Vụ chính trị gia đối lập Nga hôn mê: EU cân nhắc trừng phạt, Nga phản pháo
VOV.VN - Quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu “nổi sóng”, liên quan đến việc nhân vật chính trị đối lập tại Nga Alexei Navalny được cho là đã bị đầu độc.
Liên minh châu Âu cảnh báo cân nhắc các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong khi NATO kêu gọi họp khẩn hôm nay (4/9) để thảo luận về vụ việc. Tuy nhiên, Nga cho rằng, các nước phương Tây không nên quá vội vàng đánh giá và đưa ra bất cứ cáo buộc gì.
Các nhà lãnh đạo phương Tây đang yêu cầu lời giải thích từ phía Nga sau khi Đức cho biết có bằng chứng rõ rằng nhân vật đối lập bị đầu độc bằng chất độc thần kinh thuộc họ Novichok. Đây là một chất kịch độc mà các nước phương Tây cho rằng chỉ có các cơ quan tình báo cấp cao của Nga mới có thể sản xuất và sở hữu.
Máy bay chở chính trị gia đối lập Nga Navalny đã phải hạ cánh khẩn cấp hôm 20/8 sau khi ông gặp những vấn đề về sức khỏe. Các bác sĩ chẩn đoán ông Navalny bị rối loạn chuyển hóa, bị hôn mê và được chuyển đến Đức. Các bác sĩ Đức chẩn đoán ban đầu rằng chính trị gia này đã bị đầu độc. Trong tuyên bố đưa ra hôm qua, người phát ngôn Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, ông Peter Stano kêu gọi Nga hợp tác với Tổ chức không phổ biến vũ khí hóa học, tham gia vào một cuộc điều tra quốc tế.
“Việc sử dụng các loại vũ khí hóa học dưới bất cứ hoàn cảnh nào cũng hoàn toàn không chấp nhận được và vi phạm luật quốc tế. Chúng tôi kêu gọi Nga tiến hành điều tra vụ việc. Chúng tôi muốn một cuộc điều tra toàn diện, minh bạch và độc lập, không có sự can thiệp. Tôi không suy đoán trước kết quả điều tra và khi có kết quả chúng tôi sẽ đưa ra các đánh giá”.
Litva hôm qua cho biết sẽ đề nghị Liên minh châu Âu thảo luận vấn đề đầu độc nhân vật đối lập Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 24/9 tới. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng thông báo tổ chức một cuộc họp hôm nay thảo luận về vụ đầu độc.
Trước những cáo buộc của phương Tây, Nga cho rằng các nước không nên vội vàng đánh giá về vụ đầu độc và không có cơ sở để thực hiện các cáo buộc nhằm vào Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Tôi nghĩ cần phải thận trọng khi đưa ra các cáo buộc nhằm vào Nga. Không có sơ sở cho những tuyên bố này. Nga không muốn các đối tác tại Đức hay các quốc gia châu Âu khác vội vàng đưa ra đánh giá, chúng tôi mong muốn đối thoại hơn”.
Vụ việc mới nhất đang trở nên nghiêm trọng và có nguy cơ làm xấu hơn mối quan hệ vốn đã phức tạp giữa Nga và các nước châu Âu. Câu hỏi hiện nay là nấc thang căng thẳng giữa hai bên sẽ gia tăng đến mức độ nào, với việc hai bên có thể lặp lại vòng xoáy trả đũa trục xuất các nhà ngoại giao giống vụ đầu độc điệp viên Nga Sergei Skripal năm 2018 hay áp đặt trừng phạt giống như vụ Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đối mặt với sức ép xem xét lại dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga sang Đức. Tuy nhiên, có nhiều nhận định nhà lãnh đạo Đức sẽ khó chấm dứt dự án này. Nga hôm qua cũng nhấn mạnh, dự án thương mại nằm trong lợi ích của cả Nga - Đức và cả lợi ích an ninh năng lượng của toàn bộ châu Âu.
Hiện cũng có nhiều nhận định xung quanh vụ việc chính trị gia Nga được cho là bị đầu độc, đặc biệt diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và EU căng thẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng Belarus. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 3/9 cho biết, tuyên bố của Đức về việc nhân vật chính trị đối lập tại Nga bị đầu độc là giả dối. Vụ việc này được thực hiện nhằm ngăn cản Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia các vấn đề của Belarus./.