Trần Nhật Lam - "Mỗi ngày sau một ngày"

VOV.VN - Sau 40 năm kể từ "Đất tôi yêu", nhà thơ Trần Nhật Lam vừa in tập thơ thứ hai có nhan đề giản dị "Mỗi ngày sau một ngày".

1. Xuân Giáp Ngọ, tôi được nhà thơ Trần Nhật Lam tặng tập thơ mới của ông “Mỗi ngày sau một ngày” (NXB Hội Nhà văn-2013). Tập thơ thứ nhất của ông “Đất tôi yêu” in năm 1973. Sau 40 năm, ông mới cho in tập thơ thứ hai.

Ngót nghét một trăm trang khổ 13x20 với 58 bài thơ. Quả là ít ỏi so với chặng đường thơ của ông. Tính ông là vậy. Dù ông đã từng nắm trong tay cả một mảng văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam, có thời là một trong 3 trung tâm truyền thông lớn về văn học nghệ thuật của cả nước.

Những sinh viên khoa Ngữ Văn-Đại học Tổng hợp Hà Nội thường tự hào về “Viện hàn lâm văn học” của mình, gọi nhau là “dân khoa Văn”. Là kẻ sinh sau, tôi có cái tự hào được là “đồng môn” với ông.

Khi tôi ra trường, về Đài Phát thanh Giải Phóng, rồi sau này về Đài Tiếng nói Việt Nam, ông đã là một cây bút thành danh trong làng thơ Việt Nam. Tôi cũng chỉ “kính nhi viễn chi” mà không có điều kiện sống gần.

Chỉ nghe một giai thoại về ông. Rằng 10 năm sau ngày giải phóng miền Nam, có một lãnh đạo Đài hỏi Ban Văn nghệ rằng ở Ban có ai chưa vào thành phố Hồ Chí Minh. Té ra người đó là nhà thơ Trần Nhật Lam. Thực hư ra sao, tôi cũng không tiện hỏi.


Nhưng đọc tập thơ mới này của ông, thấy bàn chân của ông cũng in dấu khắp biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ…Những đêm ông không ngủ là những đêm thức cùng chiến sỹ ở Lạng Sơn, Cao Bằng, cùng người thợ mỏ Quảng Ninh và người thợ thủy điện Hòa Bình…Và thức cùng những người mẹ:

Đêm ấy tầm tã mưa

Tôi gõ cửa căn nhà nhỏ nhắn

Bà mẹ chừng con trai ra trận

Đón tôi vào. Ngọn lửa bỗng hừng cao…”

(Trong đêm ngọn lửa nói gì)

Và rồi nhà thơ được ăn bữa cơm-người con trai của mẹ, được “cái nhìn của mẹ thấy con no”. Và khi được ngủ “giấc người con trai của mẹ”, nhà thơ thức cùng người mẹ để “hai mẹ con mắt nhìn chung ngọn lửa”.

Hình tượng “Người Mẹ” trở đi trở lại trong thơ ông.

Mẹ bên Cốc Nghịu gần thôi

Nghe con ốm, chẳng yên lòng

Chạy lên, nắm lá đang còn ấm tay

(Mẹ Tằm)

Tay má tung mềm mại

Nắm thóc nở đàn gà

Rèm chống sáng cửa nhà

Thắp hương cho đứa khuất"

(Má ơi, trưa tháng Năm)

2. Bốn mươi năm một chặng đường thơ Trần Nhật Lam đồng hành cùng dân tộc. Bài thơ ông viết tặng Hứa Viết Pháy và đồng đội với lời thề của chính lòng ông:

Tôi là Pháy. Xin cho tôi được ký

Lên lá cờ Tổ quốc phút gian lao

Một chữ thôi, mai có chết, yên lòng

Máu tôi vẫn theo cờ ra mặt trận

(Pháy cùng đồng đội ký lên cờ)

Khác với vẻ ngoài bình dị và có vẻ “hơi xưa”, thơ của ông sục sôi và da diết khi viết về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta, ca ngợi những tấm gương lao động dũng cảm, những người lính và những người dân bình dị…với cái nhìn rất tinh tế. “Tặng một người thợ sông Đà”, ông viết:

Đường chỉ tay thấm đẫm mỡ dầu

…Anh gạt khỏi trán anh những đám mây han gỉ

…Mỗi bến bờ anh không là khách lạ

Không ngủ nghèo ngay trên lớp quặng chìm”.

Gặp một cô gái vùng than e thẹn được khen khi “bàn tay lấm lem”, ông hóm hỉnh:

Em cứ nhìn mà xem

Cái lá phơi bụi than

Là cây hương-căn-thảo

Mọc ngay đầu dốc mỏ

Cái rễ thơm vẫn thơm

(Cây rễ thơm)

Nội dung nào thì có hình thức ấy. Thơ ông đa dạng về nội dung, phong phú về hình tượng. Nên cũng không lấy làm lạ khi trong tập thơ có từ thể thơ lục bát, thất ngôn tứ tuyệt, thể thơ năm chữ đến thơ văn xuôi, những bài thơ hai câu một khổ, ba câu thơ thành một khổ thơ…

Mở đầu tập thơ là một bài thơ lục bát “Qua miền quan họ”:

Người ơi mở bãi san đồi

Cánh cò mới sải cho trời rộng thêm

Mùa xuân đất thở mầm lên

Tôi nâng ngọn sáo tặng em sớm này…

Ngọn sáo Trần Nhật Lam có lúc ngân lên những “Vô đề” ngắn:

Ngoài chợ chỉ bán rao

Con chim đẹp

Tiếng hót hay, phải kiếm giữa trời cao…

Nhưng trong “Vườn tược của riêng mình”, ông có nhiều câu thơ văn xuôi thật mượt mà: “Mỗi sớm mai anh thường mặc chiếc áo đơn sơ dễ lẫn vào vườn tược đất đai, đúng cái áo vợ anh, mẹ anh đơm khuy đan quyện mến thương vào. Vừa cảm tạ cuộc đời, vừa hít thở hương cỏ nồng ủ suốt đêm qua nay dâng tặng giữa ban ngày. Tay cầm cuốc xêng xang, trán thanh thản trò chuyện cùng vườn tược, nghĩ bao điều tĩnh lặng sâu xa”.

Đọc những câu thơ văn xuôi của ông, nhớ cái thời tờ tuần báo Tiếng nói Việt Nam 16 trang năm đầu tiên và mấy năm sau, ông cần mẫn làm biên tập trang Văn nghệ. Ông bảo: “Một tờ báo phải có trang Văn nghệ. Nó làm sang tờ báo”.

Và ông đã làm sang tờ báo bằng một đội ngũ cộng tác viên gồm những nhà văn, nhà thơ đã thành danh cùng những bạn văn thơ khắp mọi miền đất nước. Thủa ấy, tôi có may mắn được làm việc cùng với ông. Cậy mình là “dân khoa Văn” nên đôi lúc cũng tranh luận với ông về một câu thơ, hoặc một từ trong bài thơ mà cộng tác viên gửi đến.

Giờ nghĩ lại, thấy cũng liều vì với thơ, mình là kẻ ngoại đạo. Nhưng ông chỉ cười tủm tỉm, khẽ khàng trò chuyện với tôi. Và ông không dạy tôi làm thơ, cũng không dạy tôi biên tập thơ. Ông chỉ bảo: “Bạn nên để ria mép giống mình”.

Ôi chao, ông Trần Nhật Lam với bộ ria mép “sợ vợ”. Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng có một giai thoại về tính “sợ vợ”của ông. Ấy là do ông bà thường đèo nhau bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng từ nhà ông ở phố Bát Sứ lên cơ quan.

Buổi sáng, ông dắt xe ra trước, ngồi sẵn trên yên. Bà Lam ra sau, khẽ đặt tay lên vai ông. Thế là ông cắm cúi đạp, mắt nhìn thẳng cho đến 58 Quán Sứ. Hôm đó, có người bạn tinh nghịch, lựa lúc bà Lam chưa ra, cũng làm động tác “đập vai”. Nhận được “tín hiệu”, nhà thơ gò lưng đạp đến cơ quan mới biết sau xe không có ai.

Chuyện “sợ vợ” thật hư thế nào, xin các bạn cứ hỏi chú Thuận, lái xe cơ quan tôi, người đầu tiên kể chuyện này. Chỉ biết trong tập thơ này có khá nhiều bài thơ tình, tặng Em và nói về Em. Và cũng như nhiều thi sĩ si tình khác, nhà thơ “ngộ” ra rằng mình “nghèo biết mấy khi xa Em”:

Em đi ngôi nhà vắng vẻ

Cái bàn khuya còn có mình anh…

….Em đi như vắng nửa trời

Anh hóa ra nghèo biết mấy

Giá mà có em ngồi đấy

Lặng yên trang sách,anh nhìn…

(Anh hóa ra nghèo biết mấy)

Cho dù bây giờ ông còn dành tình cảm cho lũ cháu, nhưng khi tuyển thơ cho tập thơ này, những bài thơ “tặng Em” cũng chiếm một số lượng đáng kể.

Người xưa bảo: về già, người già hóa con trẻ. Hãy xem nhà thơ dáng dấp “cổ điển” Trần Nhật Lam “nhảy dây”:

Xấu hổ cho tôi

Vướng vít

Giữa vòng dây

… Kìa chân tôi

Cởi rồi đôi giày gò bó

Trên trần trụi đất đai

Nào ta nhảy đôi, nhảy ba, nhảy bốn

Ai nhẹ nhàng, mới khỏi vướng vòng quay.

(Nhảy dây)

Thoạt đầu là một trò chơi con trẻ. Nhưng đến cuối cùng thì đã là một nguyên tắc sống rồi. Tôi thích những bài thơ ông làm khi dắt cháu đi chơi. Một đầu Xuân gần đây, trên báo Xuân Tiếng nói Việt Nam, ông đăng bài thơ “Lãng đãng triền cát đỏ”. Cả Tòa soạn vui vì thời ông còn tại vị, ông ít gửi thơ ông phát sóng, đăng báo lắm. Gặp Trần Nhật Minh, người con trai giống ông ở cái máu “lãng tử”, tôi bảo: chịu ông già. Mở đầu bằng một câu thơ “tắc tị”. Thế mà ông viết xuôi được cả bài. Thật hay. Mới biết “nội lực” của ông còn mạnh lắm. Bài thơ ấy, trong tập thơ này, ông có đưa vào (trang 89):

Ta già rồi

Theo trẻ lang thang triền cát đỏ

Lẫn một chút dấu chân ta trong đó

Cát lại chen vào cát

Trời ráng chiều hay bờ bãi ráng chiều

Nào biết nữa

Mở đầu khổ thơ là ba từ như đóng dấu chấm hết. Kết thúc, vẫn chỉ có ba từ, như mở ra vô tận. Để rồi:

Ta tự bảo

Hãy cứ viết lời yêu trên thịt da triền bãi

Như ngày còn đang trẻ

Câu cũ xanh muôn đời

Viết để nói nhiều trong lặng im

Đóa tươi thắm như mọc từ cát đỏ.

Là một kẻ không biết làm thơ, lạm bàn về một tập thơ mới của một bậc đàn anh, cũng không được viết dài. Đặc biệt, như ông chủ trương: Tập thơ không có đề tựa, cũng chẳng có lời mở đầu hay lời cuối sách…

Chỉ là “MỖI NGÀY SAU MỘT NGÀY” - thơ Trần Nhật Lam./.

                                                                                                              Mùng Một tháng Giêng Giáp Ngọ

  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nguyễn Khánh Toàn: Viết truyện thơ lịch sử để hiểu nước mình
Nguyễn Khánh Toàn: Viết truyện thơ lịch sử để hiểu nước mình

VOV.VN - “Lịch sử sẽ sống động hơn nếu gắn với nhiều cách nhìn, gắn với việc phản ánh con người và giá trị của con người”.

Nguyễn Khánh Toàn: Viết truyện thơ lịch sử để hiểu nước mình

Nguyễn Khánh Toàn: Viết truyện thơ lịch sử để hiểu nước mình

VOV.VN - “Lịch sử sẽ sống động hơn nếu gắn với nhiều cách nhìn, gắn với việc phản ánh con người và giá trị của con người”.

Viết tiếp truyện thơ lịch sử “Con Hồng cháu Lạc”
Viết tiếp truyện thơ lịch sử “Con Hồng cháu Lạc”

VOV.VN - Tập 4 truyện thơ lịch sử “Con Hồng cháu Lạc” của tác giả Nguyễn Khánh Toàn vừa được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành.

Viết tiếp truyện thơ lịch sử “Con Hồng cháu Lạc”

Viết tiếp truyện thơ lịch sử “Con Hồng cháu Lạc”

VOV.VN - Tập 4 truyện thơ lịch sử “Con Hồng cháu Lạc” của tác giả Nguyễn Khánh Toàn vừa được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành.

Chùm thơ xuân của tác giả Mã Văn Tính
Chùm thơ xuân của tác giả Mã Văn Tính

VOV.VN - Nhà thơ Mã Văn Tính người dân tộc Nùng, trước là giáo viên dạy trung học ở Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Chùm thơ xuân của tác giả Mã Văn Tính

Chùm thơ xuân của tác giả Mã Văn Tính

VOV.VN - Nhà thơ Mã Văn Tính người dân tộc Nùng, trước là giáo viên dạy trung học ở Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Ngày hội tuổi thơ mừng xuân “Nâng cánh ước mơ” cho trẻ nghèo
Ngày hội tuổi thơ mừng xuân “Nâng cánh ước mơ” cho trẻ nghèo

VOV.VN -Ngày hội tuổi thơ kéo dài đến chiều tối với hoạt động diễu hành đường phố, thưởng thức văn nghệ

Ngày hội tuổi thơ mừng xuân “Nâng cánh ước mơ” cho trẻ nghèo

Ngày hội tuổi thơ mừng xuân “Nâng cánh ước mơ” cho trẻ nghèo

VOV.VN -Ngày hội tuổi thơ kéo dài đến chiều tối với hoạt động diễu hành đường phố, thưởng thức văn nghệ

Kết nối Trường Sơn với Trường Sa bằng thơ - nhạc
Kết nối Trường Sơn với Trường Sa bằng thơ - nhạc

VOV.VN - “Em gái Xê Đăng ở Trường Sa” là món quà Tết bằng âm nhạc ý nghĩa dành tặng cho các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa thân yêu.

Kết nối Trường Sơn với Trường Sa bằng thơ - nhạc

Kết nối Trường Sơn với Trường Sa bằng thơ - nhạc

VOV.VN - “Em gái Xê Đăng ở Trường Sa” là món quà Tết bằng âm nhạc ý nghĩa dành tặng cho các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa thân yêu.