Quốc tế tiếp tục chia rẽ về vấn đề Syria
(VOV) -Trong khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng, nội bộ lực lượng đối lập Syria bắt đầu có nhiều chia rẽ.
Cộng đồng quốc tế đang có chia rẽ sâu sắc về cách thức hỗ trợ cho lực lượng đối lập Syria. Trong khi Anh và Pháp kêu gọi các nước dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển vũ khí cho lực lượng đối lập Syria, Đức lại không mặn mà với đề xuất này vì cho rằng quyết định này có thể khiến bạo lực gia tăng trong khu vực.
Bà Catherine Ashton: "Giải pháp chính trị là cách duy nhất để chấm dứt đổ máu tại Syria". (ảnh: VOA) |
Nga cũng phản đối việc tăng cường hỗ trợ vũ khí cho lực lượng đối lập, khiến các cuộc đối thoại hòa bình quốc gia lâm vào bế tắc. Mặc dù vậy, các nước cũng đều nhất trí rằng, chỉ có giải pháp chính trị mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài gần 2 năm qua tại Syria.
Trong cuộc họp Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu tại Bỉ ngày 11/3, Pháp, Anh hối thúc EU xem xét việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria để giúp lực lượng đối lập.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng, dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí đang trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết khi số người thiệt mạng Syria đang tăng lên từng ngày. Ngoại trưởng Anh William Hague cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết trong việc hỗ trợ cho lực lượng đối lập Syria. Ông Hague nói: “Chúng ta nên tiếp tục tăng cường viện trợ cho lực lượng đối lập Syria, Liên minh Dân tộc Syria. Thông qua sự viện trợ này, chúng ta muốn gửi một thông điệp rõ ràng tới chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad rằng, cộng đồng quốc tế sẽ áp dụng mọi biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria”.
Tuy nhiên, Đức lại cho rằng, nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí tới Syria có thể khiến bạo lực gia tăng trong khu vực. Phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle khẳng định, việc dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang gây bất ổn cho toàn khu vực.
Ngoại trưởng Đức Westerwelle nói: “Tôi tin rằng sẽ là không phải là giải pháp tốt nếu chúng ta dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí vào thời điểm này. Nó sẽ khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang, khơi mào cho một cuộc chiến trong khu vực. Khi đó vấn đề sẽ lớn hơn rất nhiều. Sẽ là tốt hơn nếu chúng ta ủng hộ các sáng kiến chính trị. Chúng ta cũng cần ủng hộ những nỗ lực của Liên Hợp Quốc và Đặc phái viên Brahimi”.
Mới đây, Mỹ tuyên bố sẽ chỉ viện trợ các hàng hóa phi sát thương cho lực lượng đối lập Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng phản đối các nước hỗ trợ cho lực lượng đối lập Syria. Ông Lavrov nhấn mạnh, tình hình tại Syria không được cải thiện mặc dù tất cả các bên đều nhận ra tầm quan trọng của việc chấm dứt bạo lực và bắt đầu một cuộc đối thoại quốc gia.
Trong khi đó, một số nước ủng hộ lực lượng đối lập Syria đang ngăn cản các cuộc đối thoại này diễn ra. Thậm chí một số thành viên Liên đoàn Arab đã cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang Syria.
Mặc dù chia rẽ về cách thức hỗ trợ cho lực lượng đối lập Syria, nhưng các nước cũng đều nhất trí rằng, chỉ có một giải pháp chính trị mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt nhấn mạnh: “Có một sự quyết tâm đó là cần phải tuân theo một giải pháp chính trị. Chúng tôi đều công nhận rằng một giải pháp quân sự không nằm trong lựa chọn. Số người thiệt mạng đang tăng cũng như căng thẳng leo thang trong khu vực. Chúng ta cũng thấy gánh nặng quốc gia của các nước láng giềng do tác động của dòng người tị nạn Syria. Do đó, chúng ta nên làm bất cứ điều gì để ủng hộ ông Brahimi và nỗ lực thúc đẩy tiến trình chính trị”.
Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách các chính sách đối ngoại Catherine Ashton cũng khẳng định, giải pháp chính trị là cách duy nhất để chấm dứt đổ máu tại Syria.
Trong khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài gần 2 năm qua tại Syria, trong nội bộ lực lượng đối lập Syria bắt đầu có nhiều chia rẽ. Một số thành viên trong Liên minh Dân tộc đối lập tại Syria ủng hộ Đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab L.Brahimi tham gia vào những nỗ lực thành lập một chính phủ chuyển giao, nhưng một nhóm khác lại muốn thành lập chính phủ ngay lập tức.
Cuộc họp của Liên minh Dân tộc Syria lựa chọn Thủ tướng lâm thời dự kiến diễn ra ngày 12/3 đã bị hoãn lại đến 20/3 tới. Dự kiến trong cuộc họp tới, các đại biểu sẽ thông qua một chính phủ lâm thời bất chấp việc không có đủ số đại biểu trong liên minh đối lập tham gia./.