Giản Thanh Sơn làm sách về Nick Út - "huyền thoại giản dị"
NXB Thông tấn vừa ấn hành cuốn sách Phóng viên ảnh Nick Út – huyền thoại giản dị do phóng viên ảnh Giản Thanh Sơn biên soạn.
Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn (trái) và Nick Út |
Phóng viên ảnh Nick Út – huyền thoại giản dị khái quát gần như toàn bộ sự nghiệp và cuộc đời của phóng viên ảnh Nick Út.
Ông tên thật là Huỳnh Công Út, sinh ngày 29/3/1951 tại Long An. Nick Út là tên Mỹ nhưng trong tất cả các cuộc giao tiếp ông đều xưng mình là Út với đúng tên cha sinh mẹ đẻ. Từ khi cầm máy đến lúc về hưu, Nick Út chỉ làm duy nhất cho hãng thông tấn Associated Press (AP). Hiện, Nick Út làm phóng viên ảnh tự do và mong muốn của ông là mua thật nhiều máy hình để mang về Việt Nam trao cho trẻ em và dạy bọn trẻ chụp hình.
Trở lại bức hình “Napalm girl”, Nick Út cho biết ông không đặt tên bức hình như thế. Tên bức hình này từ lần đầu được hãng AP xuất bản cho đến tận bây giờ, Nick Út vẫn gọi là “Terrible War” – “Cuộc chiến kinh khủng”. Thật vậy, cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam không chỉ kinh khủng qua tác phẩm đoạt giải Pulitzer của Nick Út, mà còn kinh khủng với gia đình và bản thân ông.
Nick Út ba lần bị thương khi làm phóng viên ảnh chiến trường. Lần đầu khi ông trở lại Trảng Bàng ghé thăm cô bé Kim Phúc, một trái lựu đạn đã nổ khi ông đến gần nhà. Có lần, Nick Út suýt thiệt mạng khi một trái rocket nổ làm ông bị thương nặng ở bụng. Nick Út có người anh trai cũng làm phóng viên ảnh chiến trường và đã tử nạn giữa hai làn đạn trong một trận đụng độ.
Phóng viên ảnh Nick Út – huyền thoại giản dị còn giới thiệu những tác phẩm của ông từ thời ông tác nghiệp trên chiến trường đến những tác phẩm chụp các minh tinh Hollywood và quang cảnh thanh bình của Việt Nam hôm nay. Dù làm việc trong hoàn cảnh nào, Nick Út đều gặt hái được vinh quang. Tên tuổi của ông được ghi trên “Đại lộ danh vọng – Hollywood”.
Phóng viên ảnh Nick Út – huyền thoại giản dị |
Giản Thanh Sơn: Nick Út tài nên tôi phục!
Theo tâm lý thông thường, những người làm cùng nghề thường ít “phục tài” nhau. Giản Thanh Sơn là một phóng viên ảnh nổi tiếng với nhiều cuộc triển lãm gây tiếng vang, như: Chân dung chính khách, Việt Nam nhìn từ không trung… Việc một phóng viên ảnh nổi tiếng đứng ra biên soạn sách về một phóng viên ảnh nổi tiếng khác thật là chuyện hiếm hoi.
Hỏi Giản Thanh Sơn, sao anh không có chút “ganh tị” nào mà lại vui vẻ, nhiệt tình làm sách về Nick Út? Nhiếp ảnh gia họ Giản cười thản nhiên: “Anh Nick Út tài nên tôi phục. Tôi ấp ủ làm cuốn sách này từ hơn ba năm nay với câu hỏi: Có phóng viên ảnh người Việt nào làm được kỳ tích như anh Nick Út đã làm? Xin thưa, tính đến hiện nay chỉ có một mình Nick Út thôi!”.
Không chỉ Giản Thanh Sơn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (nguyên phóng viên ảnh chiến trường của TTXVN) nhớ lại: “Có thể nói tôi là một trong những người được nhìn thấy bức ảnh đó (Napalm girl) sớm nhất. Sau khi sự kiện xẩy ra, hãng AP phát bức ảnh trên telephoto và radiophoto. Thông tấn xã Việt Nam đã sử dụng bức ảnh để đăng trên các báo và phát đi các hãng thông tấn khác như một bằng chứng tố cáo tội ác của chiến tranh đối với dân thường, và đặc biệt hơn là trẻ em Việt Nam. Tôi xem một lần mà vẫn ấn tượng đến bây giờ, điều đó cho thấy bức ảnh khắc ghi vào trí não người xem khiến không thể quên được”./.