Thế giới 24h: Trump cân nhắc vị trí Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Mỹ
VOV.VN - Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đang cân nhắc đề cử 2 ông Michael Flynn và Mitt Romney vào vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ.
1. Theo AP, ông Flynn, người từng giữ chức Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, đã tham gia cố vấn cho ông Trump về nhiều vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia trong vài tháng qua.
Ông Trump (phải) và ông Mitt Romney. Ảnh: Reuters
Nếu chấp thuận làm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông Flynn sẽ chuyển đến làm việc tại Nhà Trắng và sẽ thường xuyên có các cuộc trao đổi trực tiếp với Tổng thống. Vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ không đòi hỏi phải được Thượng viện thông qua.
Ông Flynn, người sẽ bước sang tuổi 58 vào tháng 12 tới, nổi danh trong quân đội Mỹ về tính chuyên nghiệp trong công tác tình báo và là người rất bộc trực.
Ông đã nghỉ hưu vào năm 2014 và thường xuyên chỉ trích gay gắt chính quyền của Tổng thống Barack Obama và Lầu Năm Góc vì các chính sách và cách tiếp cận của họ trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là cuộc chiến chống IS.
Tổng thống mới đắc cử Donald Trump dự định sẽ gặp ông Mitt Romney vào ngày 19/11 để bàn về khả năng mời ông Romney làm Ngoại trưởng Mỹ.
Cố vấn cao cấp của ông Trump, bà Kellyanne Conway cũng xác nhận rằng, cuộc gặp giữa ông Romney và ông Trump vẫn đang được sắp xếp: “Chúng tôi đang thu xếp việc này”.
Thượng nghị sĩ bang Alabama Jeff Sessions- một trong những người ủng hộ ông Trump nhiệt tình nhất và được coi là ứng viên tiềm năng cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ- nhận định: “Tôi cho rằng, việc Tổng thống mới đắc cử dự định gặp những người như ông Romney là một tín hiệu tốt lành”.
Ông Trump đề nghị tướng Flynn giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ
Tổng thống đắc cử Trump có thể tiến cử Mitt Romney làm Ngoại trưởng Mỹ
2. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, ông đã có “một cuộc thảo luận rất thẳng thắn” với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Trả lời phỏng vấn của báo giới sau cuộc gặp kéo dài khoảng 90 phút, Thủ tướng Nhật Bản cho biết, ông đã có cuộc trò chuyện “rất thẳng thắn” với ông Trump trong một “bầu không khí ấm cúng”, đồng thời bày tỏ tự tin về việc xây dựng một mối quan hệ dựa trên niềm tin với Tổng thống Mỹ sắp tới.
Ông Shinzo Abe (trái) trong cuộc gặp với ông Trump. Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Abe nhấn mạnh rằng, sau cuộc gặp với ông Trump, ông cảm thấy Mỹ và Nhật Bản có thể duy trì một mối quan hệ “có độ tin cậy” dưới thời của Tổng thống Mỹ tương lai.
“Tôi rất vinh dự khi được gặp Tổng thống đắc cử của Mỹ trước các nhà lãnh đạo thế giới khác. Liên minh Nhật – Mỹ là cốt lõi trục ngoại giao và an ninh của Nhật Bản. Liên minh này chỉ tồn tại khi có sự tin tưởng giữa chúng tôi”, ông Abe nói.
Thủ tướng Nhật Bản từ chối trả lời câu hỏi về việc ông và Tổng thống đắc cử Donald Trump có bàn về các vấn đề quốc phòng và những vướng mắc liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không. Tuy nhiên, ông Abe nhấn mạnh, “ông Trump là nhà lãnh đạo mà tôi có thể tin tưởng được”.
“Tôi bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề khác nhau, nhưng trước khi ông Trump chính thức đảm nhiệm chức vụ của mình, tôi muốn tránh đi vào chi tiết”, ông Abe nói.
Thủ tướng Nhật Bản hội đàm với Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump
3. Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (USCC) công bố một báo cáo gửi Quốc hội Mỹ, trong đó cảnh báo sự tăng cường quân sự của Trung Quốc có thể là nhằm sử dụng vũ lực để theo đuổi các lợi ích của mình và kêu gọi Chính phủ Mỹ điều tra ảnh hưởng của việc sử dụng các nguồn lực Trung Quốc đối với nền công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Hành động cải tạo đảo trái phép và xây dựng nhiều công trình quân sự phi pháp ở Biển Đông khiến rất nhiều nước trong khu vực quan ngại sâu sắc. Ảnh: Reuters |
Bản báo cáo hàng năm của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung cho rằng các hoạt động gián điệp của Trung Quốc đang ngày càng đe dọa tới an ninh quốc gia và kêu gọi Quốc hội ngăn chặn việc các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc thâu tóm các công ty Mỹ. Phản ứng hiện nay của Mỹ đối với những nguy cơ này là chưa đủ, do thiếu sự hợp tác đồng bộ trong cộng đồng tình báo Mỹ.
Theo Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, việc cải cách quân đội Trung Quốc đã gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự, gây lo ngại cho các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á.
Với tốc độ phát triển hiện nay, quân đội Trung Quốc sẽ sớm hoàn tất tàu sân bay tự đóng đầu tiên và có thể sử dụng vũ lực để bảo vệ các lợi ích của mình. Quốc hội cần ủng hộ việc tiến hành thường xuyên hơn nữa hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông.
Nga – Mỹ có thể thỏa hiệp về Syria và Ukraine dưới thời ông Trump
4. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17/11 thông qua việc kéo dài cuộc điều tra về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria thêm một năm nữa.
Các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc đang thu thập bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Ảnh: AP |
Phía Nga đã bày tỏ mong muốn mở rộng cuộc điều tra này để xem xét những mối đe dọa khủng bố bằng vũ khí hóa học ở khu vực này. Nhóm điều tra của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) do Hội đồng Bảo an thành lập cách đây một năm đã phát hiện ra quân đội Chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về 3 vụ tấn công sử dụng khí Clo và phiến quân Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng khí mustard.
Chính phủ Syria đã bác bỏ cáo buộc rằng quân đội của họ sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông này. Chính phủ Syria cũng đã hoàn tất việc phá hủy toàn bộ vũ khí hóa học tại nước này từ năm 2013
Anh, Pháp và Mỹ cùng một số thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khác bày tỏ hy vọng khởi động đàm phán về một dự thảo nghị quyết trừng phạt những bên phải chịu trách nhiệm về những vụ tấn công này.
Tuy nhiên, Nga, đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và là nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho rằng không thể sử dụng kết quả của cuộc điều tra để thúc đẩy hành động của Hội đồng Bảo an mà cần có cuộc điều tra của Chính phủ Syria về những cáo buộc này.
Ngoại trưởng Nga-Mỹ họp bàn về tình hình Ukraine, Syria
5. Ngày 17/11, Hội nghị về chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 22) diễn ra ở Morocco.
Ngoại trưởng Morocco Salaheddine Mezouar, kiêm Chủ tịch COP 22 thông báo, tất cả các đại biểu đã nhất trí ra tuyên bố chính thức, trong đó tái khẳng định sự ủng hộ Thỏa thuận Khí hậu Paris.
Ảnh minh họa: AP |
rường đoàn đàm phán nước chủ nhà Morocco Aziz Mekouar kêu gọi gần 200 chính phủ tăng cường ủng hộ các nỗ lực giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và có hành động mạnh mẽ để ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu trong ngành nông nghiệp.
Trong Tuyên bố của Hội nghị COP 22, các nước giàu tái xác định mục tiêu đến năm 2020 huy động 100 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh (từ nguồn vốn công và tư) để giúp các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận Khí hậu Paris được gần 200 quốc gia kí kết vào năm ngoái nhằm hạn chế mức nhiệt trái đất tăng không quá 2oC so với thời kì tiền công nghiệp bằng cách giảm khí thải, chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu từ chỗ phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, chiến thắng của ông Donald Trump tại cuộc bầu cử Mỹ vừa qua đã phủ bóng đen lên Thỏa thuận Khí hậu Paris./.