Cà Mau nỗ lực kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi lây lan
VOV.VN - Trước tình hình diễn biến phức tạp, công tác phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi lây lan của Cà Mau tiếp tục được tăng cường hơn.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp để phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào địa bàn. Tuy nhiên, mới đây ngành chức năng địa phương này đã phát hiện 2 ổ dịch trong hộ nuôi nhỏ lẻ.
Công tác tuần tra kiểm soát trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang được siết chặt trên cả đường thủy. |
Ghi nhận của PV tại Chốt kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi Cây Trâm (kiểm soát trên tuyến sông Cà Mau – Bạc Liêu, thuộc xã Tắc Vân, TP Cà Mau), các phương tiện lưu thông hai chiều từ Bạc Liêu vào địa bàn Cà Mau và ngược lại đều được kiểm soát chặt.
Nhiều phương tiện có dấu hiệu khả nghi bị tạm dừng để kiểm tra có vận chuyển lợn và sản phẩm từ thịt lợn hay không. Ngoài ra, người dân còn được lực lượng làm nhiệm vụ nhắc nhở lại các quy định trong công tác phòng chống dịch để góp phần nâng cao ý thức, đảm bảo công tác phòng ngừa hiệu quả hơn.
Anh Nguyễn Đức Cần, cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Cà Mau tại Chốt Cây Trâm cho biết, đội kiểm soát tại đây gồm có lực lượng chuyên ngành thú y, Quản lý thị trường, Công an và chính quyền địa phương. Anh em phải thay ca nhau ngày đêm trực để đảm bảo công tác kiểm soát phát huy hiệu quả. Ý thức được thiệt hại to lớn mà dịch tả lợn Châu Phi có thể gây ra cho ngành chăn nuôi nên mọi người đều tập trung cao độ.
Hố khử trùng bắt buộc mọi xe phải đi qua trên tuyến Quốc lộ 1A. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã phát hiện 2 ổ dịch tại hộ dân nuôi nhỏ lẻ ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân và xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển nên vấn đề kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi càng chặt chẽ hơn.
Tại 2 huyện này, ngành chức năng đang tiếp tục mở rộng bán kính phun khử trùng, dập dịch. Bên cạnh đó, trên các tuyến đường sông, đường bộ trong khu vực phát hiện dịch các Đội kiểm soát và Đội phản ứng nhanh đang phải tăng cường kiểm soát hơn nữa để dịch không lây lan.
Ngoài ra, ven theo tuyến đường giáp ranh với tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu công tác kiểm soát tiếp tục được đẩy mạnh. Hiện đã có 32 chốt, trạm kiểm dịch ngày đêm thực hiện nhiệm vụ.
Nói về công tác tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi của cơ quan chức năng, ông Danh Van Gum (ở xã Định Bình, TP Cà Mau), người dân vận chuyển hàng hóa qua Trạm kiểm dịch trên Quốc lộ 1A chia sẻ: "Dịch tả heo Châu Phi có thể theo xe tàu vào tỉnh Cà Mau, ảnh hưởng chăn nuôi. Bây giờ lực lượng chức năng đang đi kiểm tra chặt để chặn lại. Kiểm tra, tăng cường kiểm soát như vậy là rất tốt, giúp tránh dịch lây lan."
Tuyến giáp ranh với Kiên Giang và Bạc Liêu đã có 32 chốt, trạm làm nhiệm vụ 24/24 |
Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú Y Cà Mau cho biết: Băn khoăn lớn nhất hiện nay của ngành chức năng là dịch tả lợn Châu Phi có thể lây lan theo đường sông rạch. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, vi rút gây dịch hoàn toàn có thể tồn tại theo nguồn nước phát tán. Vì vậy, người chăn nuôi cần dừng ngay việc dùng nguồn nước sông, kênh rạch để tắm hoặc nấu thức ăn cho lợn.
Theo ông Huy, tỉnh đang nỗ lực làm mọi biện pháp có thể để kiểm soát dịch lây lan. Để công tác ngăn ngừa dịch hiệu quả, rất cần ý thức của cả các cấp, ngành, các địa phương và người dân.
"Để ngăn chặn, phòng chống dịch UBND tỉnh đã nhanh chóng ban hành 3 thông báo. Quy định vận chuyển phải đúng quy định, thành lập nhanh các chốt, trạm để kiểm soát và việc kiểm soát các lò giết mổ tự do, heo không được kiểm định và sản phẩm không rõ nguồn gốc. Lực lượng chức năng cùng các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm theo đó", ông Huy nói.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp Cà Mau, để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, mọi người cần thực hiện không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết hoặc không có đóng dấu kiểm soát của cơ quan thú y. Không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa nấu chín để nuôi lợn. Ngoài ra, người dân phải báo cáo ngay cho cơ quan chuyên môn khi phát hiện lợn bệnh. Trong tiêu dùng, người dân chỉ nên sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm soát của thú y./.
Bộ trưởng NN-PTNT: “Thủ tướng chỉ đạo dập dịch tả lợn như diệt giặc“