Bầu cử Tổng thống Pháp 2022: Biết trước kết quả hay sẽ có bất ngờ?

VOV.VN - Đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang chiếm ưu thế áp đảo trong cuộc đua vào vị trí người đứng đầu nước Pháp 2022. Liệu cuộc bầu cử đã biết trước kết quả hay sẽ có những bất ngờ?

Ưu thế áp đảo

Cuộc thăm dò dư luận mới nhất và lớn nhất được thực hiện tại Pháp, do các hãng Ipsos-Sopra Steria phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu chính trị - Cevipof của Trường Chính trị Paris (Sciences Po Paris) và quỹ Jean Jaures thực hiện và công bố kết quả trong ngày 28/03 cho thấy, hiện tại đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang dẫn đầu trong cuộc đua vào vị trí người đứng đầu nước Pháp, với tỷ lệ ủng hộ nhận được trong vòng 1 cuộc bầu cử ngày 10/04 dự kiến là 28%.

Đứng thứ hai là bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) với 17,5%. Đứng thứ ba là ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon của đảng “Nước Pháp bất khuất” (LFI) với 14%. Đây là 3 ứng cử viên sáng giá nhất hiện nay và cũng là 3 ứng cử viên có nhiều kinh nghiệm nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

Bà Marine Le Pen và ông Jean-Luc Mélenchon đều đã có 2 lần tham gia tranh cử Tổng thống Pháp vào các năm 2012 và 2017 còn đương kim Tổng thống Pháp Macron là người chiến thắng cuộc bầu cử 5 năm trước. Xếp sau 3 ƯCV này là ông Eric Zemmour, một gương mặt cực hữu gây nhiều tranh cãi, với số phiếu dự kiến nhận được tại vòng 1 là 11,5%.

Đây là một chi tiết đáng chú ý bởi cho đến cuối năm 2021, ông Eric Zemmour vẫn được đánh giá là một “ẩn số” của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay khi trong một thời gian tương đối dài luôn so kè với bà Marine Le Pen ở vị trí thứ hai và cũng đã lôi kéo được rất nhiều nhân vật gạo cội trong đội ngũ của bà Marine Le Pen về phe của mình.

Xếp sau ông Eric Zemmour là bà Valérie Pécresse, ƯCV của đảng cánh hữu “Những người Cộng hoà” (LR), vốn là một trong hai chính đảng truyền thống lớn nhất tại Pháp, với dự kiến nhận được khoảng 10% phiếu bầu ở vòng 1. Đây là một sự thất vọng lớn với cá nhân bà Valérie Pécresse và đảng “Những người Cộng hoà” bởi vào thời điểm bà Pécresse được lựa chọn là ƯCV đảng này ra tranh cử Tổng thống vào tháng 10/2021, uy tín của bà Valérie Pécresse lên rất cao và từng được nhiều chuyên gia dự đoán có thể thách thức nghiêm túc vị thế của ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen. Tuy nhiên, các chiến dịch tranh cử thất bại và việc mắc Covid-19 trong đúng giai đoạn nước rút hiện nay khiến cơ hội của bà Valérie Pécresse giảm sút rất nhiều.

Ngoài 5 ƯCV lớn này, có 7 ƯCV khác dự kiến sẽ chỉ nhận được ít hơn 10%, thậm chí là dưới 5% tổng số phiếu bầu vòng 1, lần lượt là các ông Yannick Jadot của đảng Sinh thái (dự kiến giành 7% phiếu), ông Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp (dự kiến 3,5%), bà Anne Hidalgo, Thị trưởng thủ đô Paris và là ƯCV đảng Xã hội (dự kiến giành 2% phiếu). Các ƯCV còn lại như Jean Lassalle (đảng Phản kháng), Nicolas Dupont-Aignan (đảng Nước Pháp đứng lên), Philippe Poutou (tân đảng chống Chủ nghĩa tư bản) hay Nathalie Arthaud (đảng Đấu tranh công nhân) đều được dự đoán giành số phiếu rất thấp ở vòng 1, từ 0,5% đến 2,5%.

Cử tri vắng mặt - yếu tố khó lường?

Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy, khoảng 3/4 người Pháp tin rằng ông Emmanuel Macron sẽ tái đắc cử chức Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2. Cụ thể, ông Macron được dự đoán sẽ giành 28-29% tổng số phiếu bầu của cử tri Pháp ở vòng 1 ngày 10/04 và khoảng 60% tổng số phiếu ở vòng 2 ngày 24/04. Mặc dù trong những ngày gần đây, tỷ lệ ủng hộ ông Macron có sụt giảm nhẹ nhưng hầu như tất cả giới phân tích đều cho rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay gần như đã phân định trước kết quả và phải có một biến cố ghê gớm xảy ra mới có thể khiến ông Macron thất cử.

Chính vì thế, có một lượng cử tri Pháp nhất định cho rằng, việc đi bỏ phiếu vào các ngày 10/04 và 24/04 tới là không cần thiết. Đó là hai ngày Chủ nhật cuối tuần, thời tiết rất đẹp nên thay vì đi bỏ phiếu thì nhiều người có thể sẽ lựa chọn việc ở nhà hoặc đi du lịch. Do đó, tỷ lệ cử tri vắng mặt tại vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay dự đoán sẽ ở mức cao kỷ lục là khoảng 30%.

Đây là con số rất đáng chú ý bởi trong nền chính trị Pháp, bầu cử Tổng thống không chỉ là sự kiện chính trị quan trọng nhất mà còn mang nhiều yếu tố văn hoá-xã hội và lượng cử tri Pháp đi bỏ phiếu luôn rất đông đảo, thường xuyên ở mức gần 80%. Trong số những người có thể vắng mặt, đông nhất chính là lượng cử tri ủng hộ ông Emmanuel Macron. Tâm lý của những người này là cuộc bầu cử năm nay đã ngã ngũ và trước sau gì ông Macron cũng chiến thắng nên không cần thiết phải đi bỏ phiếu.

Đây chính là chi tiết có thể khiến cơ hội chiến thắng của ông Macron bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, lợi thế của ông Macron hiện nay quá lớn bởi số cử tri ủng hộ ông vẫn cao hơn nhiều so với các đối thủ phía sau. Ngoài ra, dù số lượng cử tri vắng mặt có thể cao đến mức 30% nhưng trong số những cử tri đã xác định sẽ đi bỏ phiếu thì đa số (77%) lại là những người đã có quyết định về việc sẽ bỏ phiếu cho ai. Trong số này, lượng cử tri tuyên bố bỏ phiếu cho ông Macron vẫn là cao nhất.

Vì thế, từ nay đến khi diễn ra cuộc bỏ phiếu vòng 1, có thể tỷ lệ ủng hộ ông Macron sẽ tiếp tục sụt giảm nhẹ nhưng điều này cũng khó tạo nên một thay đổi mang tính bước ngoặt, do ưu thế của ông Macron so với các đối thủ khác, trực tiếp là bà Marine Le Pen, vẫn là rất lớn. Hiện tại, ông Macron vẫn đang hơn bà Marine Le Pen 10 điểm, một khoảng cách gần như không thể san bằng và đến vòng 2, ông Macron cũng được dự đoán sẽ chiến thắng với cách biệt ít nhất là 14 điểm so với đối thủ, dù người đó là bà Marine Le Pen hay ông Jean-Luc Mélenchon.

Sức mua hay chiến tranh?

Trong số hơn 10 chủ đề mà cử tri Pháp quan tâm nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay, “nóng” nhất là sức mua, tiếp đến là cuộc chiến tại Ukraine, sau đó mới đến các vấn đề khác như việc làm, nhập cư, an ninh, vấn đề tội phạm. Do đó, mặc dù cuộc chiến tại Ukraine là yếu tố quan trọng nhất đẩy uy tín của ông Emmanuel Macron, trên cương vị là Tổng tư lệnh quân đội Pháp, lên cao nhưng vấn đề sức mua vẫn sẽ là một yếu tố vô cùng quan trọng tác động đến tâm lý cử tri Pháp vào thời điểm này.

Hiện tại, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cuộc chiến tại Ukraine hay khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả nhiều mặt hàng tại Pháp, đặc biệt là giá nhiên liệu và thực phẩm, đang tăng rất nhanh. Hiện giá xăng-dầu tại Pháp đã tiệm cận các mức cao nhất trong lịch sử, khiến đời sống của người dân Pháp thêm khó khăn khi sức mua giảm sút.

Ý thức được điều đó, các đối thủ của ông Macron, đặc biệt là bà Marine Le Pen đã tập trung tranh cử rất mạnh về chủ đề này. Bà Marine Le Pen đã liên tiếp có các chuyến đi vận động cử tri bình dân ở nhiều địa phương nông thôn của Pháp, tiếp xúc nhiều với người lao động Pháp.

Trong khi đó, mặc dù chính phủ Pháp đã đưa ra quyết định trợ cấp cho mỗi người dân Pháp 15 cent trên mỗi lít nhiên liệu, nhưng ông Emmanuel Macron lại gần như không thực hiện bất cứ chiến dịch tranh cử nào. Đây có thể sẽ là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây bất ngờ bởi theo các cuộc điều tra thành phần cử tri, 70% số cử trị Pháp ủng hộ ông Macron là những người đang hài lòng với cuộc sống, nói cách khác là những người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên tại Pháp, có điều kiện tài chính và không bị tác động quá nhiều khi sức mua sụt giảm.

Ngược lại, khoảng 70% những người ủng hộ bà Marine Le Pen là những người thuộc tầng lớp bình dân, đang gặp khó khăn khi kinh tế trì trệ. Do đó, nếu giá nhiên liệu, thực phẩm tiếp tục tăng trong những ngày tới, sự bất mãn của dân chúng bình dân tại Pháp sẽ tăng cao và có thể khiến sự ủng hộ đối với ông Macron sụt giảm.

Thêm một nguy cơ khác đối với ông Macron, đó là tâm lý chiến thắng quá sớm có thể sẽ phản tác dụng. Giới quan sát và truyền thông cho rằng trên thực tế ông Macron không hề vận động tranh cử thực sự mà chỉ đưa ra một số cam kết tiếp tục tiến hành những chương trình đang dang dở, thay vì phải đưa ra các kế hoạch hoàn toàn mới. Vì thế, sự xem nhẹ của ông Macron với cuộc bầu cử này có thể khiến nhiều cử tri Pháp không hài lòng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nền chính trị Pháp có những điểm hết sức đặc biệt, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra dưới hình thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp hai vòng. Việc có 2 vòng bầu cử khiến cơ hội để xảy ra các bất ngờ là rất hiếm, đặc biệt nếu như một trong 2 ƯCV bước vào vòng 2 cuộc bầu cử lại là một người đến từ đảng cực hữu.

Đặc điểm này được gọi là “rào cản dân chủ”, tức là khi một ƯCV bất kỳ phải đọ sức với một ƯCV cực hữu tại vòng 2 thì hầu như mọi đảng phái hay cử tri Pháp đều được huy động bỏ phiếu chống lại ƯCV cực hữu này. Đây là những lá phiếu “có ích”, theo nghĩa là các cử tri bỏ phiếu cho 1 ƯCV không phải vì ủng hộ ƯCV đó mà là vì đó là là phiếu “có ích”, giúp ngăn chặn một chính trị gia cực hữu chiến thắng. Điều này giải thích cho các chiến thắng áp đảo của ông Jacques Chirac năm 2002 trước ông Jean-Marie Le Pen hay của chính ông Emmanuel Macron trước bà Marine Le Pen năm 2017.

Mặc dù hiện nay hình ảnh của bà Marine Le Pen đã được cải thiện rất nhiều trong dân chúng Pháp, nhưng “rào cản dân chủ” này có lẽ vẫn là cản trở quá lớn, khiến bà khó có thể hy vọng lật đổ được ông Macron./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bầu cử Tổng thống Pháp 2022 nóng khi bước vào giai đoạn chính thức
Bầu cử Tổng thống Pháp 2022 nóng khi bước vào giai đoạn chính thức

VOV.VN - Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022 sẽ bước vào giai đoạn chính thức từ hôm nay (28/3) và sẽ diễn ra trong 2 tuần nữa.

Bầu cử Tổng thống Pháp 2022 nóng khi bước vào giai đoạn chính thức

Bầu cử Tổng thống Pháp 2022 nóng khi bước vào giai đoạn chính thức

VOV.VN - Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022 sẽ bước vào giai đoạn chính thức từ hôm nay (28/3) và sẽ diễn ra trong 2 tuần nữa.

Bầu cử Pháp tiếp tục “nóng” với chủ đề xung đột tại Ukraine
Bầu cử Pháp tiếp tục “nóng” với chủ đề xung đột tại Ukraine

VOV.VN - Chủ đề về cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục đốt nóng các cuộc tranh luận và trả lời trên truyền hình của các ứng cử viên trong bối cảnh chưa đầy 3 tuần nữa cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022 sẽ diễn ra.

Bầu cử Pháp tiếp tục “nóng” với chủ đề xung đột tại Ukraine

Bầu cử Pháp tiếp tục “nóng” với chủ đề xung đột tại Ukraine

VOV.VN - Chủ đề về cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục đốt nóng các cuộc tranh luận và trả lời trên truyền hình của các ứng cử viên trong bối cảnh chưa đầy 3 tuần nữa cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022 sẽ diễn ra.

Xung đột tại Ukraine và hệ luỵ đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022
Xung đột tại Ukraine và hệ luỵ đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022

VOV.VN - Trong tuần qua, 8 ứng cử viên lớn nhất, bao gồm cả Tổng thống Emmanuel Macron đã cùng xuất hiện trên truyền hình để trả lời câu hỏi “Nước Pháp đối mặt ra sao với cuộc chiến tại Ukraine.

Xung đột tại Ukraine và hệ luỵ đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022

Xung đột tại Ukraine và hệ luỵ đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022

VOV.VN - Trong tuần qua, 8 ứng cử viên lớn nhất, bao gồm cả Tổng thống Emmanuel Macron đã cùng xuất hiện trên truyền hình để trả lời câu hỏi “Nước Pháp đối mặt ra sao với cuộc chiến tại Ukraine.

Bầu cử Pháp 2022: Tổng thống Macron công bố cương lĩnh tái tranh cử
Bầu cử Pháp 2022: Tổng thống Macron công bố cương lĩnh tái tranh cử

VOV.VN - Thúc đẩy độc lập về năng lượng, tăng độ tuổi về hưu, nâng phúc lợi xã hội hay củng cố năng lực quốc phòng là những nội dung ưu tiên chính trong cương lĩnh tái tranh cử được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính thức đưa ra ngày 17/3.

Bầu cử Pháp 2022: Tổng thống Macron công bố cương lĩnh tái tranh cử

Bầu cử Pháp 2022: Tổng thống Macron công bố cương lĩnh tái tranh cử

VOV.VN - Thúc đẩy độc lập về năng lượng, tăng độ tuổi về hưu, nâng phúc lợi xã hội hay củng cố năng lực quốc phòng là những nội dung ưu tiên chính trong cương lĩnh tái tranh cử được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính thức đưa ra ngày 17/3.