Quốc tế phản ứng về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1
VOV.VN -Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đánh giá thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 là một bước đột phá lớn...
Sau khi Iran và nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc) đạt được thỏa thuận bước đầu về chương trình hạt nhân để đổi lấy việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Tehran, dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ hoan nghênh đột phá quan trọng này.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã chúc mừng các nhà đàm phán "vì tiến triển đạt được này vốn có thể dẫn tới sự khởi đầu của một thỏa thuận mang tính lịch sử đối với các dân tộc cũng như các quốc gia ở Trung Đông và ngoài khu vực".
Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đánh giá thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 là một bước đột phá lớn vì ổn định và an ninh toàn cầu.
Iran sẽ ngừng tiến trình chạy thử một lò phản ứng tại cơ sở Arak (Ảnh: AFP) |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso trong tuyên bố của mình nhấn mạnh "giờ điều quan trọng là tất cả các bên tiếp tục hợp tác trên tinh thần xây dựng để thực thi thỏa thuận, giúp cộng đồng quốc tế có thể được bảo đảm rõ ràng về tính chất dân sự và hòa bình của chương trình hạt nhân Iran".
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã hoan nghênh "sự can đảm" mà Iran với Nhóm P5+1 thể hiện trong thỏa thuận đạt được, coi đây là một bước đi quan trọng cho cả Iran lẫn cộng đồng quốc tế hướng tới việc bảo đảm về chương trình hạt nhân của Tehran.
Ông Van Rompuy cũng nhấn mạnh: "Vấn đề cốt lõi là đảm bảo thực thi đúng thời hạn thỏa thuận đã đạt được và tiếp tục làm việc, trên cơ sở xây dựng lòng tin, hướng tới giải quyết dứt điểm vấn đề này".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhận định giải quyết hiệu quả vấn đề sẽ tạo được những ảnh hưởng quan trọng với khu vực lẫn toàn cầu.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ Obama đã gọi thành công của vòng đàm phán Geneva lần này là “bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới một giải pháp toàn diện để giải quyết những lo ngại về chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran”.
Mặc dù ông Obama nói rằng bản thỏa thuận không “thừa nhận” quyền làm giàu urani của Iran, nhưng ông khẳng định “Iran, cũng như bất kỳ quốc gia nào, nên được quyền tiếp cận nguồn năng lượng hạt nhân hòa bình”.
Ngoại trưởng Anh William Hague bình luận thỏa thuận giữa Iran và Nhóm P5+1 “tốt cho cả thế giới, trong đó có các quốc gia Trung Đông và cả bản thân người dân Iran”.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đánh giá thỏa thuận hạt nhân với Iran là một bước đi quan trọng để duy trì "hòa bình và an ninh" nhưng sẽ cần phải giám sát chặt chẽ để đảm bảo thỏa thuận này được thực thi.
Ông cho biết thêm thỏa thuận chỉ xác nhận quyền sở hữu hạt nhân dân sự của Iran: “Hiệp định Geneva mà chúng ta đạt được là một bước tiến quan trọng đối với hòa bình và an ninh. Thỏa thuận này xác nhận quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự của Iran nhưng nó lại hoàn toàn loại trừ khả năng tiếp cận hạt nhân vì mục đích quân sự. Do vậy thỏa thuận này là bước đi quan trọng đầu tiên và thậm chí là bước tiến lớn”.
Bộ Ngoại giao Syria cho biết Damas coi đây là một "thỏa thuận lịch sử" vì lợi ích của người dân Iran.
Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki cho biết, thỏa thuận giữa Iran và Nhóm P5+1 là một bước quan trọng để đạt được an ninh và ổn định trong khu vực.
Ông Nouri al-Maliki cũng bày tỏ hy vọng rằng, các cuộc đàm phán có ý nghĩa sẽ tiếp tục ngăn chặn có hiệu quả việc phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như để bắt đầu loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Trung Đông.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Iran nên được đảm bảo quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Trong một tuyên bố được phát trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Iran Nouri al-Maliki nêu rõ thỏa thuận đạt được với Nhóm P5+1 "đã thừa nhận quyền hạt nhân của Iran" bằng việc cho phép Tehran tiếp tục làm giàu urani và tuyên bố các hoạt động làm giàu urani của nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ được tiến hành như trước đây.
Ông cũng cho rằng đó là bước đi đầu tiên nhằm xây dựng lòng tin giữa Iran và Nhóm P5+1.
Cùng ngày, Ần Độ cũng hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa Iran và nhóm P5+1. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin cho biết: “Các thỏa thuận giữa Iran và P5+1 đã được ký kết cách đây vài giờ và chúng tôi đang liên lạc với các bên đối thoại để xác định các chi tiết của thỏa thuận đó. Tuy nhiên, tôi có thể thông báo rằng, Ấn Độ hoan nghênh việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hạt nhân của Iran thông qua đối thoại và ngoại giao”.
Pakistan cũng ca ngợi thỏa thuận đạt được giữa Iran và Nhóm P5+1. Bộ Ngoại giao Pakistan cho hay: "Là một quốc gia láng giềng anh em của Iran, Pakistan luôn nêu bật tầm quan trọng của việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này”.
Theo nội dung chính trong thỏa thuận hạt nhân đạt được tại Geneva (Thụy Sĩ) được Nhà Trắng công bố, thì Iran nhất trí ngừng toàn bộ hoạt động làm giàu urani trên 5% và tháo dỡ những kết nối về kỹ thuật cho phép hoạt động làm giàu ở mức trên 5%, cam kết vô hiệu hóa kho urani được làm giàu lên cấp độ gần 20% bằng việc làm giảm mức độ này xuống, sẽ không lắp đặt các máy ly tâm làm giàu urani mới và ngừng tiến trình chạy thử một lò phản ứng tại cơ sở Arak có thể chế tạo plutoni.
Ngoài ra, Tehran cũng sẽ không xây dựng một cơ sở có khả năng tái chế và từ đó sẽ không thể phân tách plutoni từ nhiên liệu đã qua sử dụng.
Iran sẽ cho phép các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tới thanh sát cơ sở hàng ngày và chuyển thông tin về bản thiết kế của lò phản ứng Arak.
Về phía Nhóm P5+1, các nước này sẽ thành lập một "ủy ban chung" để làm việc với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và giám sát việc thực thi thỏa thuận, sẽ nới lỏng áp đặt một số biện pháp trừng phạt có tổng trị giá vào khoảng 7 tỷ USD cũng như không áp đặt bất cứ biện pháp trừng phạt bổ sung trong 6 tháng nếu Iran giữ được cam kết đến khi kết thúc thỏa thuận.
Bên cạnh đó, các nước phương Tây sẽ tạm dừng một số biện pháp trừng phạt đối với vàng và kim loại quý, lĩnh vực ô tô của Iran và việc xuất khẩu chất hóa dầu của Tehran./.