Những ngày gần đây, hơn 470 lao động của Công ty TNHH MTV TBO VINA, 100% vốn Hàn Quốc hoạt động tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đứng ngồi không yên.
|
(Ảnh minh họa) |
Chủ doanh nghiệp và Giám đốc điều hành của Công ty này đã bỏ về nước. Họ im lặng bỏ đi để lại các khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hơn 15 tỷ đồng.
Các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng nhanh chóng vào cuộc bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Phóng viên VOV tại miền Trung phỏng vấn ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng về vấn đề này.
PV: Thưa ông Nguyễn Văn An, cơ quan chức năng Đà Nẵng đã làm gì để bảo vệ quyền lợi cho hơn 470 người lao động của Công ty TNHH MTV TBO khi cả chủ doanh nghiệp và Giám đốc điều hành Công ty này đều bỏ về nước?
Ông Nguyễn Văn An: Chủ doanh nghiệp bỏ đi, để lại khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khoảng 12 tỷ đồng. Lương tháng 6 còn nợ khoảng 1,3 tỷ đồng, tiền lương tháng 7 nợ khoảng 2,4 tỷ đồng. Như vậy, họ còn nợ khoảng 3,7 tỷ đồng.
Đối với 474 lao động này hoàn cảnh khó khăn, vì vậy Sở phối hợp với UBND quận Liên Chiểu, Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý Khu công nghiệp, Bảo hiểm Xã hội, Công an và các đơn vị liên quan tìm cách xử lý vấn đề này.
Trước mắt, hỗ trợ công nhân để đảm bảo cuộc sống. Chúng tôi giao Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp doanh nghiệp tiếp tục nhận lao động cho người lao động chuyển qua công việc khác để họ làm.
Sở Ngoại vụ trao đổi, làm việc với Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc, Hiệp hội các Doanh nghiệp Hàn Quốc để có biện pháp yêu cầu chủ doanh nghiệp đến làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố, giải quyết dứt điểm nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội.
Trong trường hợp, người lao động muốn khởi kiện thì Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất hướng dẫn thủ tục khởi kiện Cty TNHH MTV TBO VINA.
PV: Vậy, khó khăn nhất trong việc giải quyết quyền lợi cho người lao động hiện nay là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn An: Hiện nay khó khăn nhất là còn 93 chị em nghỉ thai sản, nhưng nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 1/2017 đến giờ cho nên họ không được hưởng bảo hiểm về thai sản.
Một số chị em trong thời gian sắp tới sẽ sinh, họ cũng phân vân không được hưởng bảo hiểm thai sản. Vừa rồi, chúng tôi có đề nghị UBND quận Liên Chiểu kiểm tra cụ thể như thế nào rồi sẽ lập danh sách và đề nghị hỗ trợ khó khăn cho họ.
Còn những người gần sinh đã đề nghị Bảo hiểm Xã hội khi họ về mua bảo hiểm y tế ở địa phương sẽ tạo mọi điều kiện để mua bảo hiểm y tế cho chị em.
Về nợ lương theo rà soát của Công ty thì còn khoảng 1,6 tỷ đồng tiền hoàn thuế của đơn vị. Tuy nhiên bên Cục thuế báo lại nếu hoàn thuế thì còn khoảng 1,2 tỷ đồng.
Theo Luật và nguyên tắc hoàn thuế, người chủ phải đề nghị, bên ngành Thuế mới hoàn được. Nhưng người chủ bây giờ không còn ở Việt Nam nên cũng khó khăn. Không thể ứng ngân sách để trả lương được vì Luật ngân sách không cho phép.
Để trả cho họ cũng phải chờ nguồn hoàn thuế đó. Còn riêng nợ bảo hiểm xã hội, đóng đến đâu, chốt đến đó. Sau này thời gian tiếp theo họ đóng, họ trừ lương nhưng ông chủ chưa đóng, tức là chiếm dụng tiền của họ thì ra cơ quan pháp luật xử lý sau này có thể cộng thêm thời gian đóng bảo hiểm cho họ thì không sao.
Khó nhất hiện nay nữa là bảo hiểm thất nghiệp. Theo Luật Việc làm, muốn giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ phải đóng tháng liền kề hoặc có ngừng việc trong giai đoạn đó nhưng tháng mà liền kề của ngừng việc đó mới được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Vì thế, chúng tôi thống nhất sẽ trình UBND thành phố hỗ trợ khó khăn cho họ bằng 3 tháng bảo hiểm thất nghiệp đó.
PV: Đây là trường hợp đầu tiên xảy ra ở thành phố Đà Nẵng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ đi. Vậy, trong thời gian tới, thành phố có giải pháp như thế nào để tránh tình trạng người lao động bị ảnh hưởng khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn?
Ông Nguyễn Văn An: Đà Nẵng mới xảy ra trường hợp này lần đầu tiên nhưng nơi khác đã xảy ra nhiều rồi. Tôi nghĩ chức năng này, các cơ quan kiểm soát về tài chính, thuế hoặc bảo hiểm thấy doanh nghiệp nợ nhiều hoặc có dấu hiệu không lành mạnh về tài chính nên cảnh báo trước cho các cơ quan chức năng có liên quan.
Do đó bây giờ cơ quan Trung ương phải vào cuộc phải điều chỉnh ngay. Ví dụ, bảo hiểm thất nghiệp, người ta bỏ đi rồi họ không còn đóng bảo hiểm thì trong trường hợp đặc thù phải cho họ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Họ đóng tới đâu, hưởng tới đó, chứ bắt họ đóng tới nơi, họ không có để đóng tháng liền kề. Nhà nước có trách nhiệm thì bỏ ngân sách ra nhưng bỏ ngân sách ra như thế này cũng hơi vô lý. Tình cảnh khó khăn của công nhân nên chúng tôi mới đề xuất như vậy.
Sắp tới, chúng ta cần phải sửa luật, sửa Nghị định thôi và thuế. Bây giờ họ bỏ đi rồi mà khi hoàn thuế đòi chủ doanh nghiệp phải ký, họ đi rồi sao ký sao được, cho nên cần phải điều chỉnh ngay những bất cập này để bảo vệ quyền lợi của người công nhân.
PV: Vâng, xin cám ơn ông!./.