Triển khai tên lửa ở Trường Sa, Trung Quốc “tự lấy đá ghè chân mình”?
VOV.VN - Theo chuyên gia Việt Nam, việc Trung Quốc đưa tên lửa ra các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh khu vực.
Truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc âm thầm triển khai tên lửa tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, động thái này của Trung Quốc ngay lập tức đã bị nhiều quốc gia lên tiếng phản đối.
Tên lửa chống hạm Ưng Kích 12 (YJ-12) của Trung Quốc. Ảnh: HO |
Khi sự kiện này đang diễn ra, VTC News có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an.
Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá hành động Trung Quốc triển khai tên lửa tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế và các cam kết mà Trung Quốc tham gia, đồng thời khẳng định rằng chính Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất từ hành động này.
- Trong thời gian gần đây có thông tin về việc Trung Quốc bí mật triển khai tên lửa đến các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, những nơi Trung Quốc thực hiện hoạt động bồi đắp trái phép trước đây.
Trước tiên phải khẳng định rằng trong giai đoạn từ 2013-2016, Trung Quốc thực hiện bồi đắp 7 hòn đảo tại quần đảo Trường Sa, Việt Nam là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 cũng như vi phạm cam kết của Trung Quốc trong Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) được ký năm 2002 giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, trong đó quy định không thay đổi hiện trạng và không làm phức tạp tình hình Biển Đông.
Phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) cũng nhắc đến 2 điểm quan trọng nhất: Thứ nhất, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để nêu yêu sách đối với vùng nước trong đường 9 đoạn. Thứ hai, Trung Quốc không có đảo nào ở khu vực này, 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép không được công nhận là đảo và vì thế Trung Quốc không có quyền thiết lập khu vực 200 hải lý đặc quyền kinh tế tại đây.
Trên các đảo nhân tạo này, Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự, 3 sân bay, các cảng quân sự, các nhà chứa tên lửa và các nhà chứa máy bay, đồng thời họ lắp thêm 4 radar tần số cao phục vụ mục đích quân sự, đặc biệt là radar tại đá Châu Viên nằm ở cực nam của quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Các radar tần số cao này phục vụ mục đích quân sự chứ không phải phục vụ cho mục đích dân sự.
Bắc Kinh hoàn tất việc bồi đắp trái phép và xây dựng trái phép các cơ sở phục vụ mục đích quân sự tại quần đảo Trường Sa, Việt Nam thì động thái tiếp theo họ sẽ làm là triển khai khí tài quân sự tại khu vực này, trong đó có tên lửa và sắp tới có thể họ triển khai máy bay chiến đấu tại đây.
Mỹ cảnh báo những hệ lụy việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông
- Tuy nhiên trước đó Bắc Kinh có tuyên bố rằng sẽ không quân sự hóa khu vực Biển Đông.
Ngày 25/9/2015, trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Barrack Obama thì ông Tập tuyên bố trong cuộc họp báo rằng Trung Quốc không thực hiện hành động quân sự hóa Biển Đông.
Thế nhưng hành động triển khai tên lửa tại quần đảo Trường Sa, Việt Nam này của Trung Quốc, cùng nhiều hành động phi pháp khác của họ tại đây cho thấy Bắc Kinh đi ngược lại cam kết của chính họ, do đó điều này khiến cộng đồng quốc tế đánh giá Trung Quốc “nói một đằng làm một nẻo”.
- Mỹ và một số quốc gia khác có phản ứng gần như ngay lập tức sau khi có thông tin về việc Trung Quốc âm thầm triển khai tên lửa tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, điều này khiến nhiều nghi vấn được đặt ra có hay không sự hiện diện thường xuyên hơn của các lực lượng quân sự từ các quốc gia không có liên quan trực tiếp đến tranh chấp tại đây.
Hành động vi phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại cam kết của Trung Quốc như vậy khiến cộng đồng quốc tế giảm lòng tin vào Bắc Kinh, nhưng điều này có dẫn đến việc tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông của các quốc gia khác không có liên quan trực tiếp đến tranh chấp tại đây hay không là vấn đề khác.
Theo tôi nhận định, các quốc gia ASEAN không đủ sức để đối phó được với Trung Quốc, lực lượng quan trọng nhất có thể trở thành đối trọng với Trung Quốc tại đây lại là Mỹ. Động thái của Bắc Kinh bị cộng đồng quốc tế, trong đó có Washington phản đối. Nhưng việc hành xử như thế nào, đáp trả như thế nào đối với động thái của Trung Quốc, có đáp trả quân sự hay không thì chưa thể khẳng định chắc chắn được mà phải chờ vào diễn biến tiếp theo của tình hình tại đây.
Thế nhưng cần phải nhận định rằng Mỹ hiện tại đang mắc kẹt ở nhiều vấn đề trên thế giới, nói riêng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì có vấn đề Triều Tiên mà trong vấn đề này Mỹ đang trở nên yếu thế trong khi vị thế của Trung Quốc được tăng cường; tiếp đến là tranh chấp chủ quyền tại quần đảo tại biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, tranh chấp này cũng có liên quan tới Mỹ; tiếp đến vấn đề ở khu vực eo biển Đài Loan và cuối cùng là khu vực Biển Đông.
Ngoài ra còn cần phải xem xét việc Mỹ có lợi ích gắn bó với Trung Quốc, do đó việc Mỹ có tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông, cụ thể là đưa các chiến hạm, tàu ngầm, tàu sân bay… tới khu vực này hay không thì phụ thộc vào việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc về lợi ích của Mỹ trên toàn diện các vấn đề hiện có tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Mỹ lo ngại về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông
Tuy nhiên có thể khẳng định rằng việc Trung Quốc đưa tên lửa ra các đảo mà họ bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa, Việt Nam bị cộng đồng quốc tế phản đối. Trước những hành động sai trái này của Trung Quốc như vậy thì điều quan trọng là sự phản đối của cộng đồng quốc tế chứ không nên trông chờ vào Mỹ, dù cho có thể Washington có thể có động thái nào đó. Còn chắc chắn hành động triển khai tên lửa này của Trung Quốc rõ ràng làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông.
- Trong Văn kiện Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc có khẳng định về tham vọng đưa quân đội Trung Quốc thành quân đội hàng đầu thế giới, có trùng hợp hay không khi thời gian này Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự tại lãnh thổ nước ngoài.
Thực ra thì Trung Quốc vốn có tham vọng trở thành cường quốc số 1 thế giới từ lâu, chứ không phải đến Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì vấn đề này mới được bàn luận. Nghị quyết của Đại hội 12 Đảng Cộng sản Trung Quốc có bàn đến việc này rồi. Tham vọng trở thành siêu cường của Trung Quốc tất nhiên bao gồm việc bành trướng về mặt quân sự.
Trung Quốc có triển khai và thiết lập căn cứ quân sự ngoài lãnh thổ nước mình, đầu tiên là căn cứ quân sự ở Djibouti, quốc gia nằm ở cửa ngõ Biển Đỏ, trên con đường hàng hải dẫn vào kênh đào Suez của Ai Cập. Khu vực Trường Sa, Việt Nam là khu vực lãnh thổ nước ngoài thứ 2 mà Bắc Kinh có triển khai hiện diện quân sự.
Tôi cho rằng hoạt động triển khai quân sự của Trung Quốc tại các vùng lãnh thổ nước ngoài là động thái cần được các quốc gia trong khu vực ASEAN, cũng như các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… hết sức cảnh giác và sẵn sàng có các biện pháp đối phó.
- Động thái này của Bắc Kinh gây ảnh hưởng đến tình hình của khu vực và thế giới, nhưng có ý kiến cho rằng chính Trung Quốc mới là quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất khi thực hiện động thái này.
Tất cả các hành động quân sự của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông đều gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh của cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khi Bắc Kinh bất chấp mọi luật lệ và cam kết để thực hiện các hành động phi pháp tại Trường Sa, Việt Nam nói riêng thì họ cũng sẵn sàng làm điều tương tự tại các nơi khác trên thế giới.
Xét về góc độ chiến lược, tôi cho rằng Trung Quốc nên dừng ngay lập tức những hành động phi pháp này. Hành động như vậy của Bắc Kinh chỉ làm bộc lộ dã tâm độc chiếm Biển Đông và hành động này cũng thể hiện rằng Trung Quốc không hề “trỗi dậy hòa bình” như họ cam kết trước đó.
Các Ngoại trưởng G7 ra tuyên bố mạnh mẽ về Biển Đông
Đây là hành động lấy đá tự ghè vào chân mình của Trung Quốc, khi Bắc Kinh thể hiện rõ ý đồ bành trướng và rất khó để các quốc gia khác tin Trung Quốc khi nước này phản bội lại các cam kết trước đó của mình.
Tôi cho rằng hành động triển khai tên lửa của Trung Quốc trên các hòn đảo mà nước này bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa, Việt Nam lại gây thiệt hại lớn nhất cho Trung Quốc chứ không phải là quốc gia nào khác, mà cụ thể là kế hoạch “một vành đai, một con đường” mà Bắc Kinh khởi xướng.
Những hành động này sẽ khiến các quốc gia có ý định tham gia kế hoạch này của Trung Quốc sẽ phải cân nhắc lại, bởi Bắc Kinh tuyên bố rằng “một vành đai, một con đường” sẽ mang lại ích cho mọi quốc gia tham gia vào đó nhưng trong động thái khác, Trung Quốc lại có hành động bất chấp luật pháp và quốc tế tại Biển Đông khiến các quốc gia trở nên cảnh giác hơn với Trung Quốc.
- Xin cảm ơn ông!
Australia quan ngại Trung Quốc triển khai tên lửa tại Trường Sa
Việt Nam phản đối hoạt động của Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa