Trung Quốc chuẩn bị phóng “Mặt trăng nhân tạo” lên quỹ đạo
VOV.VN - Dự án nghiên cứu khoa học vũ trụ có tên là “Ánh trăng nhân tạo” của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được hoàn thành vào năm 2022.
Theo kế hoạch nghiên cứu, vệ tinh đầu tiên của dự án “Ánh trăng nhân tạo” sẽ được thực hiện phóng lên quỹ đạo và triển khai kiểm nghiệm thực tế hệ thống chiếu sáng vào năm 2020, đến năm 2022 cả 3 vệ tinh của “Ánh trăng nhân tạo” sẽ được phóng lên quỹ đạo và triển khai trình diễn thực nghiệm kiểm chứng tổng thể hệ thống chiếu sáng.
(Ảnh minh họa: Shutterstock)
"Mặt trăng nhân tạo" của Trung Quốc là một nhóm vệ tinh mang những tấm gương không gian rộng lớn, có thể phản chiếu ánh sáng mặt trời đến với Trái Đất. Ánh sáng mặt trời phản xạ có thể bao phủ diện tích từ 3.600 km2 đến 6.400 km2, và cường độ chiếu sáng dự kiến gấp tám lần ánh sáng mặt trăng thực.
“Các công nghệ cốt lõi và vật liệu kỹ thuật cơ bản của chúng tôi hiện tại đều đã đạt độ thành thục rất cao và hội đủ các điều kiện phát triển cho giai đoạn triển khai kiểm chứng trình diễn hệ thống” - ông Wu Chunfeng, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học hệ thống Tianfu Xinqu (Trung tâm nghiên cứu khoa học vũ trụ tại Thành Đô, Tỉnh Tứ Xuyên) một trong những đơn vị nghiên cứu tham gia dự án này cho biết.
Mặt trăng quay quanh Trái đất cách Trái đất khoảng 380.000 km, trong khi mặt trăng nhân tạo được dự kiến sẽ được đặt trên một quỹ đạo trong vòng 500 km từ Trái Đất.
Trước lo ngại liệu ánh trăng nhân tạo có làm gián đoạn chu kỳ ngày đêm bình thường của động vật và thực vật hay không, Wu cho biết cường độ ánh sáng và thời gian chiếu sáng có thể điều chỉnh được và phạm vi chiếu sáng có thể được kiểm soát chính xác trên đơn vị mét.
“Sử dụng mặt trăng nhân tạo để chiếu sáng một khu vực 50 km2 có thể tiết kiệm 1,2 tỷ nhân dân tệ tiền chi phí điện mỗi năm. Nó cũng có thể chiếu sáng các khu vực bị mất điện khi thiên tai như động đất xảy ra” - Wu nói.
Năm 1999, Nga đã thực hiện một dự án nghiên cứu có tên gọi là “Banner”, thử nghiệm ý tưởng sử dụng gương để phản chiếu ánh sáng mặt trời đến với Trái Đất. Gương không thể mở ra trong không gian và dự án nghiên cứu đã bị dừng lại.
Ông Wu cho biết thêm: “Hiện nay Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản và EU đều đang phấn đấu nghiên cứu để tạo ra những đột phá công nghệ về ứng dụng năng lượng không gian”./. Trung Quốc phóng thành công hai vệ tinh định vị Bắc Đẩu