Tình hình Libya phức tạp, EU sẵn sàng thực thi cấm vận vũ khí

Tình hình Libya phức tạp, EU sẵn sàng thực thi cấm vận vũ khí

VOV.VN - Tiếp tục các phản ứng từ quốc tế, Liên minh châu Âu hôm qua (29/4) tuyên bố sẵn sàng thực thi cấm vận vũ khí đối với Libya.

Tình hình tại Libya tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng quân đội miền Đông Libya (LNA) mới đây đã tuyên bố huỷ bỏ thoả thuận chính trị do Liên Hợp Quốc bảo trợ năm 2015 và khẳng định sẽ đứng ra điều hành đất nước.

Tiếp tục các phản ứng từ quốc tế, Liên minh châu Âu hôm qua tuyên bố sẵn sàng thực thi cấm vận vũ khí đối với quốc gia Arập Bắc Phi này.

libya_financial_times_easd.jpg
(Ảnh: Financial Times)

Hôm 29/4, người phát ngôn của Cơ quan đối ngoại châu Âu Peter Stano cho biết, hải quân Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng triển khai việc thực thi lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya trong những ngày tới. So với kế hoạch ban đầu, nhiệm vụ này đã bị trì hoãn gần 1 tháng do các bên liên quan chưa thống nhất được quốc gia đảm nhận quyền chỉ huy, cụ thể là giữa Hi Lạp và Italy.  

Hiện các quốc gia EU đã nhất trí việc trang bị tàu chiến, máy bay và vệ tinh cho 1chiến dịch mới có tên là Irini, theo tiếng Hi Lạp có nghĩa là hòa bình. Chiến dịch  này sẽ được thực thi với mục đích ngăn chặn dòng vũ khí tuồn vào Libya, nơi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận đang bị các lực lượng vũ trang miền Đông tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar tấn công.

Theo kế hoạch, một chiến hạm của hải quân Italy sẽ tới khu vực hoạt động - ở phía Đông Địa Trung Hải - trong những ngày tới.

Việc cấm vận vũ khí với Libya thời gian qua được quốc tế kêu gọi khi lực lượng miền Đông tiến hành cuộc tấn công quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli - nơi đóng trụ sở của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya. Nhiều quốc gia hậu thuẫn cho 2 bên đối địch Libya đã hỗ trợ nhiều khí tài quân sự, hòng giúp bên Libya mà họ hẫu thuẫn chiếm được lợi thế trên chiến trường.

Mới đây, Quyền Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Libya, bà Stephanie Williams nhận định, Libya đang dần trở thành chiến trường để thử nghiệm các loại vũ khí mới của các nước, đặc biệt là những loại súng trường và máy bay không người lái (UAV) đời mới…

Hiện thế giới cũng rất quan ngại về tình hình Libya khi mới đây Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng quân đội miền Đông Libya (LNA) mới đây đã tuyên bố huỷ bỏ thoả thuận chính trị do Liên Hợp Quốc bảo trợ năm 2015 và khẳng định sẽ đứng ra điều hành đất nước dựa theo nguyện vọng của người dân: “Chúng tôi đã hàng động theo nguyện vọng của nhân dân, để từ bỏ thỏa thuận chính trị “đáng ngờ”, vốn đã phá hủy quốc gia này. Theo nguyện vọng của người dân, chúng tôi sẽ lãnh đạo, điều hành quốc gia này. Đây là trách nhiệm và là gánh nặng , song trước Đức Allah, lương tâm và lịch sử của đất nước, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giảm bớt sự đau khổ của người dân, thực hiện nghĩa vụ của mình trước nhân dân”.

Liên Hợp Quốc và nhiều cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, Đức, Pháp,… đã phản đối tuyên bố này, cho đây là bước đi đơn phương, phá hủy các nỗ lực hòa giải bấy lâu nay của Liên Hợp Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên