WHO: Covid-19 chưa thể trở thành bệnh đặc hữu
VOV.VN - Ngày 14/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Covid-19 chưa thể trở thành bệnh đặc hữu và vẫn có thể gây ra các đợt dịch lớn trên toàn cầu.
Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan ngày 14/4 nhận định, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng khi đại dịch Covid-19 dần hạ nhiệt và trở thành bệnh đặc hữu, mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Ông đánh giá vẫn chưa thể chắc chắn về số phận của virus và đại dịch vẫn chưa thể lắng xuống, trở thành loại bệnh theo mùa hay bệnh truyền nhiễm thông thường.
“Tình hình dịch bệnh còn khá bất ổn và tiềm ẩn nguy cơ gây ra các đợt bùng phát lớn. Đây chưa phải là một căn bệnh đặc hữu. Bệnh lao và sốt rét là những căn bệnh đặc hữu vẫn khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm. Đừng tin rằng khi trở thành bệnh đặc hữu, thì sẽ giảm bớt tính nguy hiểm của Covid-19 hay chấm dứt tất cả mọi vấn đề”, ông Ryan nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm với ông Ryan, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO nhận định rằng virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan mạnh trên thế giới, là nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn các ca tử vong và gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên nhiều phương diện.
"Chúng ta vẫn đang sống giữa đại dịch, đó là điều không ai mong muốn. Nhưng chúng ta chưa thể tiến tới giai đoạn đại dịch trở thành bệnh đặc hữu," bà Maria Van Kerkhove nói.
Lý giải thêm về điều này, ông Ryan phân tích những dịch bệnh từng bùng phát trở thành chủng đặc hữu thường tập trung vào một bộ phận dân cư cụ thể. Các căn bệnh này có khả năng trở thành những bệnh ở trẻ em như sởi và bạch cầu bởi vì khi “trẻ mới sinh ra, chúng rất dễ mắc phải”. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ tiêm chủng giảm, dịch bệnh hoàn toàn có thể bùng phát trở lại như trường hợp của bệnh sởi.
Tuần trước, thế giới đã ghi nhận số ca tử vong do mắc Covid-19 thấp nhất kể từ đầu đại dịch với hơn 20.000 trường hợp. Song, ông Ryan cho rằng con số này “vẫn còn quá lớn” và “chúng ta có thể cảm thấy vui mừng nhưng không nên vội hài lòng”./.