Nghệ sĩ ưu tú Quang Phác - Người thầy tận tâm
VOV.VN - Từng làm giảng viên thanh nhạc, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng nghiệp và học sinh quý mến.
Đầu tháng 5/2013 vừa qua, trước khi đến Nhà hát Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN) biểu diễn, nghệ sĩ ưu tú Quang Phác gọi điện mời tôi đến xem và nhân tiện nhận cuốn sách nhạc, trong đó có bài “Gửi anh một khúc dân ca” của tôi mà ông là người biên tập tuyển chọn.
Trước giờ hẹn tôi ở 58 phố Quán Sứ để chờ Quang Phác, giống như hồi đầu tháng 3/1975, tôi từng chờ ông đến để thu thanh ca khúc “Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định” mà tôi viết “đón đầu” để phát trong chương trình ca nhạc khi thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định được giải phóng (29/3/1975).
Nghệ sĩ Quang Phác và những người đồng nghiệp, học trò của mình (ảnh: Nguyễn Văn Thế)
Là một giọng nam cao nhẹ nhàng, mềm mại, hát như tâm sự, giãi bày, thổ lộ, không bao giờ muốn “khoe” kỹ thuật thanh nhạc đã khiến Quang Phác thể hiện rất thành công chất trữ tình thơ mộng trong sáng, mượt mà, có độ vang vừa đủ, thích hợp với một số bài dân ca hoặc những bài hát trữ tình mang chất liệu dân gian. Trong đó, có thể kể đến những bài ông thường hát nhiều và cũng được công chúng tán thưởng nhất như: “Bèo dạt mây trôi” (Dân ca Nghệ Tĩnh), “Hồ trên núi” (Phó Đức Phương), “Hò biển” (Nguyễn Cường), “Đảng là cuộc sống của tôi” (Nguyễn Đức Toàn), “Tình đất đỏ miền Đông” (Trần Long Ẩn), “Đi dọc Việt Nam” (Cát Vận)…
Ông gần gũi các nghệ nhân, xin được tập hát chèo, hát quan họ. Ông học hát ca trù với bác Đinh Khắc Ban, nghệ sĩ đàn đáy lão luyện. Ông nghiên cứu các bài bản cổ truyền, nắm bắt cái “thần” của nó, đồng thời, thử nghiệm trên giọng hát bằng kỹ năng thanh nhạc hiện đại. Sự say mê nghề nghiệp cộng với đức tính cần cù, khiêm tốn học hỏi đã đưa đến kết quả khả quan: Ông tốt nghiệp loại xuất sắc và được giữ lại trường làm giảng viên, sau đó được cử đi học tiếp tại nhạc viện Sophia (Bungary) và lại về nước vừa giảng dạy, vừa tham gia biểu diễn.
Quang Phác còn chú ý chọn lọc một số bài nhạc nhẹ mang tính dân tộc và một số bài hát nước ngoài hợp với chất giọng của mình để biểu diễn và đạt được hiệu quả tốt như các bài: “Hương Tràm” (Thuận Yến – Hoài Vũ), “Mặt trời bé thơ”, “Chiếc vòng cầu hôn” (Trần Tiến), “Chuyện tình của biển” (Thanh Tùng), “Nước Nga tổ quốc tôi” (nhạc Liên Xô), “Tổ quốc tôi” (nhạc Bungary)...
Trong giảng dạy, Quang Phác là một giảng viên tận tâm, chịu khó, từng góp phần đào tạo trực tiếp một số tài năng trẻ như: Phan Muôn (Đài TNVN), Thanh Bảng (Đoàn ca múa Nghệ Tĩnh), Hoàng Chè (Đoàn nghệ thuật quân khu II)... và hướng dẫn một thời gian cho Trung Đức (Nhà hát ca múa nhạc Hà Sơn Bình), Thúy Lan (Đài TNVN), Ngọc Khuê (Đoàn nghệ thuật Phòng Không, không quân), Vi Hoa (Đoàn nghệ thuật Bộ đội Biên Phòng)...
Nghệ sĩ Quang Phác chăm sóc người vợ khi đau ốm (ảnh: Nguyễn Văn Thế) |
Là nghệ sĩ ưu tú (1997), từng trực tiếp đào tạo cho các học sinh nước bạn Lào, từng làm chuyên gia âm nhạc ở Trường Quốc gia nghệ thuật Campuchia, Quang Phác đã góp phần tô đẹp thêm tình hữu nghị quốc tế, kể cả khi ông đi dự liên hoan âm nhạc quốc tế ở Đan Mạch.
Tuy vậy, ông rất vất vả trong hạnh phúc gia đình. Một mình Quang Phác chăm sóc bệnh tình cho vợ và con trai, nhưng ông đã bền bỉ vượt lên tất cả bằng nghị lực của mình. Dòng họ Trần và bà con xã Phú Minh (Sóc Sơn, Hà Nội) rất tự hào bởi quê hương mình đã có một Đảng viên, một thầy giáo, một nghệ sĩ ưu tú Quang Phác.
Khi đương nhiệm cũng như lúc về hưu (2002), Quang Phác rất bận với công việc chung và riêng nên ông không có điều kiện thu thanh và biểu diễn được nhiều. Đó là một thiệt thòi cho cả bản thân ông và công chúng. Nhưng những dấu ấn nghệ thuật của nghệ sĩ ưu tú Quang Phác không dễ nhạt phai trong ký ức những người yêu nghệ thuật một thời. Điều đó có lẽ là phần thưởng quý giá nhất đối với mỗi cuộc đời nghệ sĩ./.