Thế giới 24h: Quan hệ Iran và Saudi Arabia căng như dây đàn
VOV.VN - Saudi Arabia vừa tuyên bố cắt đứt quan hệ với Iran, yêu cầu các nhân viên ngoại giao Iran phải rời khỏi nước này trong 48 giờ.
1, Ngày 3/1, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Adel al-Jubeir đã yêu cầu các nhân viên ngoại giao Iran phải rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ. Ông Adel al-Jubeir cho rằng, vụ tấn công vào đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran giống với chính sách của Iran là gây bất ổn khu vực bằng cách tạo nên “những phần tử khủng bố” ở Saudi Arabia.
Cảnh sát chống bạo động Iran đụng độ với người biểu tình gần Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran ngày 3/1. Ảnh: EPA. |
Còn Thứ trưởng ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian cho rằng việc Saudi Arabia tuyên bố cắt quan hệ với nước này sẽ không giúp che đậy được “sai lầm lớn do tử hình giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr”.
Trước đó, những người biểu tình Iran đã xông vào đốt phá đại sứ quán của Saudi Arabia tại Tehran để phản đối vụ tử hình giáo sĩ dòng Shiite, Sheikh Nimr al-Nimr hôm 2/1.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi xét xử những cá nhân cực đoan đã tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran và lãnh sự quán nước này ở thành phố Đông Bắc Mashhad song ông cũng lên án việc Saudi Arabia xử tử giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr.
Cùng ngày 3/1, phát biểu trước các giáo sỹ ở Tehran, lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei đã lên tiếng cảnh báo, các chính trị gia Saudi Arabia có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt đáp trả. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran bày tỏ thất vọng vì những nước ủng hộ tự do và dân chủ đã không lên tiếng sau vụ xử tử mà ông cho là vi phạm nhân quyền này.
Iran - Saudi Arabia: Vụ xử tử giáo sỹ chỉ là giọt nước tràn ly
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Iran và Saudi Arabia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhận định, chỉ có các cuộc đối thoại ngoại giao và đàm phán trực tiếp giữa 2 bên mới có thể giải quyết được vấn đề. Đại diện của chính phủ Mỹ cũng kêu gọi 2 nhà lãnh đạo 2 nước cần bình tĩnh hơn để giải quyết vấn đề.
2, Một trận động đất mạnh 6,7 độ richter xảy ra ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ, gần biên giới với Myanmar và Bangladesh sáng sớm 3/1 theo giờ địa phương, đã gây ra cảnh hỗn loạn tại khu vực này khi mọi người đổ ra đường lánh nạn.
Trận động đất phá hủy và làm đổ sập nhiều ngôi nhà. (ảnh: AFP). |
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, trận động đất đất xảy ra lúc 4h35’ sáng 4/1 (tức khoảng 23h5’ giờ GMT), ở vị trí cách thành phố Imphal của Ấn Độ khoảng 29 km về phía Tây - Tây - Bắc.
Theo AFP, trận động đất nói trên đã khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, đồng thời phá hủy và làm đổ sập nhiều ngôi nhà.
Deepak Shijagurumayum, một cư dân thành phố Imphal kể lại: “Trận động đất đã phá hỏng giấc ngủ của nhiều người. Mọi người đã khóc và cầu nguyện ngay trên những con phố. Hàng trăm người vẫn ở ngoài đường trong nhiều giờ đồng hồ vì lo ngại dư chấn của trận động đất”.
Người dân Ấn Độ bị hoảng loạn vì trận động đất 6,7 độ richter
3, IS ngày 3/1 đã tung video đe dọa nước Anh cùng với cảnh hành quyết 5 người chúng coi là “gián điệp” làm việc cho liên quân do Mỹ đứng đầu.
AFP dẫn lời Tập đoàn Tình báo SITE cho biết, trong đoạn video mà IS quay tại thủ phủ Raqqa của chúng ở Syria, 5 người nói trên mặc bộ quần áo màu da cam và quỳ trước 5 chiến binh IS đeo mặt nạ mặc quân phục và mang súng. Họ cũng đã thừa nhận tiến hành những hành vi do thám IS.
Phiến quân IS trong đoạn video mà chúng vừa tung ra. Ảnh AFP. |
5 người này cho biết, họ có trách nhiệm chuyển video và những hình ảnh về điều kiện sinh hoạt của IS ở Raqqa cũng như mọi hành tung của chúng cho sang Thổ Nhĩ Kỳ. Dù không nêu rõ họ làm việc cho ai những một trong số 5 người này có nhắc đến liên quân do Mỹ đứng đầu đang tham gia không kích IS ở Iraq và Syria.
Cũng trong đoạn video này, một chiến binh IS đã chỉ trích Thủ tướng Anh David Cameron vì đã dám thách thức IS và gọi ông là “thằng ngốc”.
Chiến binh này khẳng định, IS sẽ gây chiến với nước Anh trước khi các tay súng khác của IS rút súng bắn vào đầu 5 người bị coi là gián điệp nói trên.
4, Ngày 2/1, 4 tay súng đã đột nhập vào nhà riêng và sát hại bà Gisela Mota, Tân Thị trưởng của thành phố Temixco, Mexico mới nhậm chức 1 ngày trước đó.
Tân Thị trưởng của thành phố Temixco, Mexico, bà Gisela Mota, 33 tuổi, bị sát hại chỉ 1 ngày sau khi nhậm chức. (ảnh: Reuters). |
Vụ việc xảy ra vào lúc 7h sáng 2/1 tại thành phố Temixco - nơi cách khoảng 60 dặm (tương đương với 96km) về phía nam thành phố Mexico.
Trong số 4 tay súng tấn công bà Mota, cảnh sát đã bắn chết 2 tên và bắt giữ 2 tên còn lại. Hiện cảnh sát đang tiếp tục điều tra nguyên nhân bà Mota bị sát hại.
Bà Mota là thành viên Đảng Cách mạng Dân chủ cánh tả tại Mexico. Bà từng cam kết sẽ “dọn dẹp” sạch sẽ Temixco- một thành phố công nghiệp nơi các băng đảng ma túy và tội phạm có tổ chức hoành hành.
5, Chủ tịch đảng NLD tại Myanmar, bà Aung San Suu Kyi ngày 4/1 cho biết, tiến trình hòa bình sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với chính phủ mới.
Thủ lĩnh phe đối lập NLD, bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters. |
Chính phủ của bà San Suu Kyi dự kiến nhậm chức vào năm nay sau khi đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD) chiến thắng trong cuộc bầu cử vào hồi tháng 11/2015.
Bà Aung San Suu Kyi cho biết thêm, chính phủ mới sẽ cố gắng vì một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện. Lãnh đạo đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ Myanmar khẳng định, chính phủ sẽ không thể làm gì nếu đất nước không có hòa bình.
Hồi giữa tháng trước, đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ đối lập và 8 nhóm vũ trang sắc tộc tham gia thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ đã cam kết xây dựng lòng tin chung và sự hiểu biết lẫn nhau cũng như cùng hợp tác trong tiến trình hòa bình đất nước./.