Tây Bắc Syria sẽ “nóng” trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
VOV.VN - Theo kế hoạch, hôm 19/9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ bỏ phiếu cả 2 bản dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn tại khu vực Tây Bắc Syria.
Trong 2 bản dự thảo nói trên, một bản do Đức, Bỉ và Kuwait đề xuất, bản còn lại do Nga và Trung Quốc đề xuất.
Syria. Ảnh: Middle East Monitor. |
Đây là vấn đề phức tạp và khó giải quyết nhất giữa các bên Syria hiện nay, trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang nỗ lực hướng tới việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 8 năm qua, bằng 1 giải pháp chính trị.
Tây Bắc Syria, với trung tâm là khu vực Idlib – phần lãnh thổ lớn cuối cùng vẫn nằm trong tay các lực lượng phiến quân Syria trong cuộc chiến hơn 8 năm qua. Chiến sự tại đây giữa quân đội chính phủ Syria và các lực lượng phiến quân thời gian qua đã hâm nóng nhiều diễn đàn và hội nghị quốc tế. Không ít lệnh ngừng bắn đã được đưa ra, song lại sụp đổ sau đó với việc các bên cáo buộc nhau vi phạm.
Lần này, Đức, Bỉ, Kuwait tiếp tục đưa ra 1 đề xuất ngừng bắn mới cho khu vực này, nhằm tránh để tình hình nhân đạo tại đây ngày một xấu đi. Bản dự thảo ngừng bắn do 3 nước soạn ra đã được các chuyên gia của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đem ra thảo luận tới 3 lần vào tháng trước. Theo bản chỉnh sửa mới nhất, các quốc gia này mong muốn lệnh ngừng bắn sẽ được các bên chấp thuận và có hiệu lực chính thức vào trưa ngày 21/9 tới (theo giờ địa phương). Theo đó, mọi hoạt động quân sự sẽ không được phép tiến hành trong khu vực này.
Hôm nay (19/9), bản dự thảo này sẽ được đem ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và để được thông qua, nó cần tới 9 trên 15 phiếu ủng hộ và không có sự phủ quyết nào của 5 nước thành viên thường trực.
Theo giới phân tích, bản dự thảo này có thể sẽ không được Nga và Trung Quốc ủng hộ, bởi nó sẽ cản trở các hoạt động chống khủng bố tại đây của chính phủ Syria.
Thay vào đó, Nga và Trung Quốc tự đề xuất 1 bản dự thảo mới về vấn đề này. Tuy nhiên, theo các nguồn tin ngoại giao, đề xuất của Nga và Trung Quốc chỉ kêu gọi các bên ngừng bắn để hỗ trợ các công tác nhân đạo, trong khi các hoạt động chống khủng bố vẫn có quyền tiến hành tại đây. Đặc biệt là các chiến dịch chống lại nhóm thánh chiến Tahrir al-Sham, có tiền thân là Mặt trận Nusra có mối quan hệ với mạng lưới al Qaeda, vốn đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Tây Bắc Syria – phải được duy trì.
Hiện chưa rõ thời gian của lệnh ngừng bắn mà Nga và Trung Quốc đề xuất.
Các đề xuất ngừng cho Tây Bắc Syria được đưa ra sau khônng ít lần thế giới bày tỏ quan ngại về sự leo thang chiến sự tại đây, gây nguy hiểm cho hàng triệu người, đồng thời có thể dẫn tới 1 cuộc di cư lớn chưa từng có.
Theo Liên Hợp Quốc, kể từ tháng 4 đến nay, sau khi lệnh ngừng bắn giữa Nga – Thổ đạt được hồi tháng 9 năm ngoái đổ vỡ, chiến sự tại Tây Bắc Syria đã khiến hơn 550 dân thường Syria thiệt mạng và khoảng 400.000 người phải đi di tản. Trong đó, gần 1 nửa số người di dời này đang sống tạm bợ tại các khu vực ngoài trời.
Vài ngày trước, Tổng thống 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhóm họp thượng đỉnh tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, đã thống nhất được quan điểm giảm căng thẳng tại khu vực Idlib. Theo chuyên gia phân tích người Syria, Sarikis Kassargian, chiến sự Idlib cần được Nga – Thổ sớm dàn xếp bằng 1 giải pháp chính trị, trước khi họ bắt đầu 1 tiến trình chính trị tổng thể hơn cho quốc gia Trung Đông này.
“Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý rằng vấn đề Idlib nên được giải quyết. Điều này sẽ giúp các bên mà 2 quốc gia này bảo trợ trở thành bên duy nhất trong các cuộc đàm phán hòa bình về Syria. Dường như, các quốc gia này đang muốn đẩy Mỹ, các nước châu Âu và vùng Vịnh ra khỏi bàn đàm phán.”.
Theo quan điểm của Tổng thống Nga, trước sau, mọi lực lượng nước ngoài đều nên rút hoàn toàn khỏi đất nước Syria và chủ quyền Syria phải được tôn trọng.
Ngoài việc giảm căng thẳng tại Idlib, hiện các bên Syria, với sự bảo trợ của 3 nước Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ, đã đạt được thỏa thuận về thành phần ủy ban soạn thảo hiến pháp mới của Syria - một bước tiến mà Liên Hợp Quốc hy vọng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 8 năm qua ở quốc gia Trung Đông này./.