Quân đội Mỹ muốn triển khai lá chắn tên lửa trên không gian
Lầu Năm Góc đang tìm giải pháp triển khai hệ thống đánh chặn trên vũ trụ để bảo vệ nước Mỹ khỏi tên lửa đạn đạo đối phương.
"Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhận yêu cầu từ quốc hội và đang nghiên cứu phương án triển khai tên lửa đánh chặn trong không gian. Tuy nhiên, việc đưa vũ khí lên vũ trụ cần phải được đánh giá kỹ và chưa thể tiến hành trong tương lai gần", IBTimes dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách John Rood phát biểu ngày 5/9 tại hội thảo của Liên minh Vận động Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDAA).
Tên lửa đánh chặn SM-3 trong cuộc thử nghiệm năm 2016 của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy
Quốc hội Mỹ trước đó chỉ đạo Lầu Năm Góc phát triển lá chắn tên lửa không gian, sau khi xuất hiện nhiều nhận định cho rằng ưu thế vũ trụ của Mỹ có thể bị Nga và Trung Quốc thách thức. Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định nước này phải tăng cường khả năng phát hiện các đòn tấn công phủ đầu bằng tên lửa đạn đạo và sẵn sàng đáp trả.
Washington tỏ ra lo ngại trước việc Moscow và Bắc Kinh đang phát triển, biên chế nhiều loại vũ khí siêu thanh có khả năng đánh bại mọi hệ thống cảnh giới và đánh chặn hiện nay. "Nga và Trung Quốc đã thực hiện hàng chục cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh mà Mỹ chưa từng tiến hành. Đây là điều đáng lo", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách quản lý và kỹ thuật Michael Griffin khẳng định.
Griffin tiết lộ lá chắn của Mỹ hiện nay chỉ có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo và hoàn toàn vô hiệu với vũ khí siêu thanh.
Vũ khí siêu thanh thường được phóng lên không gian bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và lao xuống khí quyển theo quỹ đạo rất khó lường, khác với những tên lửa đạn đạo thông thường. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng cảm biến trên không gian là thiết bị duy nhất có thể xác định vũ khí siêu thanh từ sớm để đánh chặn.
"Hệ thống cảnh báo sớm trên vũ trụ sẽ giúp Mỹ theo dõi những đối thủ tiềm tàng. Đây không phải hành động khiêu khích, nó giống những gì Washington đã làm trong hàng chục năm qua. Chúng tôi chỉ muốn đối phó với mối đe dọa khi nước Mỹ bị tấn công. Cảm biến không gian khó lòng thay đổi cán cân sức mạnh hiện nay", Thứ trưởng Rood tuyên bố.
Quan chức Mỹ cũng phản đối những lời chỉ trích cho rằng lá chắn không gian của Mỹ sẽ tiêu tốn tới 100 tỷ USD, trong khi lớp phòng thủ gồm 1.000 đầu đạn chỉ mất khoảng 20 tỷ USD. "Tôi rất mệt mỏi với những người nói rằng Mỹ không thể triển khai lá chắn này. Lầu Năm Góc từng bỏ nhiều tiền hơn thế để thu về hiệu quả kém hơn nhiều", Thứ trưởng Griffin phát biểu./.
Mỹ lo ngại Nga đang che giấu vũ khí đáng sợ trong không gian