Trung Quốc đưa máy bay quân sự trái phép ra Đá Subi ở Trường Sa
VOV.VN - Ảnh vệ tinh đã tố cáo việc Trung Quốc đưa máy bay quân sự tới đường băng xây dựng phi pháp ở Đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sputnik ngày 11/5 đưa tin, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) mới đây đã công bố bức ảnh vệ tinh cho thấy máy bay vận tải quân sự Y-8 Trung Quốc đỗ trên đường băng mà nước này ngang nhiên xây dựng phi pháp ở Đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một chiếc máy bay vận tải quân sự Shaanxi Y-8 đang đậu trên đường băng Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Subi. Ảnh: AMTI
“Với những động thái triển khai này, máy bay quân sự hiện đã hạ cánh trên cả 3 sân bay Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa”, AMTI trong một thông báo đưa ra hôm qua (10/5) cho biết.
Cũng theo AMTI, các cơ sở dân sự và quân sự mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Subi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập kết nối nhóm đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông hiện đã gần hoàn thành sau nhiều năm xây dựng.
Trung Quốc thời gian qua đã bất chấp dư luận quốc tế, ngang nhiên tiến hành bồi lấp trái phép 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trên đó.
Những hình ảnh cực kỳ chi tiết do vệ tinh chụp được ngày 28/4 cho thấy, một chiếc máy bay quân sự Shaanxi Y-8 đang đỗ trên đường băng do Trung Quốc xây trái phép trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Y-8 là máy bay vận tải quân sự nhưng một số phiên bản có thể sử dụng để vận chuyển trực thăng, chống ngầm và do thám. Loại máy bay này được Trung Quốc phát triển dựa trên thiết kế của máy bay Antonov An-12 do Liên Xô chế tạo và có thể so sánh với chiếc C-130 Hercules của Mỹ.
Theo AMTI, những động thái của Trung Quốc ở Đá Subi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập cho thấy Trung Quốc có tham vọng theo đuổi mô hình họ từng thực hiện phi pháp ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Cụ thể, đầu tiên là hoạt động nạo vét các rạn san hô, tiếp theo là xây dựng sân bay, đưa máy bay ra những sân bay này và sau đó là thiết lập hệ thống radar, thông tin liên lạc và cơ sở hạ tầng truyền thông. Ở đảo Phú Lâm, như những gì thế giới đã được chứng kiến, “Trung Quốc đã triển khai HQ-9 [tên lửa phòng không tầm xa] và tên lửa hành trình diệt hạm YJ-62”, AMTI cho hay.
Ngoài máy bay, các thông tin tình báo cũng cho rằng, Trung Quốc đã lắp đặt các thiết bị gây nhiễu quân sự ở đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Mạng tin tức CNBC hôm 3/5 dẫn nguồn tin tình báo cho biết Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa hành trình diệt hạm và hệ thống tên lửa đất đối không trên 3 tiền đồn mà Bắc Kinh cải tạo phi pháp ở Biển Đông.
Cụ thể, các loại tên lửa được Trung Quốc triển khai bao gồm tên lửa hành trình diệt hạm YJ-12B có khả năng tấn công các tàu trong phạm vi 295 hải lý. Ngoài ra còn có tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B có thể đánh trúng các mục tiêu là máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 160 hải lý. Việt Nam lên tiếng về thông tin Trung Quốc bố trí tên lửa ở Trường Sa
Ngày 8/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin trên báo chí nước ngoài liên quan đến việc Trung Quốc bố trí tên lửa tại các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hết sức quan ngại trước các thông tin nêu trên và khẳng định mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực và không có lợi cho nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiện nay.
“Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh./. Mỹ cảnh báo những hệ lụy việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông