UAE tố chiến đấu cơ Qatar chặn hai máy bay dân sự
VOV.VN -UAE cho rằng đây là hành động đe dọa “trắng trợn” tới an toàn hàng không dân sự và vi phạm luật pháp quốc tế.
Qatar đã bác bỏ cáo buộc của Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), nói rằng các chiến đấu cơ của Qatar đã chặn 2 máy bay thương mại của UAE đang trong lộ trình tới Bahrain.
Máy bay của Emirates. Ảnh minh họa: PressTV |
Trong một thông báo ngày 15/1, Cơ quan Hàng không dân dụng UAE cho biết sáng cùng ngày, cơ quan này nhận được tin báo từ hãng Hàng không quốc gia Emirates cho biết một chuyến bay tới thành phố Manama đã bị các chiến đấu cơ Qatar chặn lại. Cơ quan Hàng không dân dụng UAE lên án mạnh mẽ hành động của Qatar, đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp pháp lý cần thiết để đảm bảo an toàn và an ninh cho các chuyến bay dân dụng của mình.
Ngay sau đó, Cơ quan này thông báo chuyến bay thứ hai của Emirates cũng có hành trình tới Bahrian bị các máy bay quân sự của Qatar chặn lại.
Tuy nhiên, phía Qatar đã bác bỏ mọi cáo buộc này. Giám đốc Văn phòng truyền thông của chính phủ Qatar, ông Sheikh Saif Bin Ahmed al-Thani viết trên trang Twitter cá nhân khẳng định những cáo buộc này “hoàn toàn sai sự thật”.
Bộ Ngoại giao Qatar cũng thẳng thừng bác bỏ cáo buộc nêu trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Lulwa al-Khater tuyên bố “Chính quyền Qatar khẳng định những cáo buộc nói rằng các máy bay chiến đấu Qatar chặn máy bay dân sự của UAE là hoàn toàn không đúng”.
Trong khi đó, Qatar cuối tuần trước gửi kiến nghị tới Liên Hợp Quốc về việc một máy bay quân sự của UAE vi phạm không phận nước này hôm 21/12 vừa qua.
Theo Qatar, chiến đấu cơ UAE vào hôm 3/1 đã lần thứ 2 xâm phậm không phận Qatar mà không có bất cứ sự cho phép nào.
Năm 2017: Khủng hoảng vùng Vịnh mịt mờ triển vọng
Từ giữa năm ngoái, căng thẳng bùng phát tại Vùng Vịnh sau khi Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và UAE đình chỉ quan hệ với Qatar với cáo buộc nước này hỗ trợ khủng bố và làm bất ổn tình hình khu vực.
Các nước do Saudi Arabia dẫn đầu cũng đã áp đặt loạt trừng phạt, trong đó có việc cấm các hãng hàng không Qatar sử dụng không phận những nước này.
Nhằm gia tăng sức ép với Qatar các nước Arab cũng phong tỏa tuyến đường bộ, vốn là huyết mạch vận chuyển lương thực cung cấp cho Qatar.
Trong khi đó, Qatar đã bác bỏ “tối hậu thư” 13 điểm mà các nước Arab muốn Qatar thực hiện để đổi lại việc dỡ bỏ các trừng phạt. Qatar gọi những yêu cầu trên là “không thực tế, vô lý và không thể chấp nhận” và đáp trả các nước Arab tuyên bố sẽ gia tăng trừng phạt.
Đến nay, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Kuwait vẫn đang giữ vai trò chủ chốt để thúc đẩy nỗ lực hóa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh./.