Toàn tỉnh Kon Tum đều đang bị ô nhiễm bom mìn
VOV.VN -Chiến tranh đã lùi xa song đến nay đất đai và con người Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bom, mìn, vật liệu nổ.
Tại tỉnh Kon Tum, chiến trường ác liệt trước giải phóng, bom mìn, vật nổ sót lại là mối nguy hiểm tiềm tàng, đe dọa tính mạng người dân.
Liên quan vấn đề này, PV có cuộc phỏng vấn với Trung tá Hồ Phương Ngọc, Chủ nhiệm công binh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum.
Nhiều địa phương còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bom mìn.
PV: Thưa ông, ở tỉnh Kon Tum, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đe dọa như thế nào đối với đời sống của người dân địa phương?
Trung tá Hồ Phương Ngọc: Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng qua khảo sát ngoài thực địa của các đơn vị về tình hình ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh, trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện tại tất cả các diện tích trên địa bàn toàn tỉnh đều bị ô nhiễm bom mìn.
Cụ thể bom đạn sót lại sau chiến tranh là các loại bom bi, lựu đạn, các loại mìn, các loại bom. Độ sâu có những nơi nó còn nằm trên mặt đất. Có những nơi nó nằm sâu từ 0,3 đến 0,6m. Đặc biệt có những quả bom khoan nó nằm sâu trong lòng đất đến 10- 15m.
PV: Việc khắc phục hậu quả bom mìn trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong những năm qua được thực hiện ra sao?
Trung tá Hồ Phương Ngọc: Trong khoảng 10 năm trở lại đây cùng với sự phát triển của nền kinh tế, việc khai hoang, mở đường diễn ra trên diện rộng. Trên địa bàn tỉnh trong những năm qua lực lượng công binh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, rồi các lực lượng công binh trong toàn quân đã tổ chức rà phá bom mìn tương đối nhiều.
Trên các dự án, lực lượng công binh tỉnh đã rà phá được khoảng gần 500ha và thu gom vật liệu nổ gần 12 tấn. Bên cạnh đó trong những năm qua được sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước cũng đã có Chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Từ năm 2010 đến nay trong dự án 504 của Chính phủ đã giải phóng được hơn 13.000ha. Cơ bản tập trung ở các huyện: Ngọc Hồi, Kon Plông, Ia H’Drai, Sa Thầy. Tuy nhiên diện tích rất là rộng chỉ giải phóng được phần nhỏ ở các khu dân cư. Lượng diện tích còn lại rất lớn.
PV: Thời gian tới để có thể nhanh chóng làm sạch bom mìn, nhất là ở các khu vực dân cư, chúng ta cần được bổ sung những nguồn lực gì?
Trung tá Hồ Phương Ngọc: Để đảm bảo giải phóng được bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là ở những khu đông dân cư, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Trung ương bổ sung các nguồn ngân sách để giải phóng phần ô nhiễm lớn đặc biệt là các khu đông dân cư.
Bên cạnh đó cũng kêu gọi các tổ chức phi Chính phủ người ta quan tâm đến ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đầu tư vào để cố gắng giải phóng càng nhanh càng tốt diện tích ô nhiễm bom mìn đặc biệt là các khu đông dân cư.
PV: Nhân ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4, đồng chí có nhắn nhủ, khuyến cáo gì với những người dân hiện đang sinh sống ở khu vực còn ô nhiễm bom mìn?
Trung tá Hồ Phương Ngọc: Thứ nhất là các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền cho nhân dân nắm được tác hại của bom mìn và tính nguy hiểm của bom mìn còn sót lại.
Thứ hai là đề nghị bà con nhân dân khi phát hiện được bom mìn còn sót lại sau chiến tranh thì nên tránh tiếp xúc với và phải có biện pháp giữ nguyên hiện trạng, báo cáo với cơ quan chức năng để cơ quan chức năng cử lực lượng chuyên môn xuống xử lý. Tránh tác động vào để nguy hiểm đến tính mạng của người dân./.
PV.: Xin cảm ơn ông!./.
Chủ xưởng phế liệu Bắc Ninh mua đầu đạn cũ từ Trung tâm xử lý bom mìn?
Cận cảnh binh sĩ Nga dọn sạch bom mìn tại Deir ez-Zor (Syria)