Sau vụ Odessa bị không kích, thỏa thuận ngũ cốc Nga – Ukraine gặp khó?
VOV.VN - Sau khi Nga lên tiếng xác nhận tấn công một tàu chiến và kho tên lửa tại cảng biển Odessa, Ukraine và phương Tây đã chỉ trích vụ việc này và đặt câu hỏi về việc thực thi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc mà Moscow và Kiev vừa đạt được.
Hôm qua (24/7), Nga lên tiếng xác nhận đã tấn công một tàu chiến và kho tên lửa tại cảng biển Odessa - một trong 3 cảng của Ukraine vừa được Nga đồng ý cho phép xuất khẩu lương thực ra thị trường, dưới sự giám sát của cả Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Các bên đã có những phản ứng khác nhau trước vụ việc này.
Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga – Trung tướng Igor Konashenkov đã lên tiếng xác nhận về vụ tấn công: “Một tàu chiến Ukraine cập cảng và một nhà kho chứa tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ cung cấp tại cảng biển Odessa trong khu vực nhà máy sửa chữa tàu đã bị phá hủy bởi tên lửa dẫn đường tầm xa có độ chính xác cao của Nga”.
Lời xác nhận của Nga được đưa ra sau khi Ukraine cho biết, cảng biển Odessa bị tấn công chỉ sau 1 ngày Nga và Ukraine đạt thỏa thuận cho phép ngũ cốc Ukraine xuất khẩu qua cảng biển này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc vụ tấn công cho thấy Nga không muốn thực thi cam kết đã kí cùng Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc:
“Hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa đã trở nên phổ biến. Nhưng tại sao tôi muốn nhắc lại điều đó. Nga vừa mới thực hiện 1 vụ tấn công tại Odessa, ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hợp Quốc và Nga bàn cách tạo ra một hành lang an toàn để Ukraine xuất khẩu ngũ cốc. Nó diễn ra chưa đầy 24 giờ và mục tiêu là cảng biển đặc biệt Odessa.”
Mỹ và các đồng minh cũng ra tuyên bố chỉ trích vụ tấn công vào Odessa của Nga. Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga thực thi đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận về việc cho phép xuất khẩu ngũ cốc qua 3 cảng biển của Ukraine, bao gồm Odessa.
Tuy nhiên, văn kiện được giới chức Nga - Ukraine ký tại Istanbul ngày 22/7 vừa qua không bao gồm điều khoản về việc Nga có được phép tấn công các mục tiêu quân sự hay không. Cả Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Nga hôm qua khẳng định, cuộc tấn công của Nga chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự và nó sẽ còn tiếp tục.
Trên thực tế, Bộ Chỉ huy quân sự miền Nam Ukraine cũng thừa nhận, vụ tấn công của Nga không hề gây ảnh hưởng tới các khu vực lưu trữ ngũ cốc của trong cảng Odessa. Còn Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine - Oleksandr Kubrakov – người tham gia ký kết thỏa thuận Istanbul cho biết, bất chấp vụ tấn công mới nhất nhằm vào Odessa, Ukraine vẫn tiếp tục chuẩn bị và sẵn sàng cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ các cảng ngay khi có thể, thậm chí là trong ngày hôm nay.
Hiện một trung tâm điều phối giữa Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc vẫn đang làm việc để đảm bảo vận chuyển ngũ cốc Ukraine an toàn đến các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, tại thủ đô Cairo của Ai Cập, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhắc lại các điều khoản các bên phải thực hiện để thỏa thuận Istanbul thành công:
“Trong thỏa thuận đã được ký kết tại Istanbul vào ngày 22/7, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, người đã khởi xướng quá trình đàm phán, phải thuyết phục và nhận được quyết định từ các nước phương Tây để dỡ bỏ tất cả những lệnh trừng phạt mà Nga đã liệt kê và ngừng ngăn chặn việc ngũ cốc của Nga đến với người mua. Thứ hai, Ukraine hãy cho tàu ra khơi. Ngoài ra, nếu các tàu đến lấy ngũ cốc từ các cảng của Ukraine, trên hành trình đến đó, các tàu phải được kiểm tra để đảm bảo rằng họ không mang theo bất kỳ loại vũ khí nào”.
Theo người đứng đầu ngành Ngoại giao Nga, các lệnh trừng phạt gây khó khăn cho việc vận chuyển ngũ cốc Nga đến với thị trường là một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực. Trong chuyến công du châu Phi hiện nay, Ngoại trưởng Nga đang nỗ lực trấn an các khách hàng mua lương thực của Nga trong bối cảnh giá cả leo thang do khan hiếm./.