Những câu hỏi “khó đỡ” ám ảnh giới trẻ ngày Tết

VOV.VN -Tết đến xuân sang là dịp mọi người được quây quần bên gia đình. Thế nhưng, dịp này, nhiều bạn trẻ “chết khiếp” bởi những câu hỏi khó, chưa có đáp án.

Sau một năm dài với bao nỗi lo toan, vất vả với những bộn bề cuộc sống, Tết là dịp mọi người được ngồi lại cùng nhau, chia sẻ về những câu chuyện đã qua, chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới. Cũng trong dịp này, người Việt Nam thường hỏi thăm nhau về những chuyện đôi khi riêng tư như, khi nào lấy chồng/ vợ, có người yêu chưa, tiền lương bao nhiêu, làm gì ở đâu…

Những câu hỏi tưởng như quan tâm ấy lại khiến nhiều bạn trẻ vơi đi nỗi háo hức ngày Tết.

Ngày Tết, nhiều bạn trẻ phải đối mặt với nhiều câu hỏi "khó đỡ" từ gia đình, họ hàng... (Ảnh minh họa). 

Làm gì, lương bao nhiêu?

Một trong những câu hỏi khó trả lời nhất ngày Tết với bạn trẻ là chuyện công việc, học hành. Chẳng có gì lạ, nếu như một ngày bạn có thể nhận được 5-10 câu hỏi cùng chủ đề này.

Tuấn Anh (23 tuổi, Lạng Giang, Bắc Giang) chia sẻ: “Mỗi lần về quê, tôi đều được hỏi hàng chục câu hỏi về thu nhập, lương bao nhiêu, thưởng Tết bao nhiêu? Đã vào chính thức chưa? Khi mới ra trường, công việc còn chưa ổn định, những câu hỏi ấy quả thực rất khó trả lời”.

Tuấn Anh chia sẻ thêm, ngại nhất là khi được hỏi về chuyện công việc, lương thưởng, rồi lại bị đem ra so sánh với những anh, chị em, bạn bè đồng trang lứa. “Khi chưa có công việc tốt, mức lương cao, bản thân mình cũng sẽ không thấy hài lòng. Nên tốt nhất đừng đem so sánh kiểu, “đấy, thằng A nhà này, nhà kia, cùng học, thế mà giờ nó làm này, làm kia, lương tháng mấy chục triệu…”

Có người yêu chưa, bao giờ lấy chồng/ vợ?

Giống như nhiều cô gái khác, Trịnh Thu Thảo ( 25 tuổi, quê Phú Thọ) hiện đang làm việc tại Hà Nội chia sẻ: “Khi về quê ăn Tết, câu hỏi mà mọi người hay hỏi tôi nhiều nhất là: Bao giờ con/cháu/ em/chị lấy chồng, năm nay vẫn không dẫn anh nào về ra mắt à”?.

“Nếu bảo chưa có người yêu, thì y như rằng sẽ bị gắn ngay cho mác “gái ế”, hoặc bị nói là kén quá! Thực ra ở tuổi này, gia đình và người thân sốt ruột cũng là điều dễ hiểu. Trước sự thúc giục của mọi người, đôi khi, bản thân cũng “sốt” theo”, Thảo chia sẻ. 

Trịnh Thu Thảo cho rằng, không nên vì sự thúc giục của gia đình mà vội vã kết hôn khi chưa sẵn sàng. (Ảnh: NVCC)

Làm trong lĩnh vực truyền thông, thường xuyên phải đi công tác xa, cộng thêm việc kinh doanh thời trang online, khiến Thu Thảo không có nhiều thời gian nghĩ đến chuyện tình cảm. Thảo cũng cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, thế nhưng những câu hỏi “muôn năm cũ” ấy đôi khi cũng khiến cô lúng túng.  

Theo Thu Thảo, 27 tuổi là độ tuổi đẹp nhất để kết hôn. Trước đó, con gái nên tập trung nhiều hơn vào sự nghiệp, thực hiện những ước mơ của bản thân. 

“Mình nghĩ rằng những câu hỏi này xuất phát từ chính sự quan tâm của mọi người. Nhưng nếu như bị hỏi nhiều quá, mình sẽ tìm cách trêu lại hoặc lảng tránh. Theo mình, kết hôn là chuyện quan trọng của cả cuộc đời, vì vậy chúng ta không nên vội vã. Đừng nên kết hôn chỉ vì gia đình, bạn bè thúc giục, cũng như không nên gượng ép trong hôn nhân. Đối với mình, chỉ nên kết hôn khi có tình yêu chân thành và sự trưởng thành trong mỗi người, như vậy, hôn nhân mới có nền tảng vững chắc cho sau này”, Thảo tâm sự.

Không chỉ các bạn nữ, nhiều bạn nam cũng bị rơi vào cảnh dở khóc dở cười với hàng tá câu hỏi xoay quanh nội dung bao giờ lấy vợ của bố mẹ, họ hàng dịp Tết.

Nguyễn Anh Việt (32 tuổi, Long Biên, Hà Nội), là phó phòng kinh doanh của một công ty lớn tại Hà Nội, đã có nhà cửa, xe ô tô riêng, nhưng đến nay vẫn “vườn không nhà trống”. Anh chia sẻ, quanh năm bận bịu với công việc cũng không sao, nhưng cứ đến Tết lại lo ngay ngáy. Năm nào về quê cũng nghe điệp khúc: Bao giờ cho cô/ chú/ anh/ chị ăn cỗ? Đã có người yêu chưa? Thậm chí có năm bố mẹ còn tuyên bố: “Tết này không có người yêu thì đừng về”…

Sợ Tết, có năm Việt lấy lý do đi công tác nước ngoài, rồi xách balo đi du lịch cùng bạn bè đến mùng 3 Tết mới về, vì dịp này đã vãn khách chúc Tết.

Cách đây 3 năm, để chống cháy, anh đã liều thuê bạn gái giả đưa về ra mắt bố mẹ, nhưng câu chuyện sau đó còn khốn khổ hơn, khi bố mẹ anh vừa nhìn đã ưng luôn cô bạn gái hờ của anh. Rồi sau đó, Việt lại phải dàn dựng một màn chia tay có lý có tình…

“Đến tuổi, ai chả muốn có người yêu, lấy vợ, nhưng khi duyên chưa đến, thì biết phải là sao”? Việt chia sẻ.

Trước những câu hỏi khó dịp Tết, anh Việt cho rằng: “Nếu thân, mình sẽ tự chia sẻ. Còn nếu không thì cũng chỉ nên hỏi ở mức xã giao, tránh đào sâu. Bởi không phải ai cũng suôn sẻ trong chuyện tình cảm, công việc, để có thể tự tin trả lời”.

Bao giờ có cháu bế?

Lấy chồng là một chuyện, nhưng sinh con lại là chuyện khác. Tâm lý chung của nhiều gia đình, khi có con cháu kết hôn, đều mong ngóng tin vui. Nhiều phụ nữ sau khi lấy chồng một thời gian nhưng vẫn chưa có con sẽ phải chịu áp lực trăm bề từ phía gia đình, dòng họ đôi bên. Ngoài ra, còn phải đối diện với những câu hỏi tò mò của những người xung quanh.

Đây được đánh giá là câu hỏi kém duyên khi người đó có thể gặp vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản hay đang muốn kéo dài thời gian, chưa vướng bận con cái để hoàn thành những mục tiêu khác trong cuộc sống. Đừng biến những quan tâm đơn thuần trở thành áp lực vô hình cho người đối diện.

Văn hóa của ta thường quan tâm lẫn nhau. Quan tâm từ những việc trọng đại đến cá nhân, riêng tư. Sự quan tâm ấy thể hiện tình cảm, sự gần gũi, nhưng đôi khi, một cách vô tình, sự quan tâm ấy lại khiến nhiều người rơi vào tình huống  khó xử trong ngày vui dịp Tết./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nơi phụ nữ phải kiếm đủ 20 người đàn ông mới được lấy chồng
Nơi phụ nữ phải kiếm đủ 20 người đàn ông mới được lấy chồng

VOV.VN -Theo phong tục, cô gái đi lấy chồng khi còn trinh trắng là điều xui xẻo với gia đình nhà trai.

Nơi phụ nữ phải kiếm đủ 20 người đàn ông mới được lấy chồng

Nơi phụ nữ phải kiếm đủ 20 người đàn ông mới được lấy chồng

VOV.VN -Theo phong tục, cô gái đi lấy chồng khi còn trinh trắng là điều xui xẻo với gia đình nhà trai.

Tủi nhục phận gái nghèo lấy chồng giàu
Tủi nhục phận gái nghèo lấy chồng giàu

VOV.VN -Mẹ chồng không chịu hiểu, ngày nào cũng tìm cớ gây áp lực với tôi. Cứ tình hình này, không biết đến lúc tôi có con, tôi có chịu nổi không?

Tủi nhục phận gái nghèo lấy chồng giàu

Tủi nhục phận gái nghèo lấy chồng giàu

VOV.VN -Mẹ chồng không chịu hiểu, ngày nào cũng tìm cớ gây áp lực với tôi. Cứ tình hình này, không biết đến lúc tôi có con, tôi có chịu nổi không?

Nên lấy chồng nghèo vì yêu hay chọn anh nhà giàu qua mai mối?
Nên lấy chồng nghèo vì yêu hay chọn anh nhà giàu qua mai mối?

VOV.VN - Người em yêu bị bố mẹ, bạn bè phản đối vì gia cảnh nghèo khó, còn người em được mai mối, mọi điều kiện đều tốt, nhưng  lại không phải người em yêu. 

Nên lấy chồng nghèo vì yêu hay chọn anh nhà giàu qua mai mối?

Nên lấy chồng nghèo vì yêu hay chọn anh nhà giàu qua mai mối?

VOV.VN - Người em yêu bị bố mẹ, bạn bè phản đối vì gia cảnh nghèo khó, còn người em được mai mối, mọi điều kiện đều tốt, nhưng  lại không phải người em yêu.