Từ Madrid đến Manchester: Khủng bố vẫn “rình rập” châu Âu
VOV.VN -Các thành phố châu Âu đã và đang trở thành tâm điểm tấn công khủng bố của những phần tử cực đoan.
Madrid, London, Paris, Brussels, Berlin, Stockhom và nay là Manchester? Các thành phố châu Âu đã và đang trở thành tâm điểm tấn công khủng bố của những phần tử cực đoan. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về phần lớn các cuộc tấn công khủng bố đã xảy ra tại châu Âu trong những năm gần đây.
Anh: 2005, 2007, 2013, 2016, 2017
Nước Anh lại một lần nữa "rung chuyển” khi vụ đánh bom liều chết tại buổi hòa nhạc của ca sỹ Ariana Grande vào tối 22/5 tại thành phố Manchester đã khiến 22 nạn nhân thiệt mạng và với hàng chục người bị thương, trong đó có cả trẻ em.
Ảnh: SWNS.com. Cô bé Saffie Rose Roussos (8 tuổi) là một trong nạn nhân xấu số trong cuộc đánh bom khủng bố tại Manchester vào ngày 22/5. |
Cùng ngày này hai tháng trước, tại thủ đô London, một kẻ khủng bố đã rồ ga ô tô đâm vào hàng chục đi bộ trên cầu Westminster trước khi lao vào hàng rào toà nhà quốc hội. Nghi phạm này xâm nhập vào khu vực toà nhà quốc hội và dùng dao đâm chết một sĩ quan cảnh sát trước khi bị cảnh sát hạ gục. Cuộc tấn công này đã khiến 4 người thiệt mạng.
Hai vụ tấn công xảy ra liên tiếp tại Anh trong năm nay gợi nhớ về vụ đánh bom kép nhằm vào hệ thống giao thông công cộng tại London vào ngày 7/7/2005, khiến 56 người thiệt mạng và khoảng 700 người bị thương; vụ tấn công sân bay Glasgow vào ngày 30/6/2007; vụ sát hại một quân nhân người Anh tại Woolwich vào ngày 22/5/2013; và vụ tấn công sát hại Jo Cox, nữ dân biểu thuộc Đảng Dân chủ Anh, vào ngày 16/6/2016.
Thuỵ Điển: 2017
5 người thiệt mạng sau khi một xe tải đâm vào những người đi bộ ở phố mùa sắm sầm uất ở thủ đô Thuỵ Điển Stockholm vào tháng 4/2017. Cảnh sát đã bắt giữ một người Uzbekistan 39 tuổi bị tình nghi đã thực hiện hành vi khủng bố.
Pháp: 2015, 2016, 2017
Nước Pháp đã hứng chịu liên tiếp các cuộc tấn công khủng bố trong suốt ba năm qua.
2017
Trong một loạt các vụ tấn công xảy ra tại thủ đô Paris (Pháp) vào đầu năm nay, bọn khủng bố đã nhằm vào các mục tiêu là viện bảo tàng Louvre vào tháng 2/2017 và sân bay Orly (Paris) vào tháng 3. Vào tháng 4, một tay súng đã xả súng vào một xe cảnh sát trên đại lộ Champs Elysee, khiến một quân nhân thiệt mạng.
2016
Vào ngày 13/6, hai vợ chồng cảnh sát Pháp đã bị đâm chết tại nhà riêng ở Magnanville, phía Tây Paris. Thủ phạm, Larossi Abballa, kẻ trung thành với IS và đã từng có tiền án tiền sự, đã bị cảnh sát đặc nhiệm Pháp tiêu diệt sau đó.
Một tháng sau, it nhất 86 người thiệt mạng khi một kẻ tấn công đã lao xe tải vào đám đông những người tụ tập xem bắn pháo hoa tại thành phố Nice nhân ngày Quốc khánh Pháp. Nhóm IS sau đó nhận trách nhiệm đã thực hiện vụ khủng bố man rợ này. Cũng trong tháng này, đã xảy ra một vụ tấn công nhà thờ ở thị trấn Saint-Etienne-du-Rouvray thuộc vùng Normandy (Pháp), khiến một mục sư 84 tuổi thiệt mạng.
2015
Vào tháng 11/2015, những kẻ ủng hộ IS đã giết chết 130 người và làm hàng trăm người bị thương trong một loạt các cuộc khủng bố tấn công tại nhà hát Bataclan, một vài nhà hàng và sân vận động Stade de France tại Paris.
Vào tháng Giêng năm 2015, 17 người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công nhằm vào toà soạn tạp chí trào phúng Charlie Hebdo và một vụ tấn công ở siêu thị Do Thái ở thủ đô Paris.
Đức: 2016
Tại Đức đã xảy ra liên tiếp ba cuộc tấn công khủng bố vào các tháng 7, 10, 12/2016.
Vào ngày 24/7/2016, 4 người bị thương nặng trong số 15 người bị thương trong một vụ đánh bom liều chết tại thành phố Ansbach. Thủ phạm được nhận dạng là Mohammad Daleel (27 tuổi), người tị nạn gốc Syria.
12 người thiệt mạng và gần 50 người khác bị thương ngay trước thềm lễ Giáng Sinh năm ngoái khi thủ đô Berlin (Đức) trở thành tiêu điểm của khủng bố. Vào tối ngày 19/12, một tên ủng hộ nhóm khủng bố IS đã cướp xe tải và lao vào một khu chợ Giáng sinh đông đúc tại Berlin. Một vài ngày sau, một người Tunisia 24 tuổi đã bị bắn chết khi cảnh sát tiến hành kiểm tra ở thành phố Milan (Italy).
Tại thành phố Hamburg, vào ngày 16/10 đã xảy ra một vụ tấn công bằng dao. Một thanh niên 16 tuổi đã bị một kẻ lạ mặt đâm chết trên một cây cầu bắc qua sông Alster.
Thổ Nhĩ Kỳ: 2016, 2017
Nằm gần biên giới Syria và trong bối cảnh chính trị rối ren trong nước sạu vụ đảo chính bất thành, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là tâm điểm của các cuộc khủng bố.
Vào rạng sáng ngày 1/1/2017, một kẻ tấn công đóng giả ông già Noel đã bắn cảnh sát và xả súng vào đám đông tại một hộp đêm ở Istanbul khiến 35 người thiệt mạng.
Trước đó, tối ngày 19/12, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov đã bị một tay súng bắn chết khi đang phát biểu tại cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật ở thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Nghi phạm được xác định là Mevlut Mert Altintas (22 tuổi), sĩ quan cảnh sát của lực lượng chống bạo loạn Ankara.
Vào tháng Giêng năm 2016, tại thành phố du lịch Istanbul một phần tử IS kích hoạt bom tự sát giữa một nhóm du lịch, khiến 12 người Đức tử vong.
Vụ đánh bom đẫm máu tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ đêm 17/2/2016, khiến gần 100 người chết và bị thương, cũng đã gây chấn động trong khu vực.
Bỉ: 2014, 2016
Vào tháng 3/2016, các kẻ khủng bố Hồi giáo kích hoạt bom tại sân bay Zaventem và một ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels (Bỉ) ,khiến 32 người thiệt mạng.
Hai năm trước đó, một phần tử Hồi giáo người Pháp đã bị bắt sau khi bốn người bị bắn chết tại Viện Bảo tàng Do Thái của Bỉ. Tay súng này tự xưng là một chiến binh jihad trước đó đã tham gia chiến trường Syria.
Đan Mạch: 2015
Một thanh niên 22 tuổi xả súng vào một quán cà phê tại Đan Mạch vào tháng 2/2015, làm một người tử vong. Kẻ tấn công sau đó đã bắn chết người bảo vệ ở giáo đường Do Thái trước khi bị cảnh sát hạ gục.
Tây Ban Nha: 2004
Cho đến nay, người dân Tây Ban Nha vẫn không thể nào quên thứ năm đen tối 11/3/2004. Đó quả là một ký ức kinh hoàng khi bốn chuyến tàu tại thủ đô Madrid phát nổ, khiến 191 người thiệt mạng và 1500 bị thương. Vụ đánh bom này được nhận định là vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ vụ đánh bom máy bay trên bầu trời Lockerbie (Scotland) vào năm 1988./.