Hướng đi nào để Hồ Tây trở thành danh thắng quốc gia?
VOV.VN -Đã có nhiều chuyên gia đồng ý với việc Hồ Tây đủ điều kiện để trở thành một danh thắng quốc gia, nhưng để bảo tồn, phát triển thế nào thì vẫn là câu hỏi
Hà Nội không chỉ ấn tượng với du khách bởi “ba sáu phố phường”, chùa chiền và kiến trúc thuộc địa… mà còn là cây xanh, mặt nước. Và trong số hàng chục hồ tự nhiên còn lại ở Hà Nội thì nổi tiếng và được nhiều người biết đến hơn cả vẫn là Hồ Gươm, Hồ Tây.
Nếu Hồ Gươm được ví như một viên ngọc tại trung tâm Hà Nội và được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thì Hồ Tây vẫn chỉ là một danh thắng bình thường mang vẻ đẹp thiên nhiên rộng lớn, bao la, hệ sinh thái đa dạng và hệ thống các di tích lịch sử bao quanh.
Với vẻ đẹp đó, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, GS, tiến sỹ và cả cấp lãnh đạo đều đã đưa ra những yếu tố cho thấy Hồ Tây hoàn toàn đủ điều kiện để có thể được công nhận là một danh thắng quốc gia.
Nhưng, bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Hồ Tây hiện vẫn chưa được quan tâm và khai thác xứng tầm với giá trị mà nó đang có.Thậm chí việc khai thác không đúng mức còn làm giảm giá trị vẻ đẹp tự nhiên của Hồ Tây.Vì vậy, nếu công nhân một danh thắng quốc gia như vậy thì có nên chăng?
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao – Du lịch Hà Nội cho biết, Sở rất tán thành với đề xuất xây dựng hồ sơ đưa Hồ Tây là danh thắng quốc gia và trình cấp có thẩm quyền xem xét. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn ở đây là Hồ Tây quá rộng, mà phạm vi trong hồ sơ trình xếp hạng phải chỉ rõ được trong bản đồ địa chính đâu là khu vực một, đâu là khu vực hai. Bởi khi đã trở thành danh thắng cấp quốc gia thì mọi thứ đều phải đảm bảo được quản lý theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. Khu vực một ở đây là phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Khu vực hai, là khu vực phụ trợ thì chỉ được xây dựng những công trình để phát huy giá trị của di tích. Trong khi, cuộc sống dân sinh và quá trình phát triển kinh tế xã hội ở hồ Tây vẫn diễn ra hàng ngày.
Vì vậy, các cấp lãnh đạo đang xem xét, cân nhắc… thu thập tài liệu, ý kiến để có những tính toán hợp lý nhất để khi Hồ Tây trở thành danh thắng cấp quốc gia được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị một cách tốt hơn.
Còn theoTS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Nguyên KTS trưởng TP Hà Nội cho biết, để công nhận một danh thắng cấp quốc gia, thì chúng ta cần phải xem xét đến nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất là cái giá trị văn hóa của nó bao gồm giá trị phi vật thể và giá trị vật thể hiện trạng của nó có được hay không… Và với những giá trị thực tại của Hồ Tây thì mọi người đều thấy nó hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành một danh thắng quốc gia.Tuy nhiên, để phát huy giá trị của Hồ Tây thì vẫn còn băn khoăn và thiếu sót. Thiếu ở đây chính là cơ sở pháp lý, chính sách quản lý, cơ sở khoa học và đặc biệt là vai trò của cộng đồng ở Hồ Tây.
“Ví dụ như: Chúng ta chưa khai thác hết lợi thế của mặt nước Hồ Tây. Ở đây ta có thể tổ chức thể thao, tổ chức đua thuyền, tổ chức dạo chơi, thậm chí là nhảy dù, cả thủy phi cơ… Nhưng chúng ta chưa làm. Thay vào đó chúng ta khai thác kinh doanh dịch vụ ăn uống bằng các du thuyền – điều này làm ảnh hưởng đến môi trường Hồ Tây do việc xả rác, chất thải thiếu sự quản lý và xử lỷ triệt để” – ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Về vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội cũng ra Quyết định số 92/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý Hồ Tây với các nội dung quan lý môi trường nước, không khí, các chất thải, rác thải, hệ thống hạ tầng, quy hoạch và kiến trúc, nuôi trồng thủy sản… trên Hồ Tây.
Tuy nhiên, các quy định trên chỉ mới đề cập đến quản lý hiện trạng. Nếu có chủ trương nâng Hồ Tây lên tầm danh thắng đô thị quốc gia thì hiển nhiên còn phải làm rất nhiều việc, mà việc đầu tiên là lập danh mục đầy đủ các giá trị vật thể và phi vật thể để đưa chúng vào quy hoạch phát triển dài hạn và lập chương trình hành động.
“Tôi cho rằng nên tiếp tục cho khai thác loại hình du thuyền trên Hồ Tây và nhà hàng nổi giữa hồ nhưng cần hạn chế về số lượng thuyền, số lượng khách lên nhà hàng mỗi tối (tạo sự hiếu kì và cũng là lời cảnh báo về ý thức bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững)” - ông Nguyễn Đình Thành nêu ý kiến.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Thành, việc Hồ Tây có trở thành danh thắng cấp quốc gia hay không thực ra không quá quan trọng bởi nó chỉ là việc danh nghĩa. Trên thực tế, Hồ Tây đã đang và sẽ là một phần quan trọng trong lịch sử và văn hóa của Hà Nội nói riêng và cả nước. Vấn đề là cần bảo vệ môi trường, phát huy và khai thác một cách bền vững các giá trị văn hóa lịch sử của hồ trước khi chúng biến mất vĩnh viễn./.
Hồ Tây là một địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng nằm ở phía Tây của Hà Nội, có độ đa dạng sinh học cao, là một hồ nước ngọt lớn nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với diện tích hơn 526 ha mặt nước, chu vi 18 km.
Quanh hồ có tới 64 di tích, trong đó có 21 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng và có giá trị văn hóa, lịch sử cao như: chùa Trấn Quốc, đình Yên Phụ, chùa Kim Liên, Phủ Tây Hồ…
Bên cạnh đó, xung quanh Hồ Tây còn có nhiều làng nghề được hình thành và phát triển trở nên nổi tiếng như: nghề làm giấy ở An Thái, Bưởi, nghề nuôi tằm ở Nhật Chiêu, Nghề đúc đồng ở Ngũ Xã…