“Làm Phó đoàn thể thao Việt Nam đi SEA Games thì có oai gì?”
VOV.VN - Sau vụ lùm xùm có tới 10 Phó đoàn TTVN tại kỳ SEA Games 29 diễn ra ở Malaysia sắp tới, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Nguyễn Mạnh Hùng lên tiếng.
Mở đầu tâm thư của mình, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội gọi là Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I - “Nhổn” luôn là Trung tâm số 1 đóng góp quân số và thành tích tại các kỳ thi đấu quốc tế.
“Các VĐV ở đây đã đóng góp 75/96 HCV tại SEA Games 2011, 41/73 HCV (SEA Games 2013), 50/73 HCV (SEA Games 2015). Dự kiến SEA Games 2017 số HCV của VĐV tại Trung tâm Nhổn sẽ chiếm 2/3 của Đoàn thể thao Việt Nam. Tại Asiad 14, Đoàn TTVN giành 1 HCV duy nhất, sau thành tích chói lọi của VĐV ở Trung tâm. Tại Olympic 2016, Đoàn TTVN có 23 VĐV tham dự thì quân số của Trung tâm Nhổn là 16 VĐV – thành tích của Đoàn 1 HCV, 1 HCB của Hoàng Xuân Vinh là VĐV đã tập huấn tại Trung tâm Nhổn 16 năm”, ông Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng.
Danh sách Đoàn TTVN dự SEA Games 29 ở thời điểm công bố. |
Theo ông Hùng “Nhổn”, với sự tin tưởng của lãnh đạo Ngành thể thao đến các vụ thành tích cao, các bộ môn của Tổng cục TDTT và các sở VHTT trên toàn quốc, Trung tâm Nhổn đã khẳng định là số 1 luôn chiếm 2/3 số huy chương trong các đại hội lớn như SEA Games, Asiad và cả Olympic.
“Chính vì thành tích đó mà khi thành lập ĐTTVN trải qua 4 đời giám đốc của Trung tâm thì đại hội nào ngành thể thao cũng cử 1 đồng chí giám đốc tham dự với tư cách là phó đoàn. Việc này không có gì vì cũng như trường đào tạo lái xe, liên đoàn xiếc Việt Nam… thì ở đâu có nhiều VĐV, người trực tiếp thi hay biểu diễn - sự có mặt của người đứng đầu tại các cơ sở đào tạo sẽ giúp VĐV, HLV có được sự yên tâm về tâm lý, ngoài ra còn phải nắm bắt tất cả các vấn đề liên quan đến tập luyện và thi đấu”, ông Hùng lý giải nguyên nhân mình được chọn là một trong 10 Phó đoàn theo danh sách đầu tiên được công bố.
Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia I Nguyễn Mạnh Hùng gửi tâm thư sau lùm xùm có tới 10 Phó đoàn TTVN dự SEA Games 29. |
Ông Hùng chia sẻ, một đặc thù đối với thể thao trước thi đấu VĐV luôn lo sợ và không tự tin nhất là khi đấu ở nước khác hay trong thi đấu sự căng thẳng mệt mỏi muốn “buông” và sau thi đấu thất bại thì muốn bỏ. Theo đó, sự xuất hiện động viên kịp thời để VĐV bước qua trở ngại thi đấu giành chiến thắng đều được các nước quan tâm.
Giám đốc Trung tâm HLTTQG I chia sẻ: “Cũng chẳng sung sướng hay “oai’ gì là Phó đoàn thể thao vì rất khổ, lo âu thành tích, chạy ngược xuôi một ngày vài trăm cây số, đấu tranh với trọng tài, động viên VĐV, HLV thi đấu, lo ăn, ở hồi phục, ép cân… ngoài ra luôn phải học hỏi về cách thức huấn luyện của các nước với nhiều chuyên gia giỏi. Nhiều khi VĐV bị ốm đau cấp cứu… thì phải có mặt kịp thời. Khi VĐV thi đấu thắng lợi nhiều khi phó đoàn phải dốc hết tiền túi để thưởng nóng cho VĐV; khi VĐV thua cuộc khóc sướt mướt muốn giã từ sự nghiệp ngay thì sự động viên của người đứng đầu cơ sở đào tạo sẽ làm ấm áp để HLV, VĐV vượt qua thời khắc đó”.
Nhiều Phó đoàn xin rút lui không dự SEA Games 29
Cũng theo ông Hùng, đối với các nước có điều kiện, một VĐV đi thi đấu sẽ có HLV, chuyên gia tâm lý thể thao, bác sỹ thậm chí có cả bộ phận nuôi dưỡng và có cả hội cổ động viên khi thi chung kết các môn đều có mặt tạo áp lực cho đối thủ đồng thời cổ vũ VĐV của mình, tạo “hưng phấn” không chỉ thấy riêng môn bóng đá!
“Là người đã từng tham gia các đại hội với cương vị là giám đốc 1 cơ sở đào tạo lớn nhất cả nước, tôi thấy việc đi làm nhiệm vụ là nghĩa vụ và trách nhiệm nặng nề nhiều khi quên ăn quên ngủ và chẳng bao giờ đi mua sắm hay du lịch như một số người nghĩ, và chỉ có các phóng viên báo đài đã từng đi cùng Đoàn TTVN mới hiểu được”, ông Hùng chia sẻ về những khó khăn trong quá trình theo đoàn làm nhiệm vụ tại các kỳ đại hội thể thao.
Kết lại “tâm thư” của mình, ông Hùng nói: “Chúng ta cũng cần biết để đào tạo được 1 VĐV có thành tích quốc tế, sau những tấm huy chương là mồ hôi nước mắt của một tập thể lao động và sự hy sinh của nhiều người. Với trung tâm Nhổn ngoài việc đào tạo huấn luyện, trước mỗi đại hội lớn còn phải tổ chức lễ xuất quân hoàn toàn bằng kinh phí xã hội hóa, phải xin tiền thưởng cho các VĐV để tạo ra một tinh thần “máu lửa’ cho các VĐV trước khi ra trận. Việc ủng hộ của người hâm mộ, sự động viên của truyền thông cũng góp phần làm nên chiến thắng tất cả vì màu cờ sắc áo của tổ quốc - vì vinh quang của TTVN”./.
Đoàn TTVN có tới 10 phó đoàn dự SEA Games 29: Sao nhiều cán bộ thế?