Thay đổi như chong chóng, Trump lại để ngỏ nối lại thượng đỉnh Mỹ - Triều
VOV.VN -Phải chăng ông chủ Nhà Trắng đã suy nghĩ lại, chính bởi thiện chí chân thành của Triều Tiên khi tỏ ý vẫn sẵn lòng đối thoại với Mỹ bất cứ lúc nào.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (25/5) lại tiếp tục gây bất ngờ khi thông báo, cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn có thể diễn ra vào ngày 12/6 tới như kế hoạch ban đầu.
Hiện chưa rõ lý do gì khiến người đứng đầu nước Mỹ thay đổi quyết định nhanh đến vậy, khi mà chỉ một ngày trước đó, nhà lãnh đạo này kiên quyết hủy cho bằng được cuộc gặp mà cả thế giới đang trông chờ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Quartz. |
Dư luận không khỏi bất ngờ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bài phát biểu tại Học viện Hải quân ngày 25/05, lại tuyên bố vẫn để ngỏ khả năng diễn ra cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Phải chăng ông chủ Nhà Trắng đã suy nghĩ lại chính bởi thiện chí chân thành của Triều Tiên khi tỏ ý vẫn sẵn lòng đối thoại với Mỹ bất cứ lúc nào cho dù đã bị Washington đột ngột thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều.
Thêm vào đó, sức ép của quốc tế mong muốn cứu vãn hội nghị được xem là có thể đặt nền móng cho tương lai hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cũng là một trong những động lực thôi thúc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng rút lại quyết định nóng vội của mình đưa ra hôm 24/5 vừa qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (25/5) lại tiếp tục gây bất ngờ khi thông báo, cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn có thể diễn ra vào ngày 12/6 tới như kế hoạch ban đầu. Ảnh: Reuters |
Khi đó, trong bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn thẳng thừng nêu lý do hủy cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra tại Singgapore vào tháng tới là vì “sự tức giận và thái độ thù địch” gần đây của Triều Tiên. Vậy mà chỉ sau một ngày, nhà lãnh đạo Mỹ lại úp mở khả năng nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.
Trên thực tế, rõ ràng cũng không quá khó hiểu với cách ứng xử thay đổi đến chóng mặt của một vị Tổng thống đã không ít lần có những tuyên bố “tiền hậu bất nhất” này.
Phát biểu trước báo giới tại Lầu Năm góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng vừa chính thức xác nhận thông tin liên quan tới quyết định chóng vánh mới nhất của Tổng thống Donald Trump.
“Chúng tôi có một số tin tốt lành liên quan tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều. Hội nghị này vẫn có khả năng tiếp tục diễn ra như dự kiến ban đầu, nếu các nhà ngoại giao của chúng ta có thể kéo nó lại. Tôi cảm thấy lạc quan vì các nhà ngoại giao đang tích cực làm việc để điều này có thể xảy ra. Từ quan điểm của chúng tôi tại đây, tại Bộ Quốc phòng, thì đây là một điều tốt”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định, chính phủ Mỹ và Tổng thống Donald Trump sẽ luôn chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un, cho dù hội nghị thượng đỉnh song phương này diễn ra vào thời điểm nào.
Trước đó, ngay sau tuyên bố hôm 24/5 của Tổng thống Mỹ về việc hủy kế hoạch đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên, một loạt nước đã đưa ra phản ứng.
Hầu hết các nước đều cho thấy sự thất vọng và tiếc nuối khi bỏ lỡ cơ hội hiếm có để chấm dứt sự đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng đồng nghĩa với việc khép lại cánh cửa hẹp dẫn tới tương lai hòa bình, phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Trong đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh: “Phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình lâu dài là những nhiệm vụ lịch sử không thể bị bỏ qua hoặc trì hoãn”.
Cùng có chung lập trường với phía Hàn Quốc, một loạt lãnh đạo các nước Nga, Pháp, Anh…cũng đã ngay lập tức lên tiếng hối thúc các bên hợp tác tìm ra lộ trình hướng tới phi hạt nhân hóa một cách “hòa bình, không thể đảo ngược và có thể xác minh”.
Đặc biệt, Trung Quốc - đồng minh truyền thống của Triều Tiên, vừa kêu gọi trân trọng những tiến bộ tích cực gần đây trên bán đảo Triều Tiên, hối thúc Washington và Bình Nhưỡng cần kiên nhẫn, thể hiện thiện chí, đồng thời nhấn mạnh quá trình giải quyết chính trị đang đứng trước một cơ hội lịch sử hiếm hoi.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn khẳng định, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là cần thiết để đảm bảo an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở St Petersburg, Phó chủ tịch Trung Quốc cho rằng, an ninh trên bán đảo Triều Tiên đã chạm tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng, bằng mọi giá cần tránh làm leo thang xung đột:
“Trung Quốc mong muốn đảm bảo hòa bình và ổn định, cũng như không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh. Đó là nguyên tắc của Trung Quốc”, ông Vương Kỳ Sơn nói.
Hiện dư luận lại tiếp tục chờ đợi các tuyên bố chính thức xoay quanh việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có được tổ chức hay không. Liệu Tổng thống Donald Trump có thêm lần nào nữa tuyên bố hủy cuộc gặp vốn được các bên đặt rất nhiều kỳ vọng này hay không.
Nhưng rõ ràng, một thực tế không thể phủ nhận, là mọi cuộc đối thoại hay đàm phán vẫn đều được hoan nghênh và được xem là giải pháp tối ưu nhất để tháo gỡ dần những bất đồng, mà trong trường hợp cụ thể này là quan hệ giữa Mỹ - Triều Tiên, rộng hơn là giữa các bên liên quan tới tình hình trên bán đảo Triều Tiên, thì điều này cũng không phải ngoại lệ.
Đó cũng chính là lý do tại sao, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lại đang được quốc tế dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đến vậy./.
Tổng thống Trump: Thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn có thể diễn ra theo dự kiến
Thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể vẫn diễn ra ngày 12/6 tại Singapore
Người dân Hàn Quốc nêu quan điểm về cuộc gặp Mỹ-Triều bị hủy bỏ