Nhu cầu chiến lược và những giới hạn trong mối quan hệ Nga-Trung Quốc
VOV.VN - Mối quan hệ đang phát triển giữa Nga và Trung Quốc chắc chắn mang lại lợi thế chung cho cả hai nước, nhưng đối với Moscow, mối quan hệ này cũng ẩn chứa những rủi ro và nhược điểm cố hữu.
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành cuối năm 2020 cho thấy, hơn một nửa số người Trung Quốc được hỏi cho biết, họ cảm thấy Moscow là đồng minh quan trong nhất của Bắc Kinh. Trong khi đó, số người cho rằng mối quan hệ với Mỹ có tác động đáng kể nhất đối với Trung Quốc đã giảm từ 82,1% vào năm 2019 xuống chỉ còn 47,5% vào năm ngoái.
Thực tế cho thấy, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã có những bước chuyển đáng kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt kể từ đầu năm 2021 đến nay. Đó cũng chính là lý do Tổng thống Nga Putin hôm 19/5 vừa qua không ngần ngại ca ngợi quan hệ hai nước "đang ở mức cao nhất trong lịch sử”.
Bất chấp dịch bệnh, hai nước vẫn không ngừng có các cuộc trao đổi đoàn cấp cao. Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Lavrov đến Trung Quốc hồi tháng 3, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì hiện đang có chuyến công tác tại Nga để đồng chủ trì cuộc tham vấn an ninh chiến lược Nga – Trung Quốc lần thứ 16 cùng với Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Liên bang Nga Nikolai Patrushev.
Mối quan hệ đang phát triển giữa Nga và Trung Quốc chắc chắn mang lại lợi ích chung cho cả hai nước, nhưng đối với Moscow, mối quan hệ này cũng ẩn chứa những rủi ro và nhược điểm cố hữu.
Ngoại trưởng Nga Lavrov gần đây ca ngợi mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là “duy nhất”, đặc trưng bởi “quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược”. Hợp tác song phương đã phát triển rộng hơn và sâu hơn trên một số lĩnh vực. Mối quan hệ này được dẫn dắt bởi quan hệ cá nhân tuyệt với giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhu cầu chiến lược đẩy Nga lại gần Trung Quốc
Về mặt thực tế, sự liên kết chặt chẽ hơn với Bắc Kinh là nhu cầu chiến lược của Moscow để tạo ra đối trọng bù đắp cho sự xa lánh mà Mỹ và Liên minh châu Âu dành cho Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, cũng như nhiều mâu thuẫn về mặt chính trị và kinh tế khác.
Bên cạnh đó còn có những lợi ích lớn hơn: ông Putin nhận thấy rằng mối quan hệ Nga-Trung gần gũi hơn sẽ gây bất ổn cho Mỹ và các nước phương Tây, làm phức tạp các tính toán chiến lược của Mỹ và tạo vị thế cho Moscow trước Washington.
Những toan tính thực dụng về chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại cũng có liên quan.
Thứ nhất, những nét tương đồng rõ ràng về chính trị đã phản ánh tính cách của cả hai nhà lãnh đạo và hệ thống chính trị ở Nga và Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa trên thực tế khi Nga áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Trung Quốc để tăng cường đảm bảo an ninh trong nước và cố gắng, dù mới chỉ đạt được thành công hạn chế, “mô phỏng” chính sách kiểm duyệt và giám sát tự do Internet mà Trung Quốc triển khai.
Sự bổ sung về mặt kinh tế tạo ra một động lực mạnh mẽ: một Trung Quốc “đói” tài nguyên là thị trường khổng lồ đang phát triển lại có vị trí địa lý gần gũi rõ ràng là mảnh đất màu mỡ cho các nhà xuất khẩu năng lượng, hàng hóa và nông sản Nga. Trong khi đó, các nhà sản xuất và đầu tư Trung Quốc luôn “chào hàng” các đối tác Nga với giá cạnh tranh. Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt tổng trị giá hơn 100 tỷ USD và thị phần của Trung Quốc trong các hoạt động thương mại ở Nga đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2013.
Về chính sách đối ngoại, Nga và Trung Quốc có cùng chí hướng. Các lợi ích và chương trình nghị sự của hai nước này thường phù hợp: cả hai cùng có mục tiêu thách thức vị trí bá chủ của Mỹ.
Moscow và Bắc Kinh cũng không thiện cảm với những điều mà họ coi là chủ nghĩa xét lại của phương Tây nhằm áp đặt “tự do” lên trật tự thế giới dựa trên luật lệ, cho rằng đây là công cụ để củng cố sự thống trị của Mỹ.
Thay vào đó, Nga khẳng định vai trò trung tâm của khuôn khổ pháp lý quốc tế dựa trên nền tảng Liên Hợp Quốc, đặc biệt là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền - một nguyên tắc cũng được Bắc Kinh mạnh mẽ tán thành.
Nga và Trung Quốc cũng có sự hội tụ - mặc dù không hoàn chỉnh - về chính sách đối với các vấn đề quốc tế. Trong một số trường hợp, nếu không có sự ủng hộ rõ ràng, Nga và Trung Quốc thường tránh phản đối gay gắt bên còn lại, hoặc trấn an rằng đối phương có sự hậu thuẫn nhất định. Điều này đã được phản ánh qua thái độ thận trọng của Nga trước các hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và sự im lặng của Trung Quốc trước những gì Nga làm ở Ukraine. Việc Moscow phản đối khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không chỉ phản ánh việc Nga chưa quyết định vị thế của mình trong cấu trúc, mà còn xuất phát từ lo ngại về khía cạnh kiềm chế Trung Quốc trong đó.
Hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa hai nước cũng thu hút sự chú ý đặc biệt. Điều này bao gồm việc Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận quy mô lớn hàng năm của Nga, các cuộc tuần tra chung bằng máy bay ném bom trên Biển Nhật Bản và các cuộc tập trận hải quân chung (bao gồm cả ở Ấn Độ Dương). Dựa trên lịch sử là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Trung Quốc, Moscow đã giúp Bắc Kinh hiện đại hóa lực lượng vũ trang, cung cấp máy bay chiến đấu Su-35, hệ thống S-400 và thậm chí hỗ trợ công nghệ hệ thống cảnh báo tên lửa.
Giới hạn
Tuy vậy, vẫn có những giới hạn.
Nga ở thế yếu trong mối quan hệ này và mối quan hệ bất đối xứng sẽ chỉ càng bất đối xứng theo thời gian – đó là điều không hề dễ chịu. Nga chắc chắn sẽ cố gắng duy trì quyền tự chủ chiến lược và tìm cách tránh nguy cơ bị phụ thuộc, cho dù là về mặt chính trị hay về kinh tế.
Đa dạng hóa các mối quan hệ là nguyên tắc làm nền tảng cho những nỗ lực của Nga nhằm phục hồi mối quan hệ khăng khít trong lịch sử nhưng gần đây đang bị trì trệ với Ấn Độ - đối thủ kinh tế và quân sự đang nổi lên của Trung Quốc. Tương tự như vậy, Nga cũng hướng tới cải thiện quan hệ với Nhật Bản (dù còn có cản trở liên quan đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Nam Kuril mà phía Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phương Bắc) và các thành viên trong ASEAN.
Mặc dù vậy, việc duy trì mối quan hệ cân bằng, tận dụng lợi ích từ quan hệ với Trung Quốc trong khi vẫn giữ được quan hệ tốt đẹp với các đối tác khác là thách thức không nhỏ với Nga.
Ấn Độ là một ví dụ. Nếu Nga mở rộng hợp tác quốc phòng với Ấn Độ, cung cấp các khí tài tiên tiến hoặc công nghệ vũ khí cho nước này thì chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng từ phía Trung Quốc.
Nga cũng sẽ theo dõi chặt chẽ mọi nỗ lực tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc trong không gian Xô viết cũ - nơi Moscow vẫn coi là phạm vi ảnh hưởng đặc quyền của mình. Moscow cũng cảnh giác với ý đồ của Bắc Kinh tại Bắc Cực, nơi Nga coi mình là một “người chơi” chính.
Lịch sử cũng cho thấy mối quan hệ khó có thể đến từ sự tin tưởng từ một phía. Sẽ có những người Nga, kể cả trong quân đội âm thầm hoài nghi về các động thái củng cố sức mạnh, gia tăng tiềm lực của Trung Quốc. Những lo ngại này sẽ lớn dần khi mối quan hệ xấu đi./.