Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/11
VOV.VN - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 8/11.
>> Nhận định chứng khoán 8/11: VN-Index đối mặt với vùng kháng cự 1.083-1.100 điểm
Vietjet (VJC) sắp chào bán 24,5 triệu cổ phiếu, huy động 2.450 tỷ đồng
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, ngày 3/11, HĐQT CTCP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) đã thông qua việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Theo đó, Vietjet sẽ chào bán tối đa 24,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư với giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ chào bán chiếm 4,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tổng giá trị chào bán dự kiến là 2.450 tỷ đồng. Vietjet sẽ chào bán số cổ phiếu này trong quý 4/2023.
ACB: Nợ xấu tăng mạnh gấp 7 lần lợi nhuận
Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), trong 9 tháng của năm 2023, rất nhiều ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với nhiều chỉ tiêu kinh doanh đi lùi. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là một trong những điểm sáng hiếm hoi khi lợi nhuận tăng trưởng dương và vượt mốc 10.000 tỷ đồng. Thế nhưng tổng nợ của ACB là 581.684 tỷ đồng (tiền gửi của khách hàng 445.499 tỷ đồng), trong khi vốn chủ sở hữu là 66.825 tỷ đồng, như vậy nợ cao gấp 8,7 lần vốn.
Theo báo cáo hợp nhất quý 3/2023, trong kỳ, ACB ghi nhận Thu nhập lãi và các thu nhập tương tự đạt 13.024 tỷ đồng, tăng 2.704 tỷ đồng, tương đương 26,2% so với quý 2/2022; lũy kế 9 tháng của năm 2023 tăng 11.039 tỷ đồng, tương đương 38,3% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế quý 3/2023 của ACB tăng 451 tỷ đồng, tương đương 12,6% lên 4.038 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng của năm 2023 đạt 12.038 tỷ đồng, tăng 1.220 tỷ đồng, tương đương 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 9 tháng đầu năm tại ACB tăng tới 724%. Nguyên nhân là do nợ xấu tăng rất mạnh.
Tại ngày 30/9/2023, tổng nợ xấu của ACB là gần 5.400 tỷ đồng, tăng 2.356 tỷ đồng, tương đương 77,4% so với cuối năm 2022, chiếm 1,21% tổng dư nợ tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu tăng 63,5%. Như vậy, nợ xấu có tốc độ tăng mạnh gấp 7 lần lợi nhuận sau thuế.
PLC điều chỉnh giảm 30% kế hoạch lãi sau thuế 2023
Cũng theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (HNX: PLC) vừa công bố tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. So với kế hoạch cũ, PLC giảm 6% doanh thu tiêu thụ về 8,396 tỷ đồng mặc dù chỉ tiêu sản lượng vẫn được giữ nguyên. Theo đó, lợi nhuận sau thuế giảm 30% còn 112 tỷ đồng. Như vậy với kế hoạch mới, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2023 của PLC dự kiến giảm lần lượt 2% và 20% so với kết quả 2022.
9 tháng của năm 2023, PLC ghi nhận 5,774 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 81 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 4% và 26% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch sau điều chỉnh, doanh nghiệp đã thực hiện 69% mục tiêu doanh thu và 72% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVT
CTCK Vietcap (VCSC) vừa nâng giá mục tiêu cho Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) thêm 11% lên 30.300 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi phản ánh (1) dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2027 của chúng tôi tăng 6% (4%/9%/4%/6%/8% vào năm 2023/2024/2025/2026/2027) và (2) tác động tích cực của việc chúng tôi cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2024.
Dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2027 cao hơn do đóng góp mới từ 3 tàu mới được mua từ tháng 7 đến cuối tháng 10/2023, bù đắp cho việc chúng tôi trì dời giả định đầu tư tàu chở dầu thô rất lớn (VLCC) từ năm 2024 sang năm 2025.
Chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo năm 2023 thêm 4% lên 988 tỷ đồng (+15% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu nhờ lợi nhuận cốt lõi cao hơn từ mảng vận tải khi chúng tôi ghi nhận thêm 3 tàu mới. Chúng tôi cũng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo năm 2024 tăng 22% lên 1.200 tỷ đồng, bị ảnh hưởng bởi đóng góp cả năm từ 6 tàu mới được mua lại vào năm 2023.
Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS cốt lõi giai đoạn 2022-2025 đạt 26%, do nhu cầu tấn-dặm tiếp tục tăng và công suất tăng 2 lần trong năm 2023, điều này sẽ thúc đẩy sản lượng vận chuyển của PVT trên tất cả các phân khúc.