Thông điệp ngày 2/11: Không dung thứ cho tội ác chống lại nhà báo
VOV.VN - Chính phủ các nước và nhiều tổ chức quốc tế đồng loạt lên tiếng kêu gọi bảo vệ nhà báo trước tình trạng bạo lực nhân ngày 2/11.
Ngày 2/11 là Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo và cũng tròn 1 tháng nhà báo Saudi Arabia bị giết hại, đang gây chấn động thế giới. Nhân ngày này, nhiều cơ quan của Liên Hợp Quốc, chính phủ các nước và nhiều tổ chức quốc tế đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi bảo vệ nhà báo trước tình trạng bạo lực, với thông điệp “không dung thứ cho các tội ác chống lại nhà báo”.
Nhà báo Jamal Khashoggi "mất tích" sau khi đi vào lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul ngày 2/10. Ảnh: AP
Tháp Eiffel của Pháp đêm qua đã tắt điện 1 phút để tưởng nhớ các nhà báo trên thế giới từng bị giết hại, đánh dấu bắt đầu Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo diễn ra trong hôm nay.
Nhiều phóng viên, nhà báo đã mang tới tháp Eiffel những bức hình của nhiều đồng nghiệp bị giết hại, trong đó có cả nhà báo Saudi Arabia Khashoggi – người mới bị sát hại ngay trong lãnh sứ quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ đúng 1 tháng trước.
Trong thông điệp ngày 2/11 năm nay, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các Chính phủ và cộng đồng quốc tế bảo vệ các nhà báo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các phóng viên nhà báo làm công việc “không thể thiếu” trên trái đất – một ngành nghề đáng được vinh danh. Ông Guterres bày tỏ lo ngại sâu sắc trước thực trạng gia tăng số vụ tấn công nhà báo cũng như có tới 90% số vụ vi phạm được áp dụng “quyền miễn trừ” và không bị trừng trị.
“Chỉ trong hơn một thập kỷ, hơn 1.000 nhà báo đã bị giết trong khi làm nhiệm vụ. 9 trong 10 trường hợp không được giải quyết và không ai chịu trách nhiệm.Các nhà báo nữ thường có nguy cơ bị nhắm mục tiêu không chỉ vì bài viết của họ về quyền của phụ nữ mà còn cả sự đe doạ bạo lực tình dục. Chỉ trong năm nay, ít nhất 88 nhà báo đã bị giết. Hàng ngàn người khác đã bị tấn công, quấy rối, giam giữ hoặc bị cầm tù mà không được xét xử”, Tổng thư ký Guterres nói.
Tuy nhiên, theo thống kê tổ chức phi chính phủ mang tên “Chiến dịch Tôn vinh Nhà báo” - Press Emblem Campaign (PEC) có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ vừa công bố thì trong 10 tháng qua, có tới 106 nhà báo và nhân viên các cơ quan truyền thông bị sát hại trong khi đang tác nghiệp tại 36 quốc gia trên thế giới. Theo tổ chức này, tính từ năm 2006 – 2017, trên thế giới, trung bình cứ khoảng 4 ngày lại có một nhà báo thiệt mạng vì bạo lực.
Thống kê cho thấy đa số nhà báo bị sát hại khi đang hoạt động tại các điểm nóng về xung đột vũ trang hoặc tội phạm gia tăng. Afghanistan, Syria, Iraq và Mexico là những quốc gia đứng đầu danh sách những quốc gia bị xem là nguy hiểm đối với tính mạng của nhà báo.
Vụ nhà báo bị sát hại: Phản ứng của phương Tây và các đồng minh Saudi
Nhân ngày 2/11, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) cũng phát động chiến dịch toàn cầu mang tên Truth Never Dies, tạm dịch là “Sự thật không bao giờ chết”, đã phối hợp với nhiều đối tác truyền thông lớn trên thế giới nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề này.
Tại thủ đô Beirut, Chính phủ Lebanon và UNESCO đồng tổ chức hội nghị với chủ đề “Tăng cường hợp tác khu vực nhằm chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác và tấn công nhà báo tại thế giới Arab”, với sự tham gia của nhiều nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, đại diện ngành tư pháp, lực lượng an ninh, các ủy ban nhân quyền, truyền thông và xã hội dân sự. Những sự kiện khác cũng diễn ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, Mỹ cùng nhiều thành phố lớn khác trên thế giới như Paris (Pháp), Oslo (Na Uy), Brussels (Bỉ), Islamabad (Pakistan) và Kabul (Afghanistan)…
Nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm cả Liên Hợp Quốc, Hội đồng châu Âu, Liên minh châu Âu, Tổ chức các nước châu Mỹ, Liên minh châu Phi… đã kêu gọi các nước trên thế giới áp dụng những biện pháp phòng ngừa, nhằm bảo vệ tính mạng của những người làm báo, thông qua luật pháp; đảm bảo điều tra hiệu quả và truy tố đến cùng các thủ phạm, đồng thời hỗ trợ các nạn nhân. Những tổ chức này cũng hối thúc các chính phủ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về đảm bảo an toàn cho nhà báo.
UNESCO cho rằng, bảo vệ các nhà báo là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với việc đạt được một trong những mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030, đó là mục tiêu tạo điều kiện để công chúng được tiếp cận thông tin, đồng thời bảo vệ những quyền tự do căn bản phù hợp với luật pháp của từng quốc gia cũng như các thỏa thuận quốc tế./.
Pháp có thể trừng phạt Saudi Arabia vì vụ nhà báo Khashoggi bị giết