Làng cổ Đường Lâm: Bảo tồn là dân mà phá hủy cũng là dân
(VOV) - Với đặc thù là một “di tích sống”, nếu không ưu tiên người dân trong vấn đề phát triển thì dù bảo tồn thế nào cũng thất bại.
Những ngày qua, câu chuyện một số hộ dân sinh sống ở Đường Lâm trả lại “danh hiệu” di sản đã làm dậy sóng dư luận. Với đặc thù là một “di tích sống”, việc quản lý, bảo tồn làng cổ Đường Lâm gặp nhiều khó khăn dẫn đến mâu thuẫn với phát triển đời sống dân sinh, gây nên những bức xúc của người dân.
Trên thực tế, sự bất cập trong việc quản lý di tích không phải đến nay mới diễn ra. Theo ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban quản lý (BQL) Di tích làng cổ Đường Lâm, từ những năm 2008-2009, đã có những bất cập nảy sinh. Mật độ dân số gia tăng dẫn đến việc cần có một không gian sống rộng hơn, nhu cầu sinh hoạt của người dân cũng tăng nên việc xây thêm tầng hay cải tạo lại khu vực nhà cổ là việc có thể hiểu được.
Nhà 2 tầng nhan nhản tại làng cổ Đường Lâm (Ảnh: Dantri) |
Tại thời điểm đó, BQL đã gửi 2 công văn báo cáo về khó khăn trong quy hoạch lên Sở VH-TT&DL Hà Nội cùng với Bộ VH-TT&DL nhưng không nhận được phản hồi. Người dân muốn xây nhà phải thông qua rất nhiều thủ tục rườm rà giữa các Bộ, ban, ngành nhưng vẫn không thể xây vì vi phạm luật di tích. Thị xã Sơn Tây phải cấp thỏa thuận tạm thời cho người dân nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển đời sống dân sinh. Người dân xây vẫn cứ xây và hậu quả đáng buồn là số lượng nhà cổ Đường Lâm đã giảm xuống, đến nay chỉ còn hơn 100 nhà. Nếu không nhanh chóng thực hiện việc bảo tồn thì một di tích văn hóa được xếp hạng quốc gia sẽ bị phá hủy bởi chính người dân.
Với phương châm “dù khó cũng không bỏ làng cổ Đường Lâm”, sáng 8/6 tại Hà Nội, Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe) phối hợp với Sở VH-TT&DL Hà Nội tổ chức hội thảo “Chung tay gìn giữ giá trị viên ngọc quí – làng cổ Đường Lâm” để bàn về những giải pháp bảo tồn di tích văn hóa được quốc gia công nhận.
Phải có cơ chế đặc thù với làng cổ Đường Lâm
Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu và đại diện các cơ quan chức năng đều cho rằng, muốn bảo tồn làng cổ Đường Lâm thì đầu tiên phải giải quyết được vấn đề nhu cầu đời sống của người dân.
Để làm được điều nay, BQL di tích đã cùng UNBD thị xã Sơn Tây thành lập các ban chỉ đạo, trong đó có đại diện của các hộ di tích để nói lên những tâm tư, suy nghĩ của người dân và trao đổi trực tiếp các vấn đề nóng; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể toàn khu di tích để quản lý khoa học; quy hoạch khu giãn dân hợp lý để cuối 2013, đầu 2014 có thể tiến hành giãn dân.
Với một số trường hợp các hộ dân xây nhà 2 tầng để phục vụ đời sống, ông Phạm Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng HN) cho rằng: “Nếu cho phép xây nhà 2 tầng và thỏa hiệp thì liệu những cụm nhà cổ còn có ích gì khi xung quanh là đô thị hiện đại? Chúng ta không phải bảo tồn nhà cổ mà phải bảo tồn làng cổ, bảo tồn không gian văn hóa. Phải thuyết phục được người dân giữ nguyên trạng và tiến hành giãn dân”.
Ông Phạm Hùng Sơn
Theo đó, ông Lưu Quang Huy, Phó viện trưởng Viện Qui hoạch Xây dựng HN cho rằng, phải đưa ra được một mật độ dân số nhất định trong lòng làng cổ Đường Lâm để có thể tiến hành giãn dân một cách khoa học. Mức sống người dân cũng phải được nâng cao. Trong làng cổ cũng có thể có Internet, có những phương tiện hiện đại, thiết bị phục vụ đời sống công nghệ cao… Đời sống người dân được bảo đảm từ “bên trong” thì việc bảo tồn “bên ngoài” mới có thể thực hiện lâu dài và đồng bộ.
Làng cổ phải trở thành một phần đời sống dân sinh gắn với lợi ích trực tiếp
Một vấn đề thứ hai mà nhiều nhà nghiên cứu cũng rất chú trọng là phải đem làng cổ trở thành một phần đời sống dân sinh gắn với lợi ích trực tiếp.
Làng cổ Đường Lâm khác hẳn với phố cổ Hội An hay phố cổ Hà Nội bởi 70% dân số làm nông. Người dân ở nơi này chưa biết làm du lịch, chưa có lợi từ chính ngôi nhà của mình và chưa ý thức được giá trị của nơi mình đang sống, mà chỉ trông vào mức thu phí của BQL.
Trong năm 2012, làng cổ Đường Lâm có khoảng 120.000 khách du lịch. Với giá vé 20.000 đồng cho người lớn, 10.000 đồng cho trẻ em, năm 2012, BQL thu về được khoảng 1,4 tỷ. Tuy nhiên, theo Quyết định 43 UBND TP. Hà Nội, số tiền này được giữ lại để thực hiện công tác phục vụ như in vé, tờ rơi, quảng bá du lịch, an ninh… chứ không về được đến tay người dân. BQL chỉ có thể hỗ trợ tập huấn cách bảo tồn nhà cổ, đi thăm quan để học hỏi làm du lịch…
Người dân không có lợi nên từ bỏ “danh hiệu”. Chính vì thế, trong thời gian tới, UBND thị xã Sơn Tây, BQL di tích làng cổ Đường Lâm phối hợp với các Sở, ban, ngành sẽ tập trung đầu tư vào việc chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch (cả trực tiếp và gián tiếp). Sẽ có những vùng để bà con trồng cây nông nghiệp như ngô, lúa… để trở thành hàng hóa, khi khách du lịch đến có thể bán sản phẩm. Một năm sẽ tổ chức vài lớp tập huấn để làm du lịch, làm nghề. Tuyên truyền để người dân tự giác làm du lịch.
TS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững, đưa ra biện pháp phát triển bằng cách tận dụng ưu thế kinh tế nông nghiệp của Đường Lâm. Tour du lịch đặc biệt “Mùa lúa chín” với các hoạt động tham quan, tạo ra các hình nộm rơm, phát triển ẩm thực dân gian, sáng tạo đồ lưu niệm từ vật liệu truyền thống… sẽ giúp người dân “sống” được từ đồng ruộng và di tích.
Phát triển kinh tế nông nghiệp từ cây lúa gắn với du lịch là hướng đi có lợi cho người dân (Ảnh:Hà Thành) |
Ngoài ra, trong năm 2013, BQL di tích sẽ tham mưu cho thành phố để thay đổi Quyết định 43, có thể giữ lại 40% và đưa 60% tiền thu phí cho người dân Đường Lâm; kiến nghị tăng mức tiền thu phí để hỗ trợ cuộc sống người dân.
Ông Trương Minh Tiến, Phó GĐ Sở VH-TT&DL Hà Nội nhấn mạnh: “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phải phục vụ yêu cầu phát triển cộng đồng. Trong tháng 6, Sở sẽ trình Bản quy hoạch phát huy, bảo tồn và tôn tạo giá trị làng cổ Đường Lâm cho TP Hà Nội. Trong thời gian sớm nhất sẽ thực hiện các biện pháp cụ thể để giúp cho làng cổ Đường Lâm có được sự phát triển bền vững và đồng bộ nhất”./.