Triều Tiên là chủ đề của Đối thoại an ninh và ngoại giao Mỹ - Trung
VOV.VN - Trong phiên thảo luận, giới chức hai nước đã thảo luận hàng loạt các vấn đề từ chương trình hạt nhân Triều Tiên, tranh chấp Biển Đông...
Trong phiên Đối thoại an ninh và ngoại giao Mỹ - Trung lần đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Washington, giới chức hai nước đã thảo luận hàng loạt các vấn đề từ chương trình hạt nhân Triều Tiên, tranh chấp Biển Đông, hợp tác chống khủng bố, thúc đẩy quan hệ quân sự. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn là chủ đề nóng nhất khi Mỹ đề nghị Trung Quốc gia tăng sức ép ngoại giao và kinh tế nhằm buộc Bình Nhưỡng phải chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình.
Đối thoại Mỹ- Trung theo cơ chế mới. |
Đối thoại an ninh - ngoại giao Mỹ - Trung theo cơ chế 2+2 với sự tham gia của Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Ngoại trưởng, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã diễn ra ngày 21/6 tại thủ đô Washington.
Phiên đối thoại này diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thuyết phục Triều Tiên kiềm chế chương trình hạt nhân đã thất bại. Đồng thời, các thông tin của tình báo Mỹ cùng ngày cũng cho biết đã phát hiện nhiều động thái mới tại bãi thử hạt nhân ngầm của Triều Tiên
Phát biểu trong cuộc họp báo sau Đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, cả hai nước nhất trí kêu gọi phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên. Ông Tillerson cũng khẳng định Mỹ đang gây sức ép đối với Trung Quốc, buộc nước này gia tăng áp lực về ngoại giao và kinh tế nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
“Chúng tôi đã nhắc lại với Trung Quốc rằng họ có trách nhiệm ngoại giao gây áp lực kinh tế và ngoại giao hơn nữa lên chính quyền Triều Tiên nếu họ muốn ngăn chặn căng thẳng gia tăng ở khu vực. Cho dù đó là rửa tiền, tống tiền người Hàn Quốc ở nước ngoài hay hoạt động tin tặc thì Triều Tiên cũng liên quan đến hàng loạt các tập đoàn tội phạm hiện đang hỗ trợ tài chính cho chương trình hạt nhân. Chúng tôi phải tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn dòng tiền này”, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nói.
Ngay trước phiên họp, giới chức Mỹ cũng khẳng định tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào một số công ty của Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan đến các chương trình hạt nhân của Triều Tiên bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Ngoài ra, Mỹ cũng tuyên bố có thể gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên ví dụ như cấm vận dầu mỏ, cấm bay đối với hàng hàng không quốc gia Triều Tiên, các động thái vốn bị Nga và Trung Quốc phản đối.
Bên cạnh Triều Tiên, phiên đối thoại đầu tiên này cũng thảo luận một số vấn đề khác như tranh chấp Biển Đông, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, thúc đẩy quan hệ quân sự Mỹ - Trung. Về Biển Đông, phía Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do lưu thông cũng như ủng hộ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp hiện nay.
Phát biểu sau Đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định nước này sẽ tiếp tục thực hiện tự do lưu thông tại khu vực: “Trong khi chúng tôi duy trì đối thoại cởi mở về vấn đề này, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tự do hàng không, hàng hải ở bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Phiên đối thoại ngày 21/6 là phiên đối thoại đầu tiên theo cơ chế mới được lãnh đạo hai nước nhất trí trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ tháng 4 vừa qua.
Theo giới chức Mỹ, Đối thoại an ninh và ngoại giao Mỹ - Trung tập trung cụ thể vào các vấn đề an ninh, không thảo luận quá rộng sang các chủ đề khác. Hình thức đối thoại mới sẽ giúp giới chức Mỹ có thể tiếp cận trực tiếp với giới hoạch định chính sách của Trung Quốc, có thể đem lại những kết quả cụ thể.
Trước phiên đối thoại, giới chức Mỹ khẳng định chương trình hạt nhân Triều Tiên và tranh chấp Biển Đông là hai vấn đề quan trọng đối với cả Trung Quốc và Mỹ cũng như không có mối liên quan nào. Mặc dù vậy, một số ý kiến của giới chuyên gia Mỹ cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump không nêu bật tranh chấp Biển Đông để đổi lấy sức ép của Trung Quốc lên vấn đề Triều Tiên./.