Thời gian tiếp tục thử thách sự nghiêm túc của Tehran
VOV.VN - Dù đã đạt được một bước quan trọng, tuy nhiên vấn đề hạt nhân Iran vẫn còn nhiều thách thức trong giai đoạn tiếp theo.
Phải kéo dài thêm một ngày nhưng cuộc họp chuyên gia của nhóm P5+1, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Iran thảo luận về thời điểm bắt đầu thực thi thỏa thuận hạt nhân mà Iran và P5+1 đạt được, đã kết thúc với kết quả “hữu ích”. Iran và IAEA sẽ gặp lại vào tháng 1 tới để tiếp tục thảo luận những giải pháp tích cực trong giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận hạt nhân.
Trưởng đoàn thanh sát hạt nhân Iran của IAEA Tero Varjoranta (phải) và Đại sứ Iran tại IAEA Raza Najafi trong một cuộc họp ở Vienna (Ảnh: AFP) |
Sau cuộc thảo luận kéo dài sang ngày thứ 3 ngoài dự tính, giới chức Iran và IAEA ngày 11/12 đã đạt được thỏa thuận sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 21/1 tới để giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Các bên tập trung vào thúc đẩy thỏa thuận đạt được tại Geneva tháng 11 vừa qua giữa Iran và P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức), theo đó Tehran sẽ ngừng hoặc hạn chế một số hoạt động hạt nhân trong vòng 6 tháng để đổi lấy việc các cường quốc phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Tại trụ sở của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế ở Vienna, Áo, Trưởng đoàn thanh sát hạt nhân Iran của IAEA Tero Varjoranta và Đại sứ Iran tại IAEA Raza Najafi ngày 11/12 đã có cuộc thảo luận tích cực. Hai bên xem xét lại tiến trình thực hiện 2 bước đầu tiên của thỏa thuận hợp tác gồm 6 bước mà Iran ký kết với IAEA, bao gồm việc IAEA tiếp cận hai cơ sở hạt nhân của Iran trong vòng 3 tháng.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp ông Varjoranta cho biết: “Chúng tôi đã có cuộc gặp hữu ích. Chúng tôi cũng bắt đầu thảo luận các bước hành động thực tiễn tiếp theo cho giai đoạn 2 của thỏa thuận hạt nhân. Các bên đều đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận tại cuộc gặp chuyên gia sẽ diễn ra vào ngày 21/1 tại Tehran”.
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và các cường quốc thế giới đã mở ra cánh cửa mới để giải quyết chương trình hạt nhân tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo sau 1 thập kỷ bế tắc. Tất cả các vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran sẽ được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của IAEA trong vòng 6 tháng và các bên sẽ tích cực đàm phán để đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Cụ thể, ngày 8/12, IAEA đã lần đầu tiên trong vòng hai năm qua tới thanh sát nhà máy hạt nhân nước nặng Arak, cơ sở có liên quan tới một lò phản ứng đang xây dựng của Iran mà phương Tây lo sợ có thể sản xuất plutonium phục vụ chế tạo bom nguyên tử.
Theo ông Varjoranta, các thanh sát viên IAEA sẽ tiếp tục tới thanh sát mỏ uranium Gchine trước ngày 11/2/2014, thời điểm Iran hoàn thành 6 bước trong thỏa thuận như đã ký kết. Các bước còn lại mà Iran cần thực hiện trong vòng 3 tháng là cung cấp thông tin về các lò phản ứng nghiên cứu mới, các nhà máy bổ sung làm giàu uranium, 16 cơ sở phục vụ các nhà máy điện hạt nhân và công nghệ làm giàu uranium bằng laser của nước này.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được đánh giá là bước đi đầu tiên nhằm giải quyết tình trạng đối đầu đầy nguy hiểm giữa các cường quốc phương Tây và nước Cộng hòa Hồi giáo trong suốt thập kỷ qua. Dù là một bước ngoặt quan trọng, song các bên đang phải đối mặt với những thách thức nội bộ để đi đến thỏa thuận toàn diện cuối cùng cho vấn đề hạt nhân Iran.
Trong tuyên bố ngay trước thềm cuộc gặp P5+1, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế và Iran, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã cảnh báo, thỏa thuận hạt nhân mới sẽ “chết” nếu như Quốc hội Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới, kể cả khi không có hiệu lực trong 6 tháng thực thi thỏa thuận.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh một số nghị sỹ hàng đầu của Thượng viện Mỹ cho biết đã sẵn sàng thông qua các biện pháp siết chặt cấm vận, nếu Tehran không thực hiện đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận mới.
Điều này đã vấp phải sự phản đối của chính quyền của Tổng thống Barack Obama, bởi việc thông qua các biện pháp trừng phạt mới sẽ gây khó khăn cho những nỗ lực ngoại giao mà Nhà Trắng đang theo đuổi nhằm giải quyết chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận, Nhà Trắng, cũng như các nghị sĩ Mỹ, vẫn còn nhiều hoài nghi về tính chân thật và nghiêm túc của Tehran. Ông cho rằng sự nghiêm túc của Iran sẽ được tiếp tục thử thách trong 3 tháng tới, giai đoạn cuối cùng trong thỏa thuận sơ bộ 6 tháng./.