngoại giao của chúng ta là phục vụ cho phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, duy trì và tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với thế giới. Ngoại giao Mỹ có thể tác động mạnh mẽ tới kinh tế thế giới, cũng như mức sống của dân chúng nước này. Nhưng những cam kết của chúng ta với người dân Mỹ, với phần còn lại của thế giới, khi cùng nhau đưa ra những quyết định quan trọng, trước tiên là giải quyết vấn đề ngân sách quốc gia. Đó là điều cấp bách lúc này”.
Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó cho biết, việc cắt giảm tự động các khoản chi phí có thể làm tê liệt khoản viện trợ trị giá 2,6 tỷ USD, chương trình hỗ trợ an ninh và các chương trình quốc tế khác.
Việc 85 tỷ USD ngân sách bị tự động cắt giảm bắt đầu có hiệu lực trong 10 ngày tới sẽ khiến khoảng hàng trăm nghìn, thậm chí một triệu nhân viên liên bang bị cắt giảm giờ làm việc hoặc cho nghỉ việc tạm thời./.