Chống buôn lậu: Không thể để “con sâu làm rầu nồi canh”!
VOV.VN -Việc chống buôn lậu là không có vùng cấm, các lực lượng đều phải giám sát lẫn nhau; quản lý thị trường, hải quan, biên phòng phải giám sát nhau...
Thời gian qua, liên tiếp những vụ buôn lậu lớn được phát hiện. Bên cạnh việc biểu dương, tôn vinh lực lượng chức năng đã có những thành tích trong việc bóc gỡ những đường dây buôn lậu hàng hóa lớn, thì dư luận cũng đặt ra câu hỏi: Vì sao nhiều hàng hóa lại dễ thẩm lậu qua khu vực biên giới, cửa khẩu đến vậy, thậm chí vào sâu trong nội địa, tập kết tại các chợ đầu mối lớn, mà vẫn không bị phát hiện? Phải chăng đã có sự “làm ngơ” của lực lượng chức năng?
Công tác chống buôn lậu đã đạt được những bước tiến đáng kể. Cơ cấu tổ chức của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được đổi mới cho phù hợp với thực tế: “Ban 327” trước đây đã được cơ cấu lại thành “Ban 389”. Cách thức đấu tranh chống buôn lậu theo chuyên đề - tức là khoanh vùng nhóm hàng hóa có nguy cơ buôn lậu cao đã phát huy tính hiệu quả.
Hàng loạt vụ buôn lậu lớn về các mặt hàng như rượu, thuốc lá, vải, sữa... được phát hiện. Ngoài việc truy thu thuế cho ngân sách Nhà nước, thì hiệu quả lớn nhất của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại là tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế qua phản ánh của báo chí, việc buôn lậu nhiều mặt hàng còn diễn biến phức tạp, thậm chí công khai qua khu vực biên giới cửa khẩu, như chuyện buôn lậu đường ăn, thuốc lá, xăng dầu thẩm lậu ở khu vực biên giới Tây Nam, hàng tiêu dùng như đồ điện tử, quần áo, vải vóc ở khu vực biên giới phía Bắc... khiến dư luận bức xúc và có những cách nhìn nhận thiếu thiện cảm với lực lượng phòng chống buôn lậu.
Vừa qua, trong chuyến khảo sát tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc-Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có phát biểu nhấn mạnh: “Việc chống buôn lậu là không có vùng cấm, các lực lượng đều phải giám sát lẫn nhau; quản lý thị trường, hải quan, biên phòng phải giám sát nhau, khi lọt vào nội địa phải điều tra rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi nào để xảy ra vi phạm phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu”.
Ý chỉ đạo của Phó Thủ tướng đã rõ. Ngoài sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin và hiệp đồng tác chiến, thì các lực lượng phải có sự giám sát lẫn nhau. Giám sát, không phải làm khó dễ cho nhau, chồng chéo công việc, hay bao che cho nhau, mà giám sát, chính là để giữ cho nhau, bảo đảm kỷ cương, yêu cầu công vụ và tiếp thêm bản lĩnh cho người thừa hành chống các cám dỗ, mua chuộc của đối tượng vi phạm. Có như vậy, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại mới đạt hiệu quả cao nhất. Và cũng có như vậy thì mới lấy lại được hình ảnh, niềm tin của nhân dân đặt vào những chiến sỹ trên mặt trận phòng chống buôn lậu.
Trong cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận cam go, hàng ngày, nhiều chiến sỹ biên phòng, nhân viên hải quan hay cán bộ quản lý thị trường đối mặt với những khó khăn, thách thức thậm chí cả hiểm nguy. Không quản ngại khó khăn, để làm lành mạnh thị trường trong nước, dù ngày hay đêm, nắng hay mưa, giá rét, nhiều chiến sỹ, cán bộ chống buôn lậu luôn sẵn sàng mai phục, dũng cảm truy bắt và đấu trí với cánh buôn lậu ngày càng táo tợn, nhiều chiêu thức tinh vi. Phải khẳng định rằng, việc làm ngơ, tiếp tay cho buôn lậu xảy ra ở nơi này, nơi khác không phải là chuyện phổ biến.
Không thể để “những con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu đi hình ảnh lực lượng có trách nhiệm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức công vụ gắn liền với những chế tài mạnh đối với các hành vi vi phạm là việc cần phải được đặt lên hàng đầu ở những ngành có tính chất “nhạy cảm” như hải quan và quản lý thị trường!./.