Hát karaoke gây ồn: Cần tăng mức xử phạt
VOV.VN - Theo luật sư, cần tập trung vào biện pháp kinh tế, tăng cao mức phạt đối với hành vi gây ồn trong cộng đồng dân cư để xử lý hành vi này.
Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt từ loa karaoke di động đang diễn ra ở khắp nơi, ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh. Nhiều vụ việc xuất phát từ tiếng ồn ở khu dân cư mà dẫn đến cãi nhau, đánh nhau, thậm chí gây án mạng.
Mới đây nhất, Công an quận Sơn Trà, Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam 4 bị can về hành vi chống người thi hành công vụ. Nhóm đối tượng này được xác định đã tấn công công an phường vì đã tắt loa nhạc hát karaoke của nhóm ở khu dân cư vào khoảng 22h tối sau lực lượng chức năng khi yêu cầu nhóm tắt nhạc nhưng không được.
Đối tượng Trần Văn Hải cầm đầu nhóm côn đồ tấn công người thi hành công vụ ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng. |
Vi phạm quy định tiếng ồn có thể phạt lên đến 160 triệu
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Công ty Luật HTC Việt Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hành vi hò hét, hát karaoke to gây ầm ĩ và khó chịu cho người dân, hàng xóm khu vực xung quanh từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau là vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung của khu vực, được quy định tại Điều 6 Nghị định số: 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ, cụ thể: Điều 6, Vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng.
“Như vậy, nếu hàng xóm mở tivi, gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo trong khoảng thời gian từ 22h đêm đến 6h sáng thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng” – luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho biết.
Theo Luật sư, hành vi sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép tại khu dân cư cũng có thể bị xử phạt quy định tại Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP phụ thuộc vào mức dBA tiếng ồn vượt quá bao nhiêu so với quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn, quy định tại Thông tư 39/2010/TT-BTNMT quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường. Người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.
Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật hoặc buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi hành vi này có thể yêu cầu chủ thể gây ô nhiễm tiếng ồn phải bồi thường theo quy định pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi theo quy định tại Điều 602 Bộ Luật Dân sự 2015.
Trước ý kiến cho rằng cần định danh pháp lý đối với hành vi sử dụng loa “kẹo kéo” hát karaoke vượt mức cho phép, gây ảnh hưởng đến cộng đồng là một tội danh và áp đặt mức xử lý nghiêm khắc, luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho rằng, việc này không cần thiết mà thay vào đó cần tăng cao mức phạt cũng đã đủ sức răn đe.
Cùng chung quan điểm, luật sư Nguyễn Minh Long- Công ty Luật Dragon (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, với những hành vi giết người, gây thương tích cho người khác xuất phát từ mâu thuẫn tiếng ồn đã phải chịu hình thức xử lý về mặt hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự hiện hành.
Còn với những vụ việc gây tiếng ồn vượt mức cho phép trong khu dân cư đã được quy định với những chế tài xử lý hành chính như hiện nay là đủ sức giáo dục răn đe đối với các cá nhân, cơ sở kinh doanh, sản xuất. Do đó, không cần phải xử lý hình sự, vì chế tài xử lý hình sự là nghiêm khắc nhất của cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với Nhà nước.
“Điều này liên quan đến số phận chính trị pháp lý của mọi người, do đó, chúng ta chỉ cần sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt hành chính cao hơn nữa để những người có hành vi vi phạm phải nhận thức được vấn đề mà từ đó không vi phạm nữa mới là điều cốt lõi. Việc phạt tiền mạnh còn giúp tăng thêm ngân sách quốc gia và phù hợp với quy định xử lý tiếng ồn trong môi trường của các nước hiện nay” – luật sư nêu quan điểm.
Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người dân
Theo luật sư Nguyễn Minh Long, cần giáo dục, nâng cao ý thức của mọi người dân đối với cộng đồng, xã hội. Trước hết chính quyền địa phương các cấp cần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi công dân trong từng khu dân cư, tổ dân phố, xóm ngõ vì sự bình yên chung.
Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật Dragon. |
Ở khía cạnh khác, luật sư Nguyễn Doãn Hùng nêu quan điểm, người dân có thể trao đổi hoặc yêu cầu với hàng xóm về việc làm gây mất trật tự để họ nhận ra và rút kinh nghiệm. Thẩm quyền xử phạt việc này thuộc về Chủ tịch UBND các cấp, công an nhân dân các cấp, thanh tra chuyên ngành tài nguyên- môi trường và các lực lượng khác,… Do đó, nếu đã thực hiện việc nhắc nhở mà hàng xóm vẫn tiếp tục hành vi thì người dân có thể làm đơn đề nghị UBND cấp xã để được giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Người chịu sự tác động của tiếng ồn có thể khiếu nại, tố cáo lên UBND các cấp hoặc cơ quan công an, thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thi hành công vụ.
“Ngoài ra, người dân có thể làm đơn khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú nếu mức độ gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng và người dân có cơ sở yêu cầu người gây tiếng ồn bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự. Trong các biện pháp xử lý vi phạm nêu trên, cần tập trung vào biện pháp kinh tế, tăng cao mức phạt đối với hành vi gây ồn trong cộng đồng dân cư để xử lý hành vi này. Theo tôi, đây là biện pháp khả thi nhất” – luật sư Nguyễn Doãn Hùng nêu ý kiến./.
Khởi tố nhóm đối tượng dùng bàn sắt, chai bia đánh công an