Tấn công tình dục trong quân đội tăng, Mỹ tìm cách đối phó
VOV.VN - Mỹ bắt đầu thay đổi phương pháp báo cáo tấn công tình dục trong quân đội với hy vọng ngăn chặn được tệ nạn này.
Hôm 1/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã giới thiệu chính sách và biện pháp mới để ứng phó với nạn tấn công tình dục trong quân đội.
Một nữ quân nhân trong lục quân Hoa Kỳ (ảnh: rawstory) |
Trong một nghiên cứu hàng năm theo ủy quyền của Quốc hội, Bộ Quốc phòng Mỹ phát hiện ra rằng, các báo cáo về việc bị tấn công tình dục trong quân đội trong năm 2013 đã tăng 50% so với năm 2012 .
Phối hợp với Cục Điều tra Liên bang, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh và các tổ chức giáo dục đại học, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thay đổi phương pháp báo cáo khi các nạn nhân bị tấn công tình dục. Phương pháp này cho phép giữ bí mật danh tính các nạn nhân báo cáo bị tấn công hoặc quấy rối tình dục, cho phép họ được điều trị mà không cần có một cuộc điều tra công khai.
>> Xem thêm: Cưỡng hiếp phụ nữ ở Ai Cập mang động cơ chính trị
Theo người đứng đầu Lầu Năm góc, các phương pháp phòng ngừa và báo cáo mới đối với tấn công tình dục sẽ được cập nhật 2 năm mỗi lần, giúp làm giảm tần suất tấn công tình dục và khuyến khích các nạn nhân, đặc biệt là nạn nhân nam giới báo cáo.
"Với ước tính rằng đàn ông chiếm hơn một nửa các nạn nhân của tấn công tình dục trong quân đội, chúng ta phải chiến đấu chống lại kỳ thị văn hóa không khuyến khích báo cáo. Chúng ta cũng cần phải thấy rõ rằng, nạn tấn công tình dục không chỉ xảy ra vì nạn nhân yếu đuối mà còn vì những kẻ phạm tội đã không quan tâm đến giá trị của chúng ta và cả pháp luật".
>> Xem thêm: Nữ nhà báo phát thanh đối diện bạo lực, quấy rối tình dục
Trước đó, trong một báo cáo do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào tháng 8/2013, trong năm 2012, có tới 26.000 người trong 108.000 binh sỹ đang làm nhiệm vụ tham gia khảo sát cho biết đã bị tấn công tình dục, tăng từ mức 19.000 của năm 2010. Trong khi đó, theo cuộc điều tra trên, các báo cáo chính thức chỉ ghi nhận có 3.374 trường hợp bị quấy rối, tấn công tình dục trong năm 2012. Dù con số này gia tăng so với con số 3.192 báo cáo trong năm 2011, song cũng cho thấy có quá nhiều nạn nhân không lên tiếng tố giác tội phạm do lo sợ bị trả thù hoặc việc điều tra, xét xử thiếu công bằng./.