Venezuela đối phó với khủng hoảng kinh tế
VOV.VN - Lần đầu tiên trong 20 năm qua, xăng ở Venezuela sẽ tăng giá. Đây được cho là một cách giải quyết khủng hoảng kinh tế ở đất nước này.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết, Chính phủ Venezuela đã quyết định tăng giá xăng từ mức 0,01 USD/lít lên 0,95 USD/lít. Theo Tổng thống Maduro, đây là một giải pháp cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay của quốc gia Nam Mỹ này.
“Kể từ ngày 19/2, giá xăng 91 sẽ tăng thêm 1 bolivar trong khi giá xăng 95 sẽ tăng thêm 6 bolivar/ lít. Nếu mua 40 lít xăng và sử dụng loại xăng 91, người dùng phải trả thêm 40 bolivar”, Tổng thống Maduro nói.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Nguồn: AP). |
Là một trong 5 thành viên sáng lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Venezuela có trữ lượng dầu thô cao, chiếm 18% trữ lượng dầu thô thế giới. Dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nước này, chiếm tới 96% nguồn thu ngoại tệ. Tuy nhiên, từ năm 2014 tới nay, giá dầu thế giới liên tục lao dốc đã ảnh hưởng đáng kể tới nguồn thu của Venezuela.
Bên cạnh đó, với giá xăng bán lẻ rẻ nhất thế giới và có nhiều đường biên giới trên bộ, đặc biệt là 2 nghìn 200 km với Colombia, Venezuela chịu nhiều thiệt hại do tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Ước tính, mỗi năm quốc gia Nam Mỹ này bị thiệt hại khoảng 12,5 tỷ USD do tình trạng “chảy máu xăng dầu” trên.
Ngay sau quyết định tăng giá xăng của Chính phủ, nhiều người dân Venezuela đã xếp hàng dài tại các cây xăng để mua xăng trước thời điểm giá xăng được điều chỉnh. Một người dân cho biết: “Giá thực phẩm đã tăng, giờ giá xăng lại tăng nữa. Cuộc sống của chúng tôi những ngày tới sẽ bị ảnh hưởng”.
Ngoài tăng giá xăng dầu, chính phủ Venezuela cũng quyết định phá giá đồng nội tệ ở mức 37%, đồng thời, nước này sẽ chỉ áp dụng 2 tỷ giá hối đoái chính thức. Theo đó, một tỷ giá sẽ do nhà nước quản lý phục vụ nhập khẩu những nhu yếu phẩm ưu tiên trong nền kinh tế quốc gia và một tỷ giá hối đoái thả nổi mang tên Simandi. Tỷ giá do nhà nước quản lý sẽ có mức 10 bolivar (bolivar) đổi 1 USD và tỷ giá Simandi sẽ hoàn toàn do thị trường điều tiết.
Đây được xem là những giải pháp mà từ lâu các chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo Chính phủ Venezuela triển khai, nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, cùng với tình trạng lạm phát tăng cao tại nước này.
Venezuela đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng do giá dầu mỏ, mặt hàng chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, lao dốc trong hơn một năm qua. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm nay, kinh tế Venezuela suy giảm 6%./.