Trump nổi giận với Putin vì vụ tấn công hóa học tại Syria

VOV.VN -Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi thẳng tên người đồng cấp Nga Putin, với lời cảnh báo "phải trả giá đắt" vì hỗ trợ chính quyền Syria Bashar al-Assad.

Viết trên trang Twitter cá nhân ngày 8/4, Tổng thống Trump không giấu sự giận dữ trước hình ảnh những đứa trẻ đang được cấp cứu sau một vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Các nhà hoạt động tại Syria trước đó 1 ngày nói rằng, các trực thăng quân đội Syria đã thả nhiều quả bom chứa khí độc xuống thị trấn Douma ở gần thủ đô Damascus do lực lượng phiến quân kiểm soát.

Hình ảnh trẻ em là nạn nhân trong vụ tấn công bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Douma. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Theo thông báo chung của tổ chức cứu hộ White Helmets và Nhóm từ thiện Y tế xã hội Mỹ tại Syria, vụ tấn công đã làm 48 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là người dân thường. Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Syria dẫn “một nguồn tin chính thức” đã bác bỏ những thông tin này.

Thông tin về vụ tấn công hóa học mới tại Syria xuất hiện vào thời điểm cách đây đúng 1 năm, khi đích thân Tổng thống Trump ra lệnh bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân al-Shayrat của Syria ở gần thành phố Homs, nơi có cả lực lượng Nga đồn trú. Đây được xem là đòn tấn công đáp trả của Mỹ nhằm vào cuộc tấn công hóa học xuống Idlib, Syria, hôm 4/4/2017. Khoảng 100 người, trong đó có hàng chục trẻ em, có dấu hiệu nhiễm chất độc thần kinh đã tử vong sau đó.

Chính phủ Mỹ tin rằng hóa chất được sử dụng trong vụ tấn công Idlib hôm 4/4/2017 là chất độc thần kinh sarin, vốn bị cấm dùng trong các cuộc xung đột, và cho rằng vụ tấn công được thực hiện bởi lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, chính quyền Damascus phủ nhận cáo buộc này và đổ trách nhiệm cho quân nổi dậy.

Trump nổi giận với Putin

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đích danh Tổng thống Nga Putin trong một bài viết trên Twitter cá nhân. Bài đăng giận dữ không ngần ngại nhắm thẳng vào ông Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

“Rất nhiều người đã chết, trong đó có phụ nữ và trẻ em, trong vụ tấn công HÓA HỌC mất trí tại Syria... Tổng thống Putin, Nga và cả Iran phải chịu trách nhiệm vì đã hỗ trợ chế độ al-Assad. Một cái giá đắt sẽ phải trả... ”, ông Trump viết trên Twitter.

Tổng thống Mỹ đã gọi vụ tấn công hóa học này là “bệnh hoạn”, đồng thời cáo buộc cả chính sách từ thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama gây ra hậu quả tại Syria.

“Nếu Tổng thống Obama vạch ra “Ranh giới đỏ”, thảm kịch tại Syria đã kết thúc từ lâu rồi!”, ông Trump nhấn mạnh.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng lên tiếng về vụ việc này, nhấn mạnh ông và Tổng thống Trump đang theo dõi chặt chẽ tình hình và giám sát vụ việc dường như là một vụ tấn công hóa học này.

Theo kế hoạch, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ sẽ họp “nhóm nhỏ” trong chiều ngày 9/4 (theo giờ Washington) để thảo luận tình hình Syria. Cuộc họp sẽ do cố vấn an ninh quốc gia mới John Bolton chủ trì. Đây cũng sẽ là ngày làm việc đầu tiên của ông Bolton trên cương vị mới.

Chiêu bài cũ lặp lại?

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng dự kiến có cuộc họp khẩn cấp trong ngày 9/4 để làm rõ cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. CNN dẫn nguồn tin ngoại giao Liên Hợp Quốc cho biết, Nga cũng sẽ triệu tập một cuộc họp riêng rẽ của Hội đồng Bảo an cùng ngày về vấn đề này.

Trước các thông tin về vụ tấn công hóa học và chỉ trích không ngừng từ Mỹ, chính quyền Syria của Tổng thống al-Assad và các đồng minh thân cận là Nga và Iran đã ngay lập tức bác bỏ mọi cáo buộc, cũng như sự liên quan tới vụ việc này.

Có thể thấy kịch bản của vụ tấn công hóa học tại Idlib cách đây 1 năm đang lặp lại. Đáp trả cáo buộc đứng sau vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Douma từ Mỹ và các đồng minh phương Tây, thì Syria và Nga cho rằng chính lực lượng phiến quân tại Douma đã dàn dựng vụ tấn công này để cản trở những bước tiến của quân đội Syria đang tiến tới giải phóng hoàn toàn khu vực này.

Với vụ việc lần này, Syria và Nga cho rằng lực lượng phiến quân đang cố tình khiêu khích để “cộng đồng quốc tế can thiệp quân sự”. Phía Nga cảnh báo sự khiêu khích này là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng nhất.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, thông tin về vụ tấn công hóa học tại Douma là “một trò chơi khăm” nhằm gây trở ngại cho thỏa thuận chấm dứt xung đột tại Douma cũng như nỗ lực sơ tán người dân thường và thậm chí là sơ tán các tay súng Jaish al-Islam Jaish al-Islam cũng gia đình họ.

“Thông tin về các vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học hay các chất độc hóa học do chính phủ Syria tiến hành lại xuất hiện. Lại một “mưu đồ” nữa về tấn công vũ khí hóa học tại Douma. Trước đây, chúng tôi đã rất nhiều lần cảnh báo về những hành động khiêu kích nguy hiểm này. Cáo buộc này là những phỏng đoán vô căn cứ, nhằm tạo lá chắn bảo vệ cho khủng bố và những nhóm đối lập không thể hòa giải tại Syria”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Iran cũng ngay lập tức có phản ứng, gọi cáo buộc chính quyền Syria đứng sau vụ tấn công hóa học tại Douma là không đúng thực tế.

Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bahram Qasemi khẳng định: “Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí hóa học tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Những cáo buộc về vụ tấn công tại Syria là hoàn toàn không đúng với thực tế”.

Thảm kịch tấn công hóa học Douma?

Các nhà hoạt động đối lập Syria đã cáo buộc các trực thăng của quân đội Tổng thống al-Assad đã ném nhiều quả bom có chứa chất độc hóa học xuống Douma, thị trấn tại Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus. Đây cũng là khu vực cuối cùng nằm trong tay lực lượng phiến quân đội lập. Giải phóng Douma, đồng nghĩa với giải phóng hoàn toàn Đông Ghouta, một chiến thắng lớn nữa của chính quyền Syria kể từ sau chiến thắng tại Aleppo.

Theo các nhà hoạt động đối lập, ít nhất 48 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công hóa học này và khoảng 500 người khác có những triệu chứng bị phơi nhiễm với khí độc hóa học.

Liên tiếp các hình ảnh trẻ em đang được triều trị với những triệu chứng bị nhiễm chất độc hóa học được tung lên mạng internet. Truyền thông phương Tây đã liên tục đăng lên hình ảnh những nạn nhân đã thiệt mạng hay những người bị thương với những triệu chứng của nhiễm chất độc hóa học.

Các nhóm hoạt động đối lập, các tổ chức nhân đạo như White Helmets và Nhóm từ thiện Y tế xã hội Mỹ tại Syria... cho biết, con số thương vong trong vụ tấn công này sẽ còn tăng cao.

CNN dẫn lời các bác sĩ thuộc Liên minh Y tế và các tổ chức cứu trợ tại Đông Ghouta xác nhận rằng, họ đã thấy những người bệnh co giật không kiểm soát và không có phản ứng...

Sau khi có thông tin về vụ tấn công hóa học, kênh truyền hình nhà nước Syria ngày 8/4 cho biết, chính phủ Syria đã đạt được một thỏa thuận với Jaish al-Islam, nhóm phiến quân cuối cùng tại Douma, theo đó lực lượng này sẽ rút đi trong vòng 48 giờ tới.

Các thành viên Jaish al-Islam sẽ di chuyển tới Jarablus, phía Bắc Syria, như một phần của thỏa thuận. Đổi lại, Jaish al-Islam sẽ trả tự do cho toàn bộ những người mà lực lượng này giam giữ tại Douma.

Kênh truyền hình nhà nước Syria cũng phát đi hình ảnh những đoàn xe buýt chở lực lượng Jaish al-Islam và gia đình họ rời khỏi Douma vào cuối ngày 8/4.

Trước đó, thỏa thuận ngừng bắn và sơ tán giữa Jaish al-Islam với Nga đã sụp đổ ngày 7/4 và quân đội Syria đã khôi phục các đợt không kích tại khu vực này. Đáp trả nhóm Jaish al-Islam đã nã đạn pháo vào thủ đô Damascus.

Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương khi quân đội Syria phát động chiến dịch giải phóng Đông Ghouta. Theo Liên Hợp Quốc, hơn 130.000 đã sơ tán khỏi Đông Ghouta trong tháng trước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ tuyên bố không tiến hành không kích tại Syria vào thời điểm này
Mỹ tuyên bố không tiến hành không kích tại Syria vào thời điểm này

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 8/4 tuyên bố nước này không tiến hành cuộc không kích tại Syria vào thời điểm này, trong bối cảnh có cáo buộc về tấn công hóa học.

Mỹ tuyên bố không tiến hành không kích tại Syria vào thời điểm này

Mỹ tuyên bố không tiến hành không kích tại Syria vào thời điểm này

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 8/4 tuyên bố nước này không tiến hành cuộc không kích tại Syria vào thời điểm này, trong bối cảnh có cáo buộc về tấn công hóa học.

Tổng thống Mỹ Trump dọa trả đũa vụ tấn công hóa học ở Syria
Tổng thống Mỹ Trump dọa trả đũa vụ tấn công hóa học ở Syria

Ông Trump hôm 8/4 tuyên bố Syria sẽ "phải trả giá đắt" sau khi chính phủ nước này bị cáo buộc tấn công hóa học ở Đông Ghouta ngày 7/4.

Tổng thống Mỹ Trump dọa trả đũa vụ tấn công hóa học ở Syria

Tổng thống Mỹ Trump dọa trả đũa vụ tấn công hóa học ở Syria

Ông Trump hôm 8/4 tuyên bố Syria sẽ "phải trả giá đắt" sau khi chính phủ nước này bị cáo buộc tấn công hóa học ở Đông Ghouta ngày 7/4.

Căn cứ không quân Syria bị tấn công tên lửa
Căn cứ không quân Syria bị tấn công tên lửa

VOV.VN - Theo truyền thông địa phương, căn cứ không quân T-4 của Syria ở tỉnh Homs vừa bị tấn công tên lửa, nghi là do Mỹ tiến hành.

Căn cứ không quân Syria bị tấn công tên lửa

Căn cứ không quân Syria bị tấn công tên lửa

VOV.VN - Theo truyền thông địa phương, căn cứ không quân T-4 của Syria ở tỉnh Homs vừa bị tấn công tên lửa, nghi là do Mỹ tiến hành.

Cuộc chiến Syria dưới góc nhìn của những người Mỹ trên thực địa
Cuộc chiến Syria dưới góc nhìn của những người Mỹ trên thực địa

VOV.VN - Việc ông Trump để ngỏ khả năng rút quân khỏi Syria đang gây ra những phản ứng trái chiều, đặc biệt trong bộ phận những người trực tiếp tham chiến.

Cuộc chiến Syria dưới góc nhìn của những người Mỹ trên thực địa

Cuộc chiến Syria dưới góc nhìn của những người Mỹ trên thực địa

VOV.VN - Việc ông Trump để ngỏ khả năng rút quân khỏi Syria đang gây ra những phản ứng trái chiều, đặc biệt trong bộ phận những người trực tiếp tham chiến.