Sri Lanka - Từ thiên đường du lịch thành quốc gia vỡ nợ
VOV.VN - Từ một thiên đường du lịch, Sri Lanka - quốc đảo với 22 triệu dân được mệnh danh là “Hòn ngọc Ấn Độ Dương” giờ trở thành quốc gia vỡ nợ và phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập năm 1948.
Căng thẳng tại Sri Lanka vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu sau khi Thủ tướng Lanka Mahinda Rajapaksa đệ đơn từ chức hồi đầu tuần này. Các cuộc biểu tình bạo lực giữa những người ủng hộ và phản đối chính phủ kéo dài suốt 2 tháng qua đã khiến gần 80 người bị thương.
Quân đội Sri Lanka hôm qua (10/5) đã phải sơ tán Thủ tướng vừa từ chức Lanka Mahinda Rajapaksa khỏi tư dinh ở thủ đô Colombo sau khi hàng nghìn người biểu tình tìm cách phá cổng chính. Ít nhất 10 quả bom xăng đã được ném vào khu nhà và hiện chưa rõ nơi ở hiện nay của ông Lanka Mahinda Rajapaksa. Trước đó 1 ngày, nhà lãnh đạo 76 tuổi đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, mở đường cho việc thành lập một chính phủ đoàn kết mới.
Cảnh sát Sri Lanka ngày 9/5 đã áp đặt lệnh giới nghiêm vô thời hạn tại thủ đô Colombo sau khi xảy ra vụ đụng độ giữa những người ủng hộ chính phủ và nhóm người yêu cầu Tổng thống Rajapaksa từ chức. Bệnh viện quốc gia Colombo xác nhận đã có 78 người phải nhập viện điều trị. Liên Hợp Quốc hôm qua lên án tình trạng bạo lực leo thang ở Sri Lanka, đồng thời kêu gọi giới chức nước này không để bất ổn trầm trọng hơn nữa.
Người phát ngôn Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc Liz Throsell nhấn mạnh: “Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền kêu gọi chính phủ Sri Lanka tham gia vào cuộc đối thoại có ý nghĩa với mọi thành phần xã hội để tìm ra con đường hướng tới và giải quyết những thách thức kinh tế - xã hội mà người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương và yếu thế, đang phải đối mặt. Chính phủ cần giải quyết những nguyên nhân sâu xa hơn về chính trị và hệ thống tồn tại từ lâu đã kéo dài sự phân biệt đối xử và làm suy yếu quyền con người”.
Hàng triệu học sinh không thể hoàn thành đúng hạn kỳ thi cuối kỳ, những sạp báo trống trơn do không đủ giấy in. Những người bán đồ ăn không có đủ nguyên liệu để chế biến. Những hàng dài người chờ đến lượt, thậm chí là tranh giành nhau để được mua nhiên liệu, khí đốt, thực phẩm và thuốc. Những thảm cảnh này diễn ra gần như hàng ngày tại Sri Lanka. Từ một thiên đường du lịch, quốc đảo với 22 triệu dân và được mệnh danh là “Hòn ngọc Ấn Độ Dương” này bỗng chốc rơi vào tình cảnh vỡ nợ:
“Không chỉ tôi mà tất cả các doanh nghiệp đều điêu đứng vì tình hình hiện nay. Tình hình rất đáng lo ngại. Nhiều người dân không có lương thực”.
“Điều thực sự ảnh hưởng đến chúng tôi là xăng dầu. Chúng tôi có một chiếc xe ba bánh, đây là công cụ kiếm ăn của chúng tôi. Tuy nhiên, việc mua xăng trở nên khó khăn hơn vì nhiều trạm xăng đã hết xăng hoặc đóng cửa hoàn toàn”.
Những căng thẳng hiện nay được cho là bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có mà Sri Lanka đang phải đối mặt kể từ khi độc lập năm 1948 và sự bất mãn ngày càng tăng của người dân đối với những quyết sách gần đây của chính quyền Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Bộ Tài chính Sri Lanka tuần trước thông báo do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nước này hiện chỉ còn chưa đầy 50 triệu USD dự trữ ngoại tệ có thể sử dụng.
Sri Lanka đã đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để có được cơ sở cấp vốn ngay lập tức cũng như một kế hoạch giải cứu dài hạn nhưng tiến độ lại phụ thuộc vào các cuộc đàm phán về cơ cấu lại nợ với các chủ nợ. Bất kỳ kế hoạch dài hạn nào cũng sẽ mất ít nhất 6 tháng để được thực hiện, thách thức mọi nỗ lực ổn định tình hình của chính quyền Tổng thống Rajapaksa./.